Trang

2 tháng 10, 2014

Tình hình Ukraine: Ăn miếng trả miếng

(Tin tức 24h) - Nga bị tố vẫn duy trì hàng trăm binh sĩ trong lãnh thổ Ukraine, EU giữ nguyên lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

Ăn miếng trả miếng
Ngày 30/9, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết hàng trăm binh sĩ Nga vẫn ở bên trong lãnh thổ Ukraine cho dù Mátxcơva đã rút "đáng kể" lực lượng sau khi Kiev và lực lượng ly khai ủng hộ Nga nhất trí về một thỏa thuận ngừng bắn hồi đầu tháng 9.
Phát ngôn viên NATO Jay Janzen khẳng định rằng sau đợt rút quân đó, hàng trăm lính Nga, kể cả các lực lượng đặc nhiệm, vẫn ở bên trong lãnh thổ Ukraine. Ông Janzen nói thêm rằng trong tuần qua Nga không rút thêm binh sĩ nào và vẫn triển khai khoảng 20.000 quân gần biên giới Ukraine.
Một binh sĩ Ukraine tuần tra trên con đường gần thành phố Donetsk
Một binh sĩ Ukraine tuần tra trên con đường gần thành phố Donetsk
Trước đó, Bộ Quốc phòng Ukraine cáo buộc rằng, tính tới ngày 18/9, trên địa bàn vùng Donbass, có khoảng 5.000 binh sĩ và hơn 15.000 lính đánh thuê từ Nga.
Trong một động thái khiến phương Tây chú ý, Tổng thống Nga Putin đã ký sắc lệnh tổng động viên quân đội với mục tiêu huy động khoảng 154.000 nam công dân nhập ngũ.
“Các nam công dân Nga nằm trong độ tuổi từ 18- 27 sẽ là những đối tượng trong đợt tổng động viên kéo dài từ ngày 1/10 – 31/12/2014 với mục tiêu cuối cùng là huy động khoảng 154.100 người nhập ngũ”, trích một phần sắc lệnh.
Đáp lại, Liên minh châu Âu ngày 30/9 đã quyết định giữ nguyên gói trừng phạt cứng rắn đối với Nga vì lý do kế hoạch hòa bình ở Ukraine chưa được thực hiện đầy đủ.
Trước đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết, các biện pháp trừng phạt Nga có thể được điều chỉnh, ngừng, thậm chí bãi bỏ hoàn toàn, phụ thuộc vào tình hình an ninh tại các tỉnh miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu cho rằng, tại thời điểm này vẫn chưa thể nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
Lệnh trừng phạt do Ủy ban châu Âu đề xuất và thông qua hôm 5/9 vừa qua nhằm siết chặt thêm gói các biện pháp đã được Liên minh châu Âu thông qua cuối tháng 7 nhằm vào các lĩnh vực dầu mỏ, quốc phòng và các công nghệ nhạy cảm của Nga.
Trong một động thái được cho là trả đũa, các nghị sĩ Thượng viện Nga ngày 30/9 đã ngừng mọi liên lạc liên Quốc hội với các nước ủng hộ trừng phạt Nga. Trong tháng 10, quốc hội Nga có 19 chuyến thăm nước ngoài theo lịch. Nga đồng thời cũng cảnh báo, Liên minh châu Âu có khả năng mất hàng trăm tỷ USD và hàng ngàn việc làm do các biện pháp trừng phạt qua lại với Nga.
Cuộc chiến pháp lý leo thang
Căng thẳng giữa Nga-Ukraine tiếp tục leo thang khi hai nước tuyên bố đang mở các cuộc điều tra hình sự nhằm vào các quan chức của nhau.
Ngày 29/9, Nga đã mở một vụ án hình sự về cái mà nước này gọi là hành vi diệt chủng của chính quyền Kiev đối với cộng đồng người nói tiếng Nga tại miền Đông Ukraine.
Ủy ban Điều tra Liên bang Nga, cơ quan thực thi pháp luật trực thuộc quyền của Tổng thống cho biết, những cư dân nói tiếng Nga là mục tiêu của quân đội Ukraine khi lực lượng này sử dụng các vũ khí hạng nặng, khiến hơn 2.500 người tại Lugansk và Donetsk thiệt mạng.
Ngay sau đó, các công tố viên Ukraine tuyên bố mở cuộc điều tra hình sự đối với các quan chức Ủy ban điều tra Liên bang Nga với cáo buộc Nga gây căng thẳng khi vi phạm các điều khoản trong lệnh ngừng bắn.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 30/9, Thủ tướng Ukraine Yatseniuk tuyên bố: “Nga đã ký tất cả 12 điều khoản trong lệnh ngừng bắn tại Minsk trong đó có điều khoản là không được nổ súng. Tuy nhiên, trên thực tế, Nga đã cho thấy có một khoảng cách khá xa từ lời nói đến hành động. Theo tôi, Nga thiếu thiện chí để giải quyết xung đột”.
An Nhiên (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét