Nhiều người Ukraine hy vọng đất nước này có thể độc lập hơn khỏi Nga nhưng theo Thời báo New York (NYT), trên thực tế, Kiev dường như đã đang đầu hàng và phụ thuộc vào Nga hơn bao giờ hết.
Hồi tuần trước, phát biểu trước quốc hội Canada, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói Ukraine đã 'chào từ biệt Liên Xô'. Nói về thỏa thuận mới ký với Liên minh Châu Âu (EU), ông nhận định Ukraine hiện nay đã bước hẳn về phía châu Âu, và thoát xa khỏi vùng ảnh hưởng của Nga.
Ông gọi việc ký thỏa thuận mới với EU về liên kết chính trị và tự do mậu dịch là 'lời chào từ biệt cuối cùng' với Liên Xô.
Tuy vậy, đối với rất nhiều người cả ở trong và ngoài Ukraine đều cảm thấy rằng Ukraine đang bị Nga “kìm kẹp” hơn bao giờ hết kể từ khi tách ra khỏi Liên Xô để trở thành một nước độc lập vào năm 1991. “Đầu hàng” là từ mà các nhà phân tích thường dùng để chỉ về phản ứng của Ukraine với Nga.
Ông Putin đã có tất cả mọi thứ ông muốn bằng cách tấn công công khai ở Crimea và bí mật tại miền Đông Ukraine?
Họ cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir V. Putin đã có tất cả mọi thứ ông muốn bằng cách tấn công công khai ở Crimea và bí mật tại miền Đông Ukraine.
Điều khoản ngừng bắn mơ hồ ở miền Đông chỉ có thể đóng băng được xung đột. Hơn thế nữa, nó có thể biến khu vực này thành một khẩu súng điện Taser địa lý để Moscow có thể sử dụng để hạ gục Ukraine bất cứ khi nào cần thiết, khiến nước này khó ổn định hơn và ít có chủ quyền hơn.
Thỏa thuận liên kết EU-Ukraine quan trọng (với tên gọi chính thức là AA/DCFTA), được mô tả là một chất xúc tác cho các cải cách rộng lớn đối với Kiev, đã bị trì hoãn đến năm 2016 do sự phản đối của Nga dù trước đó đã được quốc hội Kiev thông qua.
Người đứng đầu Đảng Svoboda theo chủ nghĩa dân tộc, ông Oleh Tyahnybok, đã viết trên blog hôm 21/9 rằng: "Không thể có hòa bình khi vẫn cố đáp ứng các yêu cầu của kẻ xâm lược. Dù ông Putin có đe dọa chúng ta thế nào đi nữa, chúng ta cũng không được nhượng bộ”.
Tuy vậy, theo NYT, hôm 21/9, phát biểu trên truyền hình sau khi từ Mỹ trở về, ông Poroshenko nói: “Chúng ta không thể chiến thắng cuộc chiến ở Donbass (miền Đông) bằng các biện pháp quân sự. Nga không cho phép chúng ta làm như vậy. Càng triển khai nhiều lính Kiev thì số binh lính Nga xuất hiện sẽ càng nhiều hơn”.
Lệnh ngừng bắn ở miền Đông Ukraine chỉ là trên danh nghĩa?
Tin từ NYT cho hay, hiện tại, Nga vẫn kiểm soát 350 km, tương đương khoảng 217 dặm, đường biên giới và hành động rất thoải mái mà không bị trừng phạt gì. Nga còn liên tục đưa xe tải được tuyên bố là chở hàng viện trợ nhân đạo sang Ukraine mà không có bất kì sự kiểm soát nào.
Theo thỏa thuận ngừng bắn, Ukraine đã thông qua một đạo luật tạm thời về tự trị cho các khu vực đòi ly khai, giao quyền tự chủ đáng kể trong ba năm, bao gồm cả bầu cử hội đồng địa phương vào ngày 7/12 tới. Do đó khu vực này có thể tự thiết lập lực lượng cảnh sát và tòa án. Ngoài ra, tiếng Nga vẫn là một ngôn ngữ chính thức và các khu vực này cũng có quyền thắt chặt các mối quan hệ với Nga.
Dù vậy, ông Poroshenko đã nhiều lần phủ nhận rằng miền Đông đã được trao quyền độc lập quá mức. Hôm 21/9, ông thậm chí còn nói rằng "tên gọi của luật và ý nghĩa của nó rất khác nhau".
Các nhà lãnh đạo đối lập, các nhà ngoại giao phương Tây và nhiều nhà phân tích khác đều lo ngại rằng các điều khoản trong thỏa thuận ngừng bắn tạm thời và luật trên quá mơ hồ. Ví dụ, nó không nói rõ cuộc bầu cử sắp tới sẽ diễn ra như thế nào. Nhiều vấn đề quan trọng khác cũng không được chỉ rõ như ai sẽ là người điều hành các chức năng của chính phủ như các dịch vụ chăm sóc y tế và giáo dục.
Điều rõ ràng nhất đó là Ukraine, với nền kinh tế đang đứng trên bờ vực sụp đổ, sẽ phải tiêu tốn tới 8 tỷ USD cho kế hoạch tái thiết miền Đông này.
Slava Konstantinovsky, chủ sở hữu một trong những nhà hàng đắt khách nhất tại Kiev đã vừa đóng góp vừa gia nhập hàng ngũ tình nguyện viên.
NYT dẫn lời ông cho hay: "Trong thực tế, chúng tôi không có quân đội, bởi vì trong nhiều năm qua, chỉ huy quân đội ở tất cả các cấp đã bòn rút và tham nhũng. Lệnh ngừng bắn nhục nhã này là kết quả của việc Ukraine không có quân đội”.
Gần đây có nhiều thông tin cho rằng quân đội Ukraine đã bán các thiết bị quân sự hạng nặng cho các tiểu đoàn tình nguyện viên.
Theo NYT, mối lo ngại về Nga  không chỉ giới hạn ở Ukraine, nó còn đang tồn tại ở các nước thuộc Liên Xô cũ như các nước Baltic và Ba Lan.
Gần đây, ông Aleksander Kwasniewski, một cựu Tổng thống Ba Lan, nhấn mạnh, Nga vẫn đang sử dụng bài quốc ca của Liên Xô trong nhiều thập kỉ qua, chỉ thay lời chứ không thay nhạc.
Ông Kwasniewski cảnh báo: "Nga chỉ thay đổi từ ngữ, lời bài hát, từ vựng, chứ sẽ không bao giờ thay đổi giai điệu".
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The New York Times, nhật báo được xuất bản tại thành phố New York do Arthur O. Sulzberger Jr. làm chủ biên, được phân phối ở khắp Mỹ và nhiều nơi trên thế giới.
PHẠM KHÁNH (Lược dịch