Trang

5 tháng 8, 2014

Nga tập trận tại Kuril đe ai?

(Tin tức 24h) - Ngày 4/8, Nga bất ngờ tiến hành cuộc tập trận phòng không lớn tại quần đảo Kuril (Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc) với hệ thống phòng không Tor-M2.
Hãng tin Interfax dẫn lời Đại tá Alexander Gordeev cho biết, theo kịch bản cuộc tập trận, hệ thống Tor-M2 sẽ thực hiện nhiệm vụ phát hiện, phản công và tiêu diệt mục tiêu nhỏ có tốc độ cao mô phỏng thiết bị bay trinh sát và tấn công không người lái (UAV). Ngoài ra, các chiến sĩ sẽ thực hành thao tác tiêu chuẩn đưa vũ khí vào tư thế bắn, khẩn trương tiếp cận và rút lui khỏi vị trí chiến đấu.
Cuộc tập trận này là hành động tiếp theo của Nga nhằm khẳng định sức mạnh tại quần đảo Kuril. Hồi đầu năm 2014, Nga quyết định sẽ xây dựng hơn 150 cơ sở quân sự trên các đảo Iturup và Kunashir, một phần trong chuỗi đảo tranh chấp Kuril.
Đại tướng Sergei Suvorkin cho biết trong năm tới, đơn vị đồn trú tại quần đảo Kuril sẽ nhận hơn 120 xe bọc thép, xe chuyên dụng. Bên cạnh đó, hơn 350 thiết bị quân sự tiên tiến sẽ được triển khai đến các đảo trong 3 năm.
Hệ thống phòng không Tor-M2
Hệ thống phòng không Tor-M2
Ngoài lực lượng đồn trú tại quần đảo Kuril, hạm đội mạnh nhất của Nga - Hạm đội Thái Bình Dương với những vũ khí hạng nặng có thể thách thức bất kỳ đối thủ nào trong khu vực. Hạm đội Thái Bình Dương được trang bị soái hạm - tuần dương hạm mang tên lửa điều khiển Varyag, tàu khu trục chống ngầm hạng nặng lớp Udaloy, tàu khu trục mang tên lửa điều khiển lớp Sovremenny.
Trong biên chế của hạm đội còn có tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Delta-III/IV, Akula, Oscar-II, tàu ngầm tấn công lớp Kilo (636), máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-22M3, Tu-142, tiêm kích đánh chặn nhanh nhất thế giới hiện nay Mig-31 và các loại máy bay chống ngầm như Ka-27/31, IL-39.
Trong thành phần biên chế tác chiến của hạm đội có 5 tàu ngầm chiến lược mang tên lửa, 20 tàu ngầm đa năng, trong đó có 12 chiếc là tàu ngầm nguyên tử, 10 tàu chiến hoạt động trên đại dương, 32 tàu chiến hoạt động gần bờ.
 Tuần dương hạm Varyag
Tuần dương hạm Varyag
Sức mạnh uy trấn của Hạm đội Thái Bình Dương là tuần dương hạm Varyag thuộc Project 1164 Atlant (Nato định danh là lớp Slava). Siêu hạm Varyag sở hữu năng lực tác chiến cực mạnh với 16 tên lửa chống hạm tầm xa P-500 Bazalt cải tiến tầm bắn lên đến 550km, tên lửa được dẫn đường kết hợp quán tính và radar chủ động.
Không chỉ mạnh về chống hạm, tuần dương hạm Varyag còn được trang bị hệ thống tên lửa đối không tầm xa hiện đại. 8 bệ phóng với 8 ống phóng thẳng đứng cho mỗi bệ phóng cơ số 64 tên lửa đối không tầm xa S-300F, phiên bản hải quân của hệ thống tên lửa đối không S-300 PMU2 Favorit (NATO định danh là SA-N-6 Grumble).
Hệ thống tên lửa đối không này có tầm tác chiến chống máy bay là 150km, 30km chống tên lửa đạn đạo. Hai hệ thống tên lửa đối không phản ứng nhanh OSA-MA, một hệ thống ở phía trước và một ở phía sau, cơ số 40 quả tên lửa. Tên lửa 9M33M có tầm bắn tối đa là 15km, tầm cao tối đa là 12km.
Tuần dương hạm Varyag được trang bị một pháo hạm đa năng nòng kép AK-130-130mm, tầm bắn tối đa 23km chống lại các mục tiêu mặc nước, 15km chống máy bay, tốc độ bắn trung bình là 40 viên/phút.
Sáu pháo bắn siêu nhanh AK-630, có thể được thay thế bằng hệ thống phòng thủ tầm cực gần Kashtan, 5 ống phóng ngư lôi kép 533mm, 2 hệ thống phóng rocket chống ngầm RBU-6000. Đuôi tàu tuần dương hạm Varyag có bãi đáp và nhà chứa cho trực thăng chống ngầm Ka-27.
Khu trục hạm tên lửa lớp Kongo
Khu trục hạm tên lửa lớp Kongo
Trong khi đó đối thủ trực tiếp của Nga trong tranh chấp tại quần đảo Kuril là Nhật Bản cũng sở hữu lực lượng được coi là đối thủ của Nga. Hiện nay, Hải quân Nhật Bản có khoảng 110 tàu chiến mặt nước, 21 tàu ngầm. Tuy số lượng khiêm tốn nhưngnhững chiến hạm của họ đều được vũ trang hạng nặng cùng các thiết bị hỗ trợ tác chiến công nghệ cao, tổng lượng choán nước xấp xỉ 450.000 tấn.
Hiện nay, trong biên chế, Hải quân Nhật Bản có 8 tàu khu trục mang tên lửa điều khiển trong đó có 4 tàu khu trục Aegis lớp Kongo. Những tàu này được trang bị radar AN/SPY-1, là bộ phận quan trọng trong hệ thống chiến đấu Aegis tối tân là một phần trong chương trình phòng thủ tên lửa đạn đạo chung giữa 2 nước.
Bên cạnh đó, Hải quân Nhật Bản còn có 2 tàu khu trục mang tên lửa điều khiển lớp Atago. Đây là một thiết kế cải tiến từ tàu khu trục lớp Kongo, 2 tàu khu trục này cũng được trang bị radar AN/SPY-1D và hệ thống chiến đấu Aegis. Tàu có tải trọng đầy tải lên đến 10.000 tấn, có nó vai trò như một tuần dương hạm, tuy vậy, các tàu này không tham gia vào chương trình phòng thủ tên lửa đạn đạo giữa hai nước.
Trong biên chế, Hải quân Nhật Bản còn có 2 tàu khu trục mang tên lửa điều khiển lớp Hatakaze. Các tàu này không được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis nhưng không vì thế mà chất lượng của nó bị đánh giá thấp.
Đặc biệt, Hải quân Nhật Bản sở hữu 2 tàu sân bay trực thăng "hàng khủng" lớp Huyga và tàu lớp Izumo. Tàu Huyga có khả năng mang theo 11 trực thăng, lượng giãn nước của tàu lên đến 19.000 tấn. Huyga có vai trò như một tàu đổ bộ trực thăng, nhưng do chiến lược quốc phòng của Nhật Bản chỉ để phòng vệ nên chức năng đổ bộ không được tích hợp trong thiết kế này.
Ngoài ra, Hải quân Nhật Bản còn có khoảng 30 tàu khu trục các loại. Gần đây, Nhật Bản đã hạ thủy 3 tàu khu trục lớp Akizuki và đưa vào sử dụng 1 chiếc trong số đó. Đây là những tàu khu trục được đánh giá đẳng cấp nhất châu Á hiện nay (ngoại trừ những tàu khu trục Aegis của Mỹ có mặt trong khu vực).
Hải quân Nhật Bản có lực lượng và năng lực chống ngầm rất hùng hậu đến từ 161 máy bay cánh cố định, 129 trực thăng hạm đội máy bay đồ sộ này đều phục vụ cho mục đích tuần tra hàng hải và chiến tranh chống tàu ngầm, mìn. Nổi bật là phi đội 80 chiếc máy bay tuần tra hàng hải P-3 Orion, 103 chiếc trực thăng SH-60, UH-60 khoảng 19 chiếc.
Về tàu ngầm, Hải quân Nhật Bản có 21 tàu ngầm điện diesel gồm 3 lớp Soryu, Oyashio và Harushio. Đây đều là những tàu ngầm điện-diesel hiện đại hàng đầu thế giới hiện nay.
Trong đó, tàu ngầm lớp Harushio được trang bị động cơ đẩy không khí độc lập AIP cộng với những cải tiến về công nghệ sonar, cải thiện độ ồn khi hoạt động, có thể nói không cường điệu rằng, lớp tàu ngầm này gần như không có đối thủ tại châu Á.
Hải quân Nhật Bản có kinh nghiệm tác chiến rất phong phú thông qua các cuộc tập trận lớn hàng năm cùng Hải quân Mỹ cũng như các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu. Vì vậy rất khó có thể nói trước Nga hay Nhật Bản giành lợi thế nếu tranh chấp tại quần đảo Kuril biến thành xung đột.
Ngọc Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét