Trang

5 tháng 6, 2018

Đề nghị Quốc hội dừng thông qua "Luật đặc khu"

Trong hình ảnh có thể có: Phạm Văn Hải

Kính gửi: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân!
Đồng kính gửi: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc!
V/v: Đề nghị Quốc hội dừng thông qua LUẬT ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH - KINH TẾ ĐẶC BIỆT VÂN ĐỒN, BẮC VÂN PHONG, PHÚ QUỐC!
Tôi là Phạm Văn Hải, là công dân Việt Nam.
Nghề nghiệp: Biên kịch/Đạo diễn/Sản xuất phim.
Hộ khẩu thường trú: 919 c/c 21 tầng DII-I Trung tâm Chí Linh, F.10 Tp. Vũng Tàu.
ĐT: 01666 73 3456, Mail: phamvanhaivt@gmail.com 
Tôi đã nghiên cứu LUẬT ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH - KINH TẾ ĐẶC BIỆT VÂN ĐỒN, BẮC VÂN PHONG, PHÚ QUỐC, nhận thấy luật này có nhiều điều không phù hợp như sau:
1- Quốc hội "lấn sân" Chính phủ
Trong dự luật này, Quốc hội đã lấn sân, bỏ qua nhiều quyền hạn và trách nhiệm của Chính phủ, cụ thể những việc mà Quốc hội đang làm dưới đây, nhiều lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Chính phủ:
1.1. Chương II. QUY HOẠCH ĐẶC KHU- Đây là công việc của Chính phủ.
1.2. Chương III. CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC BIỆT VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TẠI ĐẶC KHU- Một nửa là công việc của Chính phủ phải làm.
1.3. Chương IV. TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG VÀ CƠ QUAN KHÁC CỦA NHÀ NƯỚC Ở ĐẶC KHU- Cũng khoảng một nửa là công việc của Chính phủ.
1.4. PHỤ LỤC- Đây là công việc của Chính phủ và Bộ Kế hoạch- Đầu tư.
Chính phủ nên ra chính sách thành lập đặc khu, trình Quốc hội xét duyệt, khi Quốc hội thông qua mới giao Chính phủ triển khai. Quốc hội nên bổ xung một số điều luật áp dụng cho đặc khu, không cần ra một bộ luật cho một đặc khu cụ thể.
2. Cùng nhiều bất cập khác
2.1- Đánh giá chung: Rất nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư nhưng thiếu biện pháp chế tài, ràng buộc trách nhiệm chưa rõ ràng, thiếu chặt chẽ.
2.2- Thời hạn cho thuê sử dụng đất tại đặc khu tới 70 đến 99 năm (Mục 2, điều 32) là vi phạm Luật đất đai, thời hạn quá dài, làm mất cơ hội để Việt Nam sử dụng đất phát triển kinh tế- quốc phòng. 
2.3- "Kinh doanh quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang, vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng" (Phụ lục IV.4).
Điều này nguy hiểm đến an ninh quốc gia khi người nước ngoài vận chuyển vào Việt Nam rồi kinh doanh vũ khí như xe tăng, đại bác, máy bay, tên lửa, đạn, mìn... 
3. Các vị tham khảo bài viết của luật sư Trần Đình Thu
QUỐC HỘI SAI CĂN BẢN VỀ QUY TRÌNH PHÁP LÝ, VÌ VẤN ĐỀ 3 ĐẶC KHU KHÔNG THỂ LÀM THÀNH LUẬT.
Vấn đề 3 đặc khu hiện nay thực ra không phải là đối tượng của pháp luật mà là đối tượng của chính sách. Vì nói đến luật là nói đến những quy tắc xử sự chung cho mọi người, mọi cơ quan tổ chức, chỉ phân biệt lĩnh vực, đối tượng chứ không thể phân biệt vùng miền. Chỉ có chính sách mới có thể phân biệt vùng miền.
Thí dụ chúng ta có chính sách ưu tiên cho một số vùng cụ thể bị thiên tai nhiều trong những năm vừa qua. Hoặc chúng ta có chính sách miễn giảm thuế cho một địa phương nào đó vì mất mùa quá nặng nề… Với 3 vùng mà chính phủ muốn làm đặc khu, thì cũng như vậy. Dù là quan trọng nhưng nó lại mang tính chất vùng miền, nó không phải là vấn đề chung cho mọi vùng miền nên nó vẫn là đối tượng của chính sách mà thôi.
Đối với những vấn đề thuộc về chính sách như vậy, nếu nhỏ thì chính phủ ra quyết định, lớn thì Ủy ban thường vụ quốc hội ra nghị quyết. Chứ không bao giờ có chuyện ra một luật cho các vấn đề liên quan đến một địa phương hay vài địa phương cụ thể. Trong trưòng hợp này, chỉ có thể ban hành Luật đặc khu chứ không thể ban hành Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được.
Vậy thì với 3 vùng, quy trình phải được làm như thế nào?
Nếu là luật, quốc hội có thể đặt hàng cho Ban soạn thảo rồi sau đó đưa ra thảo luận ở các phiên họp toàn thể, nhưng là một chính sách thì không thể theo quy trình đó. Một chính sách lớn như 3 vùng đặc khu cần phải được thảo luận và biểu quyết về chủ trương ở quốc hội trước đã. Sau khi biểu quyết thông qua chủ trương, mới đến thủ tục giao cho Ủy ban thường vụ quốc hội xây dựng nghị quyết và trình ra quốc hội một lần nữa. Như chúng ta từng làm với dự án đường sắt cao tốc năm xưa vậy.
Vì lý do như vậy, nên việc thảo luận Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc hiện nay là sai quy trình pháp lý. Do đó quốc hội cần cho dừng ngay việc thảo luận và làm lại đúng quy trình như tôi phân tích ở trên. (Luật sư Trần Đình Thu)
4. Các vị hãy nghe chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói về đặc khu theo link:
https://www.youtube.com/watch?v=GikEQHBRYn8 
5. Kết luận: 
5.1. Dự Luật chưa hoàn chỉnh. 
5.2. Điều kiện, hoàn cảnh đất nước hiện nay không phù hợp để mở các đặc khu theo dự luật (nói thật, đa số dân rất bất bình). 
Vì vậy, Quốc hội nên dừng thông qua luật này. 
Tôi xin cảm ơn!
Công dân Phạm Văn Hải 
Đã gửi đến: hotro@qh.gov.vn, thongtinchinhphu@chinhphu.vn, thuvienquochoi@gmail.com. 
Phạm Văn Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét