Infonet.
“Viết thế nào thì viết, nhưng phải đảm bảo luật sư có mặt ngay từ đầu vụ án. Bức cung, nhục hình gây chết người có khắc phục được sau khi sửa đổi luật không?” -Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu ý kiến.
Chủ tịch Quốc hội để nghị phải có tranh tụng khi xét xử vụ án |
Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân sửa đổi ngày 23/9.
Liên quan đến thẩm quyền điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), một số ý kiến đề nghị mở rộng hơn thẩm quyền điều tra, trong đó có ý kiến đề nghị giao thêm thẩm quyền điều tra tất cả các tội phạm về tham nhũng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị tiếp tục giữ thẩm quyền điều tra của cơ quan này như quy định hiện hành: “Cơ quan điều tra của VKSNDTC có thẩm quyền điều tra một số loại tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc cơ quan tư pháp”.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Nguyễn Văn Hiện, Thường trực UBTP cho rằng, để bảo đảm chống tội phạm trong hoạt động tư pháp có hiệu quả, bảo vệ quyền con người, quyền công dân thì nên sửa theo hướng: “Cơ quan điều tra của VKSNDTC, VKS quân sự trung ương điều tra một số loại tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án hoặc người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp”.
Đối với đề nghị giao thêm cho Cơ quan điều tra VKSNDTC điều tra tất cả các tội phạm về tham nhũng, hoặc điều tra các vụ án khi Viện trưởng VKSNDTC thấy cần thiết, Thường trực UBTP đề nghị không tiếp thu vì không khả thi, không bảo đảm chặt chẽ khi áp dụng dẫn đến chồng chéo thẩm quyền điều tra.
Đề cập đến Luật sửa đổi lần này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: Bức cung, nhục hình gây chết người có khắc phục được sau khi sửa đổi luật không?
Phản ánh tình trạng “đánh chết xong bảo người ta tự tử”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu luật sửa đổi "viết thế nào thì viết, nhưng đảm bảo phải có luật sư có mặt ngay từ đầu vụ án".
“Luật sửa đổi chưa thấy làm rõ việc này. Phải đảm bảo tranh tụng, có quyền tự bào chữa, có luật sư, đảm bảo như vậy mới mở phiên tòa. Nguyên tắc xét xử là phải có tranh tụng để tòa có căn cứ buộc tội. Nếu buộc tội sai thì anh phải chịu trách nhiệm” – Chủ tịch Quốc hội lưu ý và đề nghị quy định kiểm sát cũng phải tham gia từ đầu vụ án cùng với bên điều tra.
Liên quan đến việc bổ nhiệm kiểm sát viên cao cấp, theo Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước, Luật công chức quy định có thời hạn nên cần phải cân nhắc kỹ điều này khi sửa đổi. Ông Ksor Phước dẫn dụ như bên quân đội, công an, việc bổ nhiệm cấp tướng không có thời gian thì không nên. Quy định phải làm sao để bắt buộc mọi người phấn đấu liên tục không ngừng nghỉ, tránh tư tưởng sống lâu lão làng, rồi tự thỏa mãn cá nhân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét