- BTTD: Vỹ cuồng- căn bệnh nguy hiểm cho loài người của giới lãnh đạo mang tư tưởng dân tộc cực đoan và bành trướng.
Anh đánh giá lại quan hệ với Nga trong lúc nhiều bình luận lo ngại rằng sau Crimea, Vladimir Putin sẽ tiếp tục 'ra tay' ở nơi khác.
Trong bài viết trên tờ Sunday Telegraph sáng Chủ Nhật 23/3/2014, Bộ trưởng Ngoại giao Anh, ông William Hague nói Anh và các đồng minh 'cần xem xét việc đánh giá một tình trạng quan hệ khác với Nga'.
Trước mắt, các nước châu Âu lo ngại Nga sẽ dùng lá bài 'bảo vệ thiểu số' ở vùng phía Đông Ukraine để chiếm vùng này.Trong tuần, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển, Carl Bildt trả lời CNN rằng theo ông, Crimea chỉ là'bước mở đầu' trong một kế hoạch lâu dài 'giành lại Kiev' của lãnh đạo Nga.
Trên trang Observer sáng nay, phóng viên Luke Harding tường thuật từ Donetsk rằng giới quan sát đang lo ngại Moscow vẫn có ý muốn chiếm thêm các vùng khác của Ukraine.
Nhà báo Anh ghi nhận 'phái ủng hộ Nga ở Donetsk thể hiện rõ giọng điệu ly khai' khỏi Ukraine nhưng tại đây họ là một số nhỏ.
"Trong tuần tới, chúng ta sẽ rõ hơn là các nhóm biểu tình có tổ chức sẽ tiếp tục hay giảm đi, sau khi có lệnh trừng phạt của Mỹ và EU với Moscow", Luke Harding viết.
Tính toán lâu dài
Một tờ báo Anh khác, tờ Sunday Times nêu lại lo ngại về tính toán lâu dài hơn của Tổng thống Nga, Vladimir Putin với vùng Đông Âu và Baltic.
Bài trên Sunday Times trích đăng ý kiến của ông Anders Aslund, một cựu cố vấn cho Nga và Ukraine nói rằng khủng hoảng Crimea nhắc lại tình hình châu Âu năm 1938 với sự yếu kém của Phương Tây và sự hung hăng của Adolf Hitler về lãnh thổ.
Ông Aslund cho rằng ở châu Âu chỉ có Nga là nước duy nhất tiếp tục cải cách quân sự và đủ sức mạnh tái vũ trang.
"Ông Putin sẵn sàng gây hấn về quân sự dù không bị khiêu khích, và đơn phương thu về nhiều lãnh thổ của các vùng nói tiếng Nga cho Liên bang Nga."
Báo Sunday Times cũng cho rằng Putin nhận thấy Hoa Kỳ xoay trục sang châu Á nên châu Âu bị Mỹ coi như 'khu vực thứ yếu' về chiến lược, thể hiện từ chỗ ngay trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Barack Obama đã bỏ kế hoạch phòng thủ hỏa tiễn đặt tại Ba Lan và CH Czech.
Đây là dấu hiệu khiến Putin coi rằng Mỹ yếu.
Báo Sunday Times cũng vẽ ra viễn cảnh năm 2015 Nga sẽ đánh Latvia lấy cớ bảo vệ thiểu số Nga tại đây.
Tờ báo cho rằng đó chỉ là một 'kịch bản' khi Nga sẵn sàng đánh vào một nước vùng Baltic là thành viên Nato nhưng không phải là chuyện hoàn toàn 'tưởng tượng'.
Hiện nay tại châu Âu lo ngại này đang được các giới chức cao cấp bày tỏ.
Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển, Carl Bildt hôm 20/3 đã trả lời CNN rằng ông tin là 'nghị trình thực sự của Putin không phải là Crimea mà là Kiev'.
"Tôi nghĩ ông ta sẵn sàng dùng các biện pháp từ kinh tế đến lật đổ, gây bất ổn, và cả cách thức quân sự nữa. Và đây là điều rất đáng sợ và gây lo ngại sâu sắc."
"Điều này có thể không xảy ra ngay nhưng ông Putin sẵn sàng cho cuộc chơi lâu dài," Bộ trưởng của Thụy Điển nói.
Báo Sunday Times nhận định rằng chính cuộc biểu tình của giới trung lưu Nga hồi 2011 phản đối kế hoạch cầm quyền 'vĩnh viễn' của ông Putin đã làm Điện Kremlin đổi cách nhìn về châu Âu và Ukraine.
Nhà báo Ben Judah trên trang báo này đánh giá rằng khi đó, ông Putin và nhóm cộng sự bị choáng và tin rằng cần ngăn chặn làn sóng thay đổi chế độ đến từ phía Tây.
Bằng mọi giá họ phải 'giữ được Ukraine' trong một liên minh chặt chẽ do Nga chỉ đạo.
Nếu như châu Âu lo ngại về sự thay đổi biên giới 'bằng vũ lực', báo chí Trung Quốc cũng thừa nhận thực trạng đó nhưng rút ra bài học rằng dùng 'vũ lực' là một thực tế trên chính trường quốc tế thời nay.
Trang Global Times của Trung Quốc hôm 20/3 có bài viết 'Crimea cho thấy vũ lực quan trọng hơn trưng cầu dân ý'.
Tác giả bài báo, ông Li Kaisheng từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Thượng Hải cho rằng "Không phải lá phiếu của dân Crimea có tính quyết định mà là tàu chiến, phi cơ và tên lửa của Nga quyết định số phận của vùng đất này."
Nhà nghiên cứu này kết luận không phải trưng cầu dân ý mà cuộc cạnh tranh sức mạnh giữa các nước đã và đang quyết định các sự kiện chính trị quốc tế ngày nay.
Theo bbc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét