Trang

11 tháng 3, 2015

Nga-Trung: Hai hổ lớn khó trở thành “bằng hữu”


(Quan hệ quốc tế) - Nga-Trung Quốc đang tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực nhằm làm giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ. Nhưng liệu đây có phải là một mối quan hệ bằng hữu?

Viễn cảnh hào nhoáng của sự hợp tác Nga-Trung
Mới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã khẳng định rằng hợp tác chiến lược giữa Trung Quốc và Nga mang lại lợi ích chung cho hai nước, dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau và không phải nhắm đến một bên thứ 3 nào khác.
Sau khi khẳng định quan hệ song phương giữa hai nước là ổn định và đáng tin cậy, ông Vương nhấn mạnh rằng, các áp lực về chính trị và kinh tế của phương Tây lên Moscow sẽ không ảnh hưởng đến hợp tác chung  và 2 nước là nhân tố quan trọng nhằm bảo đảm bình ổn thế giới.
Những dự án hợp tác kinh tế lớn của Nga và Trung Quốc có thể được kể đến như hợp đồng cung cấp khí đốt trị giá 400 tỉ USD trong 10 năm cho Trung Quốc được kí vào năm 2014.
Thêm vào đó, Nga và Trung Quốc đã cùng các nước trong nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS thành lập nên ngân hàng đầu tư của khối này với số vốn 100 tỉ USD, để cạnh tranh với Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) của những nước phương Tây.
Gần đây, Moscow lại cùng Bắc Kinh cũng thành lập nên một cơ quan đánh giá tín dụng chung để tạo ra sự cân bằng với 3 công ty đánh giá lớn của phương Tây là S&P, Moody’s và Fitch.
Ngoài ra, hiện tại 2 nước cũng đang có ý định dùng nội tệ để thanh toán các hoạt động giao thương, buôn bán để tránh sự phụ thuộc vào đồng USD và tạo ra một lựa chọn thanh toán mới trong hệ thống tài chính quốc tế.
Việc sáp nhập bán đảo Crimea và những sự kiện diễn ra ở Ukraine đã làm quan hệ giữa Nga với phương Tây xấu nhất kể từ thời sau Chiến tranh lạnh. Mỹ và EU đã áp đặt những lệnh trừng phạt lên các ngành tài chính, năng lượng và quốc phòng của Nga, buộc Moscow phải đi tìm lấy những đối tác mới và Bắc Kinh chính là sự lựa chọn số 1.
Nga và Trung Quốc đang hợp tác lớn nhiều mặt nhưng không xây dựng liên minh quân sự
Nga và Trung Quốc đang hợp tác lớn nhiều mặt nhưng không xây dựng liên minh quân sự
Tờ Russia Today đã từng gọi mối quan hệ hợp tác giữa Nga và Trung Quốc là sự khởi đầu của một kỉ nguyên thế giới không còn sự phụ thuộc vào đồng USD và Mỹ. Tuy nhiên, điều này có đúng không?
Lịch sử chiến tranh biên giới và sự nghi kị lẫn nhau
Tuy nhiên, ý tưởng về liên minh Nga-Trung thay đổi cục diện thế giới nghe có vẻ không khả thi khi cả 2 “ông lớn” này đều có những tham vọng riêng và thực sự cũng không “yêu quý nhau” như những lời nói thể hiện ra bên ngoài.
Những hợp đồng khủng như cung cấp khí đốt 400 tỉ USD và ngân hàng phát triển của khối BRICS trị giá 100 tỉ USD đều chỉ là sự chứng minh mối quan hệ lợi ích chứ không hẳn là một “tình bạn” lâu dài và bền vững.
Hay nói cách khác, 2 cường quốc Nga-Trung Quốc đều đang nhìn nhau như một đối tác tiềm năng và cũng là một mối đe doạ cần phải dè chừng.
Trên thực tế, Nga và Trung Quốc đã có một cuộc chiến tranh nhỏ hay chính xác hơn là một cuộc xung đột biên giới vào năm 1969, khi Liên bang Xô viết chưa sụp đổ và cả 2 nước vẫn đang đi theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Trung Quốc tấn công trước vào các vị trí của Liên Xô gần sông Ussuri, phía đông biên giới của nước này. Liên Xô sau đó tấn công lại và đã có thời điểm đe doạ sẽ sử dụng cả vũ khí hạt nhân nếu Trung Quốc không lui quân. Đó cũng là lần đầu tiên kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc được đặt ở mức báo động.
Trung Quốc muốn gửi đi thông điệp rằng Liên Xô không thể ép buộc mình như họ đã làm với những nước Xã hội Chủ nghĩa khác. Trong khi đó, Liên Xô thì lại lo sợ Trung Quốc đe dọa tới vùng biên giới phía đông của mình. Cả 2 đều không tin tưởng lẫn nhau, do đó một cặp đồng minh đáng tin cậy là điều khó có thể xảy ra.
Nga và Trung Quốc có đường biên giới chung khá dài và đã từng xảy ra tranh chấp trong quá khứ
Nga và Trung Quốc có đường biên giới chung khá dài và đã từng xảy ra tranh chấp trong quá khứ
Trong thời điểm hiện tại, yếu tố địa lí không còn là vấn đề quan trọng, tuy nhiên, cả Nga và Trung Quốc đều có tham vọng trở thành những cường quốc quân sự và do đó, 2 nước láng giềng này lại nghi ngờ nhau về mục đích thực sự của việc đầu tư vào quốc phòng.
Hai sức mạnh quân sự hàng đầu thế giới ở quá gần nhau, mỗi nước đều cho rằng điều đó sẽ ảnh hưởng đến lợi ích và vị thế địa chính trị của mình. Do đó, giữa Nga và Trung Quốc luôn tiềm ẩn một điều gì đó không thể tuyệt đối tin tưởng.
Hợp tác nhiều mặt nhưng không xây dựng được quan hệ đồng minh
Theo nhiều chuyên gia, nhân tố chính trong quan hệ hợp tác Nga-Trung chính là vấn đề buôn bán vũ khí. Tuy nhiên, Moscow không thể quá ưu đãi đối với Bắc Kinh do một nguyên nhân đơn giản là họ cũng có mối quan hệ hợp tác quốc phòng rất tốt với New Dehli.
New Dehli và Bắc Kinh có rất nhiều xung đột về vấn đề biên giới-lãnh thổ trong thời gian qua. Việc Nga bán vũ khí cho Trung Quốc không khác nào một hành động gián tiếp đối đầu với Ấn Độ, mà trên thực tế, New Delhi hiện còn đang là nước nhập khẩu vũ khí từ Moscow nhiều hơn cả Bắc Kinh.
Hiện thị trường vũ khí Ấn Độ - khách hàng truyền thống và lớn nhất của Nga - cũng đang bị cạnh tranh gay gắt bởi Mỹ và châu Âu. Chính vì vậy, Moscow phải quan tâm đến cả New Dehli chứ không thể ngả hẳn về phía Bắc Kinh.
Gần đây, lượng vũ khí Nga nhập khẩu vào Trung Quốc đang có chiều hướng giảm, một phần là do nước này đã có thể tự mình xây dựng ngành công nghiệp sản xuất vũ khí nhưng nguyên nhân cũng đến từ nguyên nhân là Moscow đang dè chừng sức mạnh của Bắc Kinh.
Nga phải tìm cách cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và Ấn Độ
Nga phải tìm cách cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và Ấn Độ
Nga hiện đã từ chối bán cho Trung Quốc nhiều loại vũ khí hiện đại hoặc rút bớt tính năng hay chỉ cung cấp ở số lượng có hạn, do nước này sợ một Trung Quốc mạnh mẽ sẽ tạo ra những lợi thế trong cuộc đối đầu quân sự tiềm tàng trong tương lai.
Hơn nữa, ngoài những lời tuyên bố chống Mỹ thì dường như Nga-Trung cũng không có ý định thành lập một liên minh quân sự chung.
NATO đang từng bước cô lập Nga, tuy nhiên, sự mở rộng của khối đồng minh này lại chẳng có liên quan tới Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh chắc chắn sẽ không có hứng thú tham gia cùng Moscow vào cuộc chạy đua vũ trang tốn kém với các nước phương Tây.
Những sự nghi ngờ và dè chừng lẫn nhau có lẽ cũng là nguyên nhân cho việc kể từ sau chiến tranh lạnh, Nga và Trung Quốc không xây dựng mối quan hệ hợp tác quân sự và kinh tế gần gũi.
Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã từng được cho là minh chứng cho sự hợp tác thân thiết về nhiều mặt giữa 2 nước, tuy nhiên, chưa bao giờ Moscow hay Bắc Kinh tự nhận đây là một tổ chức chính trị-quân sự chung.
Truyền thông 2 nước nói nhiều đến sự thay đổi trật tự thế giới, tuy nhiên, có rất ít minh chứng cho thấy Nga và Trung Quốc thực sự muốn chủ động làm việc này mà đơn giản họ chỉ muốn hợp tác để ăn miếng trả miếng với những hành động từ Mỹ và phương Tây.
Ngoài ra, cả 2 đều có tham vọng về tầm ảnh hưởng riêng trong các mặt chính trị, quân sự, và kinh tế. Hai con hổ lớn đều có tham vọng làm thủ lĩnh, do đó, sự đoàn kết vì một lợi ích chung là điều khó có thể thực hiện được. 
Thiên Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét