Cộng đồng người Hong Kong tại nhiều nơi trên thế giới đang lên kế hoạch biểu tình trong một vài ngày tới. Tổng thống Ukraine khẳng định quyết tâm hướng tới châu Âu bất chấp sự phản đối của Nga.
Hong Kong
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), nhiều người Hong Kong trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Australia, đang có kể hoạch biểu tình để ủng hộ phong trào Chiếm Trung Tâm đang diễn ra ở Hong Kong.
Các nhà tổ chức của phong trào “Ủng hộ Hong Kong từ Canberra” đã kêu gọi tất cả những người Hong Kong ở đây tham gia biểu tình để thế hiện tình đoàn kết với cuộc biểu tình ở Hong Kong. Ở Sydney và Perth cũng đang nhen nhúm các cuộc biểu tình tương tự. Australia là một nơi có rất đông người Hong Kong sinh sống.
Bên cạnh đó, những người Hong Kong trên khắp thế giới cũng đang thực hiện các bản kiến nghị phản đối cách thức cảnh sát đối phó với người biểu tình.
*Sau một đêm biểu tình rầm rộ khắp các đường phố và thậm chỉ ngủ qua đêm trên các đại lô, sức nóng của các cuộc biểu tình tại Hong Kong vẫn không hề giảm trong sáng nay (29/9).
Người biểu tình dùng ô để chặn hơi cay của cảnh sát.
Theo SCMP, trong sáng nay, những người biểu tình đã tiến hành phong tỏa nhiều tuyến đường giao thông và từ chối lời yêu cầu của cảnh sát dẹp đường để cho các nhân viên tới trụ sở làm việc.
Những chiếc ô vốn được dùng để che đạn hơi cay của cảnh sát, nay được những người biểu tình gần kiệt sức, dùng để che nắng.
Cảnh sát Hong Kong vẫn dùng hơi cay nhưng người biểu tình quyết không chịu rút lui.
Ngoài lực lượng biểu tình xuất hiện trên đường, nhiều tình nguyện viên còn sẵn sàng mang thức ăn, nước uống và cả khẩu trang chu cấp cho người biểu tình tại Causeway Bay.
*Trên tài khoản Twitter đã xuất hiện dòng logo của người biểu tình“Cuộc cách mạng ô” nhằm ám chỉ việc họ phải dùng những chiếc ô làm công cụ ngăn hành động xịt hơi cay giải tán đám đông của cảnh sát.
Làn sóng biểu tình đã khiến tình trạng giao thông trở nên hỗn loạn. Hàng ngàn người phong tỏa các cung đường tại Admiralty, Mong Kok, Wan Chai và Causeway Bay đã làm giao thông ngừng trệ trong sáng nay. Theo đó, hơn 200 tuyến xe buýt hoặc buộc phải hủy chyến hoặc đổi hướng di chuyển để tránh các điểm nóng có người biểu tình.
Ukraine
RIA Novosti đưa tin, hôm 28/9, trong cuộc trò chuyện trên kênh truyền hình 1+1 của Ukraine, Tổng thống Petro Poroshenko khẳng định chỉ xem xét ủy quyền cho các hội đồng địa phương và thành lập vùng tự trị đặc biệt ở miền Đông, chứ không có chuyện cho khu vực này liên bang hóa.
Ông Poroshenko cũng lưu ý rằng, khu vực tự trị đặc biệt ở Donbass sẽ được thiết lập và sẽ chỉ tồn tại trong 3 năm.
*Cũng trong cuộc phỏng vấn này, Tổng thống Ukraine khẳng định Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine sẽ có hiệu lực từ ngày 1/11 tới.
Tổng thống Petro Poroshenko.
Ông nói: “Không có bất cứ trì hoãn nào. Chúng tôi có quyền bảo vệ thị trường của mình”.
Ông gọi thỏa thuận trên là một chiến thắng bước ngoặt của Ukraine trong mục tiêu tiến tới hợp tác sâu hơn nữa với EU.
Tuyên bố trên được đưa ra bất chấp cảnh báo từ phía Nga. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo bất cứ động thái nào của Ukraine nhằm hướng tới các thỏa thuận thương mại với EU sẽ bị Nga đáp trả ngay lập tức.
*Tin từ tờ Nước Nga Ngày nay (RT) cho hay, hôm 28/9, lực lượng tự vệ Donbass phát hiện thấy một hố chôn tập thể khác ở gần ngôi làng Nyzhnia Krynka, cùng khu vực tìm thấy 3 hố chôn tập thể trước đó.
Một nhóm các chuyên gia quốc tế, bao gồm các chuyên gia đến từ Pháp và Nga đang chuẩn bị tới đây để điều tra vụ việc bị nghi là một tội ác chiến tranh này.
Vài tuần trước, trước khi thỏa thuận được thông qua, khu vực trên thuộc sự kiểm soát của lực lượng quân đội và tiểu đoàn Aidar của Vệ binh Quốc gia Ukraine.
ISIS
AP đưa tin, hôm 28/9, Tổng thống Obama đã phải thừa nhận rằng các quan chức tình báo Mỹ đã “đánh giá thấp” các mối đe dọa của Nhà nước Hồi giáo (ISIS). Ông cho rằng ISIS đã trở thành “thế lực đen tối” sau khi bị “đè bẹp” ở Iraq và tập hợp lại trong bối cảnh cuộc nội chiến Syria.
Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận đã đánh giá thấp ISIS.
Obama cũng thừa nhận rằng Mỹ đang đối phó với một vấn đề hóc búa ở Syria. Đấy là cuộc chiến của Mỹ chống lại ISIS ở Syria đang giúp đỡ cho chính quyền của Tổng thống Bashar Assad, người mà Liên Hiệp Quốc đã cáo buộc tội ác chiến tranh.
*Thủ tướng Anh David Cameron bác bỏ ý tưởng đưa bộ binh của quân đội các nước phương Tây vào Iraq.
Trước đó, cựu Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Anh, David Richard cho rằng phương Tây không thể chiến thắng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (ISIS) chỉ bằng các cuộc không kích mà phải sử dụng bộ binh.
Ông Cameron nhất trí rằng cần sử dụng bộ binh nhưng không phải của phương Tây mà của chính Iraq, của người Kurd tại Iraq. Theo ông, các nước nơi ISIS tồn tại cần đóng vai trò lớn trong chiến dịch quốc tế nhằm tiêu diệt lực lượng này.
Nhật Bản
*AP dẫn lời các nhà chức trách Nhật Bản cho hay, đã tìm thấy thêm 5 thi thể nạn nhân bị thiệt mạng do vụ núi lửa Ontake phun trào hồi cuối tuần qua, nâng tổng số người thiệt mạng lên 36 người.
Chiến dịch tìm kiếm đã phải tạm dừng do lượng hơi độc tăng cao.
Khi ngọn núi Ontake có đỉnh cao tới 3.067 mét, nằm giữa tỉnh Nagano và Gifu, phun trào, có hàng trăm người đang leo núi. Họ đã buộc phải tìm nơi trú ẩn trong các nhà nghỉ gần đỉnh núi. Khoảng 230 người đã tìm được đường xuống núi, trong khi đó, khoảng 40 người khác đã bị đang mắc kẹt trên núi.
PHẠM KHÁNH (Tổng hợp)