“Bàn đi bàn lại, tôi rất buồn. Sáng nay báo cáo với Chủ Tịch nước, mất bao nhiêu tiền của, thậm chí mất cả đoàn kết, không nhìn mặt nhau chỉ vì có khu vực hay không có khu vực..."
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Không đất nước nào địa giới hành chính lại chia cắt như Việt Nam
(Ảnh: Nguyễn Dũng)
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường chia sẻ tâm trạng khi đề cập đến Luật tổ chức chính quyền địa phương chiều 7/11.
Theo ghi nhận của phóng viên, khi thảo luận về Luật tổ chức chính quyền địa phương, nhiều ý kiến đều đồng tình với việc tiếp tục duy trì mô hình HĐND các cấp như hiện nay, song Bộ trưởng Hà Hùng Cường lại có cách nhìn khác với một thông điệp: Không đất nước nào địa giới hành chính lại chia cắt như Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, sinh ra chính quyền địa phương để có thể tự lo những việc trung ương phân cấp. Hiến pháp hiện đã mở, mỗi địa bàn có thể tự chủ, tự chịu tách nhiệm trong một số lĩnh vực, có sự ganh đua, cạnh tranh, tạo ra động lực, nét mới đột phá trong phát triển...
“Cần phải tổ chức HĐND 3 cấp tỉnh, huyện, xã, có Chủ tịch, Phó chủ tịch và số lượng đại biểu. Bên cạnh đó cần phải có tiêu chí, căn cứ để đưa ra số lượng đại biểu. Tôi đề nghị số đại biểu sẽ dựa trên cơ sở số dân, vì có xã rộng, ít dân thì đại biểu đông không cần thiết. Còn chức năng, nhiệm vụ thì tùy từng địa bàn cụ thể để có quy định khác nhau, do HĐND tỉnh, thành đó quy định” – Đại biểu Nguyễn Đức Chung.
“Tôi đến nhiều nước cộng hoà, đến phòng của ông thị trưởng, nhìn thấy đồng tiền lưu niệm trên tường. Hỏi ra mới biết đó là tiền của thành phố. Tiền trung ương vẫn tiêu bình thường, nhưng nếu mua bằng tiền đó thì được giảm 10% ở thành phố. Người ta được tự quản đến như thế. Các địa phương được tự quản, có sự khác biệt, có sắc thái riêng” – Bộ trưởng Cường nêu ví dụ để nhấn mạnh đến vai trò tự quản của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng Cường, ở Việt Nam ngay như cán bộ hộ tịch lại là người của xã, ông chủ tịch nói gì phải nghe nấy. Trong khi ở các nước cán bộ hộ tịch là của quốc gia, nên cán bộ hộ tịch phải bổ nhiệm từ trên xuống, ăn lương quốc gia, chịu trách nhiệm trước quốc gia.
“Việc này tôi đã báo cáo mãi mà Ủy ban pháp luật không chịu nên thôi. Cái gì thuộc trung ương thì trung ương phải lo, còn vấn đề gì của địa phương thì địa phương phải lo. Lúc đấy sự tồn tại của cơ quan dân cử vô cùng quan trọng. Anh giám sát việc tự chủ, chính quyền điều hành có đúng quyền tự chủ, đúng nguyện vọng của dân hay không? Lúc đó chúng ta mới xem cần phải làm như thế nào”.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng không giấu nổi “xót xa” khi địa giới hành chính bị chia cắt: “Dân số của chúng ta 90 triệu dân, nhưng lãnh thổ của chúng ta quá hẹp, lại chia ra tận 63 tỉnh, thành phố, rồi hiện nhiều tỉnh còn muốn tách ra. 500 pháo đài, giờ tới hơn 700 pháo đài, thêm gần một nửa cấp huyện như vậy. Ngày xưa chỉ có 9.000 cấp xã, nay đã lên tận 12.000.
“Chính quyền đô thị có cần không? Quan hệ trung ương với chính quyền này như thế nào, nếu không cẩn thận sẽ thành lãnh địa riêng. Tôi đề nghị cần quy định rõ Chính quyền trung ương và đô thị, nếu không sau này sẽ gây ra rất nhiều phiền phức. Chính quyền địa phương mạnh, đô thị mạnh thì đất nước sẽ mạnh lên thôi” – Đại biểu Bùi Thị An.
Chúng ta cứ chia ra, những năm vừa qua các tỉnh có phát triển, nhưng chỉ phát triển bề rộng, chủ yếu nhờ sự hỗ trợ từ trung ương, tự lực rất yếu. Chiều sâu thì hệ lụy rất lớn. Không có đất nước nào mà địa giới hành chính lại chia cắt như Việt Nam. Trung Quốc rộng lớn như vậy với 1,3 tỷ dân mà chỉ có 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Còn ta tới 63 tỉnh, thành rồi còn đòi chia thêm, đi ngược lại với xu thế phát triển” – Bộ trưởng Cường nêu.
Bộ trưởng Tư pháp cho rằng, phải có triết lý thôi thúc đổi mới thì lúc đó chúng ta mới mạnh dạn được. Ông Hà Hùng Cường bày tỏ: “Bàn đi bàn lại, tôi rất buồn. Sáng nay báo cáo với Chủ Tịch nước, mất bao nhiêu tiền của, thậm chí mất cả đoàn kết, không nhìn mặt nhau vì có khu vực hay không có khu vực. Giờ đùng một cái không còn khu vực gì nữa, giống như hội đồng giờ đùng cái bảo không thí điểm gì nữa, thất bại…”.
Theo Bộ trưởng Cường nếu cứ nói chung chung thì không ổn. Ông dẫn dụ như thời điểm Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội: “Có người nói với tôi nếu hỏi dân thì dân đồng tình, còn hỏi cán bộ thì không, vì họ mất chỗ”. Ông Cường đề nghị phải biết nhìn vào cái chung, phải đảm bảo bộ máy hành chính thông suốt, chứ không có chuyện hành chính bị cắt rời.
Nguyễn Dũng