Trang

14 tháng 9, 2018

Đề nghị dừng thử nghiệm SGK-CNGD của Gs Hồ Ngọc Đại!

(CH XHCN....)
Kính gửi: Ông Phùng Xuân Nhạ- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo!
Đồng kính gửi: Văn phòng Chính phủ! Văn phòng Quốc hội !
V/v: Đề nghị dừng thử nghiệm đại trà Sách Giáo khoa TIẾNG VIỆT - CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC của Gs Hồ Ngọc Đại!
Tôi là: Phạm Văn Hải ( CMND, Hộ khẩu, ĐT.)
Nghề nghiệp: Biên kịch/Đạo diễn/Sản xuất phim.
Thưa các vị lãnh đạo!
Tôi đề nghị ông Bộ trưởng, Chính phủ và Quốc hội cho dừng chương trình thử nghiệm Sách Giáo khoa TIẾNG VIỆT - CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC của Gs Hồ Ngọc Đại!
Lý do cụ thể như sau:
1- Tôi nghiên cứu và được biết, Sách Giáo khoa TIẾNG VIỆT - CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC (SGK- CNGD) của Gs Hổ Ngọc Đại tương tự PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC của D. B. ELKONIN và PHƯƠNG PHÁP DẠY TIẾNG NGA thời Liên Xô những năm 70 thế kỷ 20, không phù hợp để dạy tiếng Việt. PHƯƠNG PHÁP ELKONIN nhằm ĐIỀU TRỊ CÁC TRẺ EM GẶP KHÓ KHĂN TRONG ĐỌC VÀ VIẾT. 
SGK- CNGD chỉ phù hợp dạy loại ngôn ngữ có chữ đa âm tiết và tượng hình, không phù hợp để dạy tiếng Việt.
2- Thử nghiệm SGK chỉ được phép trong phạm vi nhỏ vài ngàn học sinh, việc triển khai đại trà dạy thử nghiệm 800.000 học sinh theo SGK-CNGD của Gs Đại là hành vi lách Luật, vi phạm Luật Giáo Dục.
3- Theo GS Nguyễn Văn Lợi - chuyên gia ngữ âm tiếng Việt hàng đầu Việt Nam, nguyên Viện phó Ngôn ngữ học: 
- "việc dạy học sinh đánh vần các âm tiết chân không về nghĩa như tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục thực hiện, là trái với thực tế hình thành kỹ năng nghe nói của trẻ em".
Hội đồng quốc gia thẩm định sách Tiếng Việt- Công nghệ giáo dục, nhận xét:
- "Quan điểm chân không về nghĩa không đúng với bản chất của ngôn ngữ và không phù hợp với thực tiễn dạy học ngôn ngữ, trái với nguyên tắc dạy học tiếng theo quan điểm giao tiếp". 
Như vậy, SGK- CNGD của Gs Đại sai phương pháp.
4- SGK- CNGD thay đổi cách phát âm: Chữ C/K/Q đều đọc là /cờ/, nguyên âm đôi là IÊ (đọc là /ia/) và có cách viết (ia, ya, iê, yê), nguyên âm đôi UÔ đọc là /ua/ có hai cách viết là ua và uô; 
là trái với cách dạy truyền thống, sẽ làm học sinh viết sai chính tả.
5- SGK- CNGD có nhiều bài học mà trong câu chuyện lại ẩn hiện ý nghĩa "mớm" cho trẻ những thói xấu như tọc mạch, xu nịnh, nói dối, châm biếm người khác… Nhiều từ ngữ mang tính tiêu cực chứ không có ý nghĩa giáo dục, ví dụ như: "Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen. Sách dùng quá nhiều từ địa phương như bể (biển), gà qué, quả chấp, bé huơ, khươ mũ..., sách có nhiều từ láy khó như thia lia, thìa lìa, chon chót, sứt sát, quằm quặp, khuýp khuỳm khuỵp… Câu thành ngữ, tục ngữ khó hiểu như "trăm thứ bà giằn", "bạt ngàn san dã", "đổ vỡ tóe loe"… (theo báo Zing)
Bài "Quả bứa" (trang 87) có nội dung thiếu trung thực, tranh giành, khôn lỏi, không công bằng...
6- Giáo sư Hồ Ngọc Đại có thái độ và phát ngôn trước công luận thiếu tính giáo dục, thể hiện triết lý giáo dục chưa chuẩn mực:
- "Phụ huynh không nên can thiệp vào việc học của con". "Người lớn không nên lấy mình là khuôn mẫu cho trẻ con. Bố mẹ không nên lấy mình làm chuẩn cho trẻ con".
Với trẻ lớp 1 thì bố mẹ là người quan tâm, dạy trẻ học chỉ sau thầy/cô giáo.
- "Các bạn dự có một tiết, tôi chịu trách nhiệm cả đời học sinh". 
Sai quan điểm, không phải ông Đại mà cả gia đình, nhà trường và xã hội phải chịu trách nhiệm nuôi dạy trẻ thơ.
- "Chỉ có giáo viên mới dạy được học sinh, ngoài ra cha mẹ cũng không dạy được".
Đây là hành vi độc quyền giáo dục, độc quyền sách giáo khoa.
7- Phương pháp dạy tiếng Việt truyền thống dù chưa hoàn thiện nhưng đang khá ổn, chưa thể thay đổi trừ khi có phương pháp mới ưu việt hơn. Người Mỹ dạy tiếng Anh cho trẻ lớp 1 cũng gần giống phương pháp của người Việt dạy tiếng Việt vậy.
8- Hiện nay, SGK- CNGD của Gs Đại đang gây bão dư luận, cộng đồng phản đối mạnh, nhiều người dân bất bình, nhiều phụ huynh lo lắng vì không kiểm tra được việc học của con mình.
Tiếng Việt là quốc ngữ, là linh hồn của dân tộc Việt, để thay đổi tiếng Việt, thay đổi phương pháp dạy tiếng Việt phải có sự đồng thuận của đa số nhân dân, cần phải được Quốc hội thông qua hoặc TRƯNG CẦU DÂN Ý.
Kết luận: Dù SGK- CNGD có ưu điểm thế nào, nhưng còn nhiều lỗi nội dung và phương pháp như thế, thì không thể đưa ra dạy học sinh. 
Rất mong ông Bộ trưởng, Chính phủ và Quốc hội quan tâm, nghiên cứu để có quyết định sáng suốt vì tương lai con em chúng ta.
Trân trọng!
Công dân Phạm Văn Hải
(Đã ký)
Nơi gửi: thongtinchinhphu@chinhphu.vn, hotro@qh.gov.vn, bogddt@moet.gov.vn 
(Nếu các bạn quan tâm đến các vấn đề xã hội, có ý kiến với nhà nước thì hãy viết thư gửi theo các đ/c Mail: hotro@qh.gov.vn, bogddt@moet.gov.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét