Ngoại trưởng Nga nói, Nga không “cố bám lấy” G-8 và xem nhóm G-20 là diễn đàn tốt nhất để thảo luận các vấn đề toàn cầu...
Trong một bức ảnh được Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Barroso đưa lên trang Twitter cá nhân, các nhà lãnh đạo của G-7 cùng tươi cười quanh một bàn họp không có Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Twitter.
Hãng tin tài chính Bloomberg cho biết, trong cuộc gặp đầu tiên kể từ khi Crimea sáp nhập Nga vào tuần trước, các nhà lãnh đạo G-7 ngày hôm qua (24/3) tuyên bố sẽ không tham dự hội nghị G-8 dự kiến diễn ra vào tháng tại thành phố Sochi của Nga, nơi vừa diễn ra sự kiện Thế vận hội mùa đông. Thay vào đó, hội nghị này - trong đó Nga không còn được mời tham dự - sẽ diễn ra ở Brussels, Bỉ.
“Chúng tôi tiếp tục sẵn sàng tăng cường hành động, bao gồm phối hợp áp các lệnh trừng phạt vào các ngành kinh tế để gây ảnh hưởng ngày càng lớn đối với nền kinh tế Nga, nếu như nước này tiếp tục đẩy căng thẳng leo thang”, các nhà lãnh đạo G-7 nói trong một tuyên bố gửi qua đường email sau cuộc họp diễn ra hôm qua tại The Hague, Hà Lan.
Cả hai phía trong cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga và phương Tây, đều dành ngày hôm qua để tính xem sẽ làm gì tiếp theo. Nga hiện vẫn đang củng cố quyền kiểm soát ở Crimea và tập trung đông quân ở gần biên giới - một động thái khiến Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lo ngại Moscow đang có ý định chiếm thêm các vùng đất khác của Ukraine.
“Chúng tôi nhất trí buộc Nga phải trả giá cho những hành động của họ tính đến thời điểm này”, Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trước báo giới ở Amsterdam, Hà Lan, ngày hôm qua.
Ông Obama đã bắt đầu chuyến công du kéo dài 6 ngày tại châu Âu. Mục đích ban đầu của chuyến đi này là hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân ở The Hague. Tuy nhiên, với cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang, cuộc đối đầu với Nga đã trở thành chủ đề chính trong chuyến đi châu Âu lần này của người đứng đầu Nhà Trắng.
Với động thái hôm qua, nhóm G-7, bao gồm Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Italy, Canada và Nhật Bản, quay trở lại với định dạng của thời chính tranh lạnh. Vào năm 1998, Nga đã được chào đón tham gia để nhóm này trở thành nhóm G-8.
Trong một bức ảnh được Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Barroso đưa lên trang Twitter cá nhân, các nhà lãnh đạo của G-7 cùng tươi cười quanh một bàn họp không có Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Nước Nga cần phải thay đổi những gì mà họ đang làm”, Thủ tướng Anh David Cameron nói trước báo giới.
Để trừng phạt Nga, Mỹ đến nay đã đóng băng tài sản và cấm visa đối với 31 cá nhân là các quan chức, chính trị gia và doanh nhân người Nga và Ukraine, cùng ngân hàng Bank Rossiya. Số nhân vật Nga và Ukraine bị EU trừng phạt đã lên con số 51.
“Các lệnh trừng phạt hiện nay vẫn còn quá nhỏ bé để gây khó khăn. Nhưng điều đó hoàn toàn là có chủ ý”, ông Fredrik Erixon, Giám đốc Trung tâm châu Âu về Kinh tế chính trị quốc tế ở Brussels, nhận định. “EU và Mỹ sở hữu thứ vũ khí nguy hiểm nếu họ nhằm vào nền kinh tế Nga. Họ đang vạch ra một kế hoạch trừng phạt từng bước bằng con đường kinh tế”.
Các quan chức Mỹ và châu Âu cho rằng, các lệnh trừng phạt đã bắt đầu có tác dụng đối với Nga. Chỉ số Micex của thị trường chứng khoán Nga từ đầu năm tới nay đã giảm 13,7%, đồng Rúp mất giá 8,9%. Theo số liệu của công ty nghiên cứu EPFR Global của Mỹ, các nhà đầu tư đã rút vốn ròng 5,5 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán và trái phiếu Nga trong thời gian từ đầu năm đến ngày 20/3.
Hôm qua, Thứ trưởng Bộ Kinh tế Nga Andrey Klepach đưa ra dự báo, lượng thoái vốn ròng khỏi Nga trong quý 1 năm nay có thể đạt 65-75 tỷ USD. Theo ông Klepach, các lệnh trừng phạt chưa ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế Nga, nhưng mối quan hệ nguội lạnh với phương Tây đã thúc đẩy các ròng vốn rời khỏi nước này.
Ông Klepach cho biết, Chính phủ Nga vẫn không cho là nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái như nhiều tổ chức dự báo đánh giá.
Tổng thống Putin đã cử Ngoại trưởng Sergei Lavrov tới tham dự hội nghị thượng đỉnh 53 nước về an ninh hạt nhân tại The Hague. Phát biểu trước báo giới, ông Lavrov nói rằng, Nga không “cố bám lấy” G-8 và xem nhóm G-20 là diễn đàn tốt nhất để thảo luận các vấn đề toàn cầu.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Angela Merkel tuyên bố hiện không có “môi trường chính trị” cho một cuộc họp G-8.
Các ngoại trưởng G-7 cũng tẩy chay một cuộc họp dự kiến diễn ở Moscow vào tháng 4, một tuyên bố của nhóm cho biết. Ngoài ra, các bộ trưởng bộ năng lượng của G-7 dự kiến sẽ họp để bàn cách đa dạng hóa nguồn cung nhiên liệu, giảm sự phụ thuộc vào Nga nhằm tránh ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt.
“Nhóm này đến bên nhau vì có chung niềm tin và trách nhiệm. Những hành động của Nga trong mấy tuần qua không phù hợp với những niềm tin và trách nhiệm đó”, tuyên bố của G-7 có đoạn viết.
Theo An Huy ( Vneconomy )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét