Trang

26 tháng 9, 2014

Ông cử, bà cử lao đao tìm việc

TNO. Xã hội hóa giáo dục không có nghĩa là đào tạo tràn lan, cào bằng tất cả. Để rồi đào tạo cứ mặc đào tạo, thất nghiệp cứ mặc thất nghiệp.


Nhiều cử nhân đến tìm việc ở hội chợ việc làm, nhưng đa số nhà tuyển dụng chỉ cần lao động
có tay nghề - Ảnh: Ngọc Thắng
Chiều, mở facebook, thấy cô bạn ấn nút like vào bài viết “Về quê và thấy” của chú Văn Công Hùng, hiện công tác tại báo Gia Lai. Về quê thấy gì?
Thấy cảnh những cử nhân vật vã với tấm bằng đại học, đang vất vưởng vì thất nghiệp, mình lại nhớ tới thông tin tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam hiện nay là 1,84% do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới đưa ra với lời bình rằng: “Việt Nam vẫn nằm trong nhóm những nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới”. Không biết nên khóc hay cười.
Mình tốt nghiệp đại học sư phạm chuyên ngành toán năm 2010. Ngày cầm tấm bằng cử nhân trên tay, lòng mình rộn rã vui vì hình dung ngày được bước chân vào một ngôi trường cấp 3, ngày được cầm tháng lương đầu tiên về phụ mẹ…Bốn năm đã qua, mình làm được những gì? Đó là cảnh cứ đầu mỗi năm học mới, mình trông chờ sự phân công của Sở giáo dục; là cảnh mình mòn mỏi đợi việc, còn mẹ mình đi ra đi vào thở ngắn than dài thương xót cho con gái. Mình học có tệ không? Không tệ, vì trong số những bạn bè cùng khóa ngày ấy, điểm trung bình môn của mình cao nhất. Thế mà suốt 4 năm nay, mình lao đao tìm việc.
Rồi mình cũng lập gia đình, con mình bây giờ đã gần 1 tuổi. Những tháng ngày “nằm ổ” là những tháng ngày thấm thía nỗi khổ thất nghiệp nhiều hơn cả. Hằng ngày, hàng tháng, mình cầm đồng lương ít ỏi của chồng để xoay trở mọi việc trong nhà, phần lo cho mình phần lo cho con, ngỡ ngàng như lá rách tứ bề, đắp chỗ này thì hụt chỗ kia.
Rồi lại nghe chuyện thi công chức, cả tỉnh chỉ có 7 chỉ tiêu toán, nhưng mà có tuyển là có một niềm hy vọng. Lại học, lại ôn, công văn ra từ hồi tháng 1, nghe đâu tháng 3 thi, nhưng rồi tháng 7 mới thi, tới giờ đã cuối tháng 9 mà vẫn không có thông tin chính thức nào.
Mới đây, mình đọc một bài báo viết về tình hình nhân sự ở tỉnh mình, mới biết sở giáo dục hiện đang lưu trữ 900 bộ hồ sơ, nghĩa là ngay trong tỉnh mình đã có 900 con người đang ở nhà chờ việc giống như mình.
Bữa nọ con mình ốm, chồng mình nằm trên võng ru con, nói với mình: “Ít bữa có tiền thì mua cho con ít quần áo, đồ của con ngắn hết rồi”. Rồi chồng hát ru con: “Khi tôi sinh ra đã mang tiếng con nhà nghèo...”. Đêm đó mình không ngủ được, vì mình thương con thiếu thốn đủ thứ, thương chồng mình nặng gánh gia đình, trách mình là kẻ vô dụng quanh năm suốt tháng không làm ra được đồng nào.
Có lúc túng quá, mình nghĩ tới chuyện chạy vào Sài Gòn tìm việc. Nhưng đi rồi bỏ con cho ai, bỏ nhà ai lo. Mà đâu chỉ riêng mình, bạn mình học thạc sĩ rồi mà hết đường cũng phải xin vào xưởng hột đào làm. Không quen việc, ngày chỉ kiếm được 15 - 20 nghìn. Còn nếu không làm hột đào thì đi may, chạy bàn quán cà phê…
Xã hội hóa giáo dục không có nghĩa là đào tạo tràn lan, cào bằng tất cả. Để rồi đào tạo cứ mặc đào tạo, thất nghiệp cứ mặc thất nghiệp. Đừng nói gì là ở nông thôn mà ngay cả thành thị, đừng nói là làm đúng hay không đúng ngành nghề, đừng nói là những con người có năng lực trung bình mà ngay cả những người khá giỏi, họ đang phải hằng ngày hằng giờ đau đầu tìm việc.
Giá mà những người cầm cân nảy mực kia cũng giống như ông vua Càn Long trong phim, có một cuộc vi hành để thị sát thực tế thì mình nghĩ tình hình xã hội nước ta đã thay đổi. Cho nên đừng nhìn vào cái tỉ lệ thất nghiệp 1,84% mà vội mừng, có chăng đó cũng chỉ là con số đưa ra để che mắt thế gian.
Nguyễn Thị Phương Trang (*)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét