Trang

28 tháng 12, 2013

70 tuổi khắc khổ mưu sinh với gánh hàng rong

Hình ảnh cụ già 70 tuổi còng lưng với đôi quang gánh trên vai đi khắp các nẻo đường để chào mời khách vãng lai mua chút quà vặt đã thực sự ám ảnh tôi về nỗi bất hạnh, khổ đau của một kiếp người.

Có lẽ những gánh hàng rong đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong mắt người dân TP HCM. Bạn chỉ cần dạo một vòng quanh những tuyến đường sẽ thấy không khó để bắt gặp những gánh hàng rong với đủ loại sản phẩm từ đồ chơi trẻ em, thức uống đến những món ăn vặt.
Đã bao giờ bạn thử ngồi xuống một gánh hàng rong, nhấm nháp bịch bánh tránh trộn và nghe những nỗi niềm của người bán hàng khắc khổ đó chưa? Chắc chắn bạn sẽ có được một trải nghiệm rất thú vị và nhận ra rằng bạn may mắn biết chừng nào.
Tôi đã có những trải nghiệm thực tế khi ngồi ăn ở vỉa hè, nhìn dòng người qua lại và được nghe câu chuyện của bà Năm, một bà cụ đã hơn 70 tuổi bán hàng ở gần chợ Bến Thành.
Gắn bó với chiếc đòn gánh hơn 24 năm trời nên hình ảnh bà Năm vốn rất đỗi quen thuộc đối với những người dân sinh sống nơi đây. Tôi được biết, bà Năm quê ở Quy Nhơn, mảnh đất nghèo luôn phải chống chọi với nhiều thiên tai và bão lũ.
Chồng bà qua đời vì bạo bệnh từ khi bà còn rất trẻ, để lại hai người con gái nhỏ phải nhọc nhằn với những mảnh ruộng khô cằn để mưu sinh. Chính cái nghèo đã khiến bà phải bỏ quê hương, con cháu vào TP HCM nhằm tìm kiếm một tia hy vọng thay đổi cuộc sống cơ cực của gia đình bà.
Ở chốn phồn hoa đô hội, bà cùng những mảnh đời cơ cực khác cùng đùm bọc lẫn nhau trong một căn nhà trọ chật hẹp. Với bà, việc có một chỗ ngả lưng khi đêm xuống đã là một điều may mắn lắm rồi. Bà nói người chủ ở đây rất tốt bụng, chỉ lấy của bà 15.000 đồng/ngày tiền trọ, ngoài ra không tính thêm một khoản chi phí nào khác.
Hằng ngày bà Năm phải dậy từ lúc 4h sáng để đi chợ mua hàng về bán. Những món ăn vặt của bà bán rất rẻ, một món hàng bán được chỉ lời từ 500 đồng đến 1.000 đồng. Một bịch bánh bông lan 10 cái, bà mua với giá 18.000 đồng mà chỉ bán 2.000 đồng/cái.
Tôi thắc mắc hỏi bà bán rẻ vậy thì sao mà có lời được, bà chỉ cười móm mém trả lời bà sợ bán mắc không ai mua. Ngày nào cũng vậy, bất kể mưa nắng, bà cùng gánh hàng của mình rong ruổi trên khắp các tuyến đường đến tận 11h đêm mới về nhà.
Cực khổ là thế mà mỗi ngày bà chỉ kiếm được từ 50.000 đến 70.000 đồng, chưa kể những lúc không bán được vì bị dân phòng bắt. Bà thường chỉ ăn bánh mì không với muối tiêu vào buổi sáng, còn buổi tối thì nhịn để tiết kiệm để có đủ số một triệu đồng tiền xe về quê và có chút quà cho con cháu.
Thật sự tôi bị ám ảnh bởi tiếng thở dài của bà, không biết với vài đồng tiền lời một ngày ấy thì số tiền triệu quá lớn kia bà có kiếm đủ trong khi ngày Tết đã đến gần?
Tôi thực sự ngưỡng mộ bà vì tuy tuổi cao sức yếu nhưng bà vẫn dùng chính sức lao động của mình để kiếm sống. Gánh hàng rong của bà tuy đơn sơ nhưng nó là hình ảnh rất đẹp. Còn hơn những món ăn vặt, thứ bà gánh trên vai là sự yêu thương, trách nhiệm và cả lòng tự trọng.
Bà Năm đã dạy tôi một bài học về giá trị của đồng tiền xương máu tự mình làm ra, về lòng tự trọng dù nghèo khổ vẫn phải kiếm cho mình một cái nghề chứ không ngửa tay xin như những anh chàng bà hay gặp ở trạm xe bus.
Tôi mong bà sẽ có một cái tết sum vầy bên gia đình và có một tia sáng nào đó giúp cuộc đời bà thoát khỏi cảnh nghèo đeo bám.
Cao Chu Thái.   VnExpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét