Trang

14 tháng 3, 2015

"Công chức cắp ô cũng là tội phạm tham nhũng"?

(Tin tức thời sự) - “Chúng ta thường nói 30% công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, hay đến cơ quan nhưng không làm việc, đó cũng là tham nhũng”.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Tri Phương, Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, tại hội thảo về chủ đề “Thu hồi tài sản tham nhũng - thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế”, ngày 13/3.
Bên cạnh đó, ông Phương cũng chỉ ra thực tế tại Việt Nam hiện nay, loại tội phạm “ẩn” nhiều nhất là tội phạm tham nhũng, loại tội phạm này “ẩn” nên rất khó phát hiện được, lại không xử lý hình sự được, trong khi loại tội phạm này lại làm thất thoát rất lớn tài sản của Nhà nước.
Là người cũng nhiều trăn trở, tại cuộc tọa đàm “Mãi mãi theo Đảng”, ngày 21/1/2015, GS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương đã nói: “Tình trạng "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về" trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng là một cách tham nhũng. Tham nhũng không chỉ là tiền của, vật chất mà là tham nhũng thời gian. Lãng phí không chỉ của cải, vật chất mà lãng phí sức người, lãng phí thời gian. Nhiều sự lãng phí hữu hình thì dễ nhận thấy nhưng sự lãng phí vô hình mới là nan giải”.
Công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về được coi là tham nhũng
Công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về được coi là tham nhũng
Nhớ lại trước đó, tại cuộc họp thứ nhất Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức vào ngày 25/1/2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra: “Chúng ta hiện đang có 2,8 triệu công chức, nhưng thực sự 2,8 triệu công chức ấy có cống hiến hết mình hay không? Chế độ chi cho công chức, công vụ của chúng ta hiện nay vẫn tính trên tổng biên chế nói chung, mà chưa tính đến việc làm cụ thể của từng vị trí công chức. Biên chế càng lớn thì chi thường xuyên càng lớn.
Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào".
Mặt khác, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cũng phải công nhận, bộ máy hành chính của ta còn cồng kềnh, nhiều tầng, hiệu quả còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu quản trị mới theo hướng hiện đại, hiệu quả.
Đưa ra so sánh cụ thể, tổng dân số ở Mỹ hiện tại là 315 triệu người và số công chức quản lý bộ máy nhà nước là 2,1 triệu người. Ở VN ta dân số hiện tại ước chừng 88 triệu người và số công chức quản lý bộ máy nhà nước là 2,8 triệu người. Xét về dân số thì ta chưa bằng 1/3 dân số Mỹ, xét về địa lý thì rất nhỏ bé so với Mỹ (1/10). Như vậy có phải là chúng ta đang gặp vấn đề lớn về hiệu quả làm việc của nhân sự công chức?
Bên cạnh đó, ông Phúc cũng cho hay: "Đến nay chúng ta cũng đã thực hiện 5 đến 6 đợt tinh giản, nhưng lại không được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ nên dẫn tới hậu quả là bộ máy không kìm chế được mà cứ “phình” ra".
Thái Linh (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét