Nam Nguyên/ RFA
Việt Nam sẽ phải cải cách rất nhiều thì đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Hoa Kỳ mới có thể kết thúc. Ngoài những đổi chác có thể có về vấn đề tiếp cận thị trường cho Việt Nam và Hoa Kỳ, Việt Nam sẽ phải cải tổ luật pháp liên quan đến vấn đề tự do nghiệp đoàn và quyền của người lao động.
Phù hợp toàn cầu
Trả lời chúng tôi vào tối 25/9/2014, ông Lê Văn Triết nguyên Bộ trưởng Thương mại (1991-1997), người từng xây dựng những viên gạch đầu tiên trong quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam, từ Hà Nội nhận định, Việt Nam chưa có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh. Trong khi đàm phán thì ở Việt Nam cũng có luật này luật nọ sửa đổi. Ông Lê Văn Triết nhấn mạnh:
“Nếu không có đàm phán thì cũng phải sửa đổi để càng ngày càng phù hợp với dòng chảy chung của xã hội loài người. Cho nên bây giờ tiếp tục đàm phán để đi vào toàn cầu hóa cùng với các nước thì việc sửa luật là nhất thiết phải làm, không có đàm phán thì Việt Nam cũng có dự kiến một số luật phải sửa. Cho nên có cái thì sửa trước, thấy trước mà bức xúc quá thì sửa trước, còn có cái mình gia nhập vào rồi thấy nó vênh nhau về luật pháp thì dần dần sẽ xem xét để sửa thôi. Còn chuyện ở nước ngoài đòi điều kiện này điều kiện nọ để mà có thể chấp nhận hay không chấp nhận việc tham gia TPP, chuyện đó cũng lại là quá trình cần phải trao đổi, xu hướng chung từ nhiều năm nay và xu hướng bây giờ trở đi tôi nghĩ Việt Nam cần phải tiếp tục sửa đổi nền luật pháp, Hiến pháp vừa rồi đã sửa đổi, rồi sửa đổi đến các luật. Hiện nay Quốc hội vẫn đang tiếp tục làm việc đó. Tôi thấy nó phù hợp với tình thế chung của toàn cầu hóa.”
Trang tin điện tử của Liên Đoàn Lao Động Việt, một tổ chức nhân quyền có trụ sở ở hải ngoại ngày 21/9 đưa tin Việt Nam phải có luật tôn trọng công đoàn độc lập thì Quốc hội Mỹ mới cứu xét TPP. Trang tin này trích nội dung bản tường trình của Dân Biểu Sander Levin, thành viên cao cấp của Ủy ban Ways & Means của Hạ Nghị Viện Hoa Kỳ. Đây là một Ủy ban lưỡng đảng có quyền lực rất lớn, có thể gọi là Ủy ban chuẩn chi Hạ Viện hoặc rộng nghĩa hơn là Ủy ban định chế Hạ Viện.
Theo Tổ chức Lao Động Việt, bản tường trình Levin ngày 18/9/2014 có đoạn :
“Để được chấp nhận thì TPP sẽ phải có các điều khoản về quyền lao động, các điều khoản này phải thật sự thực thi, và nếu không thực thi thì phải có quyền dùng các cơ chế trừng phạt. Các quốc gia đang thảo luận chi tiết về việc thực thi. Đối với một số quốc gia thì việc thực thi không dễ dàng, đặc biệt là ở Việt Nam, nơi mà lâu nay nhà nước cộng sản dành cho mình quyền đại diện cho người lao động, và người lao động không được quyền có tiếng nói ở nơi làm việc. Việt Nam sẽ phải sửa luật, và Việt Nam sẽ phải lập ra một cơ chế đặc biệt để theo dõi và trừng phạt những vi phạm các điều khoản lao động, sau đó Quốc Hội mới cứu xét TPP.”
Chúng tôi có tham khảo tài liệu liên quan của Ủy ban chuẩn chi Hạ Viện Comittee on Ways and Means và đã phối kiểm thông tin vừa nêu trích từ trang tin điện tử của Liên Đoàn Lao Động Việt.
Còn nhiều khó khăn
Để có tự do nghiệp đoàn thì phải thực thi quyền lập hội, quyền công dân này được ghi trong tất cả các bản Hiến pháp của Nhà nước Cộng sản Việt Nam kể cả Hiến pháp 2013. Tuy vậy Quốc hội chưa soạn thảo Luật về quyền lập hội cũng như nhiều quyền cơ bản khác của công dân.
Trong dịp trả lời chúng tôi, Phó Giáo sự Ngô Trí Long ở Hà Nội nhận định:
“TPP thì một trong các điều kiện hết sức quan trọng là quyền tự do lập nghiệp đoàn. Trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam thì chủ yếu công đoàn là chịu sự lãnh đạo của Nhà nước hay nói cách khác là Đảng, hay lập hiệp hội gì đấy thì tùy theo qui chế. Nếu Việt Nam thực sự muốn tham gia TPP thì phải thực thi đúng theo cam kết. Nếu không thực thi thì chắc chắn không thể hội nhập được.”
Cùng thời gian phúc trình Levin được phổ biến tại Hoa Kỳ, Báo Điện tử Chính phủ Việt Nam có cuộc phỏng vấn ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập TPP, người vừa tháp tùng Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thăm và làm việc ở Hoa Kỳ từ ngày 15-19/9/2014. Tuy vậy ông Khánh không đề cập gì tới những điều kiện quan trọng liên quan đến vấn đề quyền lập hội của người lao động cũng như các vấn đề liên quan đến nhân quyền.
Theo Báo Điện tử Chính phủ, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết là những nội dung đàm phán còn lại của TPP giữa Việt Nam và Hoa Kỳ rất khó khăn. Ông Khánh hàm ý cho thấy đàm phán đang bị tắc lại về vấn đề mở cửa thị trường hai bên. Nguyên văn lời ông Trần Quốc Khánh: “Chỉ khi nào Việt Nam đạt được những lợi ích cốt lõi của mình, nhất là trong xuất khẩu dệt may, giày dép; cũng như Hoa Kỳ yên tâm ở mức độ mở cửa dịch vụ thị trường, hàng hóa hay mua sắm chính phủ mà Việt Nam dành cho họ thì những khó khăn mới có thể xử lý được.”
Việt Nam kỳ vọng lớn vào TPP với hy vọng tăng kim ngạch xuất khẩu dệt may vào Mỹ gấp ba lần, theo đó năm 2012 hàng dệt may Việt Nam vào thị trường Mỹ trị giá 7,6 tỷ USD nhưng nếu có TPP sớm thì đến năm 2020 dự kiến đạt 22 tỷ USD, được biết thị trường Hoa Kỳ tiêu thụ tới 43% sản lượng dệt may xuất khẩu của Việt Nam. TPP trong giai đoạn đàm phán hiện nay bao gồm 12 quốc gia, nếu Hiệp định được ký kết thì đây là một thị trường tự do trải rộng từ Úc qua một phần Châu á tới Nam và Bắc Mỹ. TPP sẽ chi phối 40% GDP và 30% trao đổi thương mại toàn cầu.
Trong đàm phán TPP riêng về lĩnh vực dệt may Việt Nam bị trở ngại trước tiên về vấn đề tự do nghiệp đoàn, vấn đề quyền của người lao động. Về mặt kỹ thuật, Hoa Kỳ đưa ra nguyên tắc “tính từ sợi” yarn forward trong điều kiện về xuất xứ nguyên liệu. Theo đó hàng dệt may Việt Nam nếu muốn hưởng thuế suất bằng 0% thay vì mức trung bình 17% hiện nay thì hàng may mặc Việt Nam phải sử dụng sợi dệt nội khối TPP. Một điều kiện về kỹ thuật mà Việt Nam khó đáp ứng, hiện nay Việt Nam phụ thuộc ít nhất 70% nguyên liệu dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc và nước này không tham gia TPP.
Việt Nam đang trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư nước ngoài có các dự án về sợi, dệt và nhuộm nhưng phải mất nhiều năm những dự án này mới đi vào sản xuất. Các nhà đàm phán Việt Nam đang tìm cách hoãn binh trong vấn đề nguyên tắc tính từ sợi. Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM nhận định:
“Hai bên thảo luận về cái gọi là danh mục thiếu hụt, thí dụ về những loại sợi vì một lý do nào đó Việt Nam chưa có, có thể có trong các nước TPP hoặc không có, thì hai bên sẽ đưa ra danh mục thiếu hụt thường xuyên hoặc danh mục thiếu hụt tạm thời. Tôi nghĩ đây là một giải pháp để cho các doanh nghiệp Việt Nam có thêm thời gian chuẩn bị và trong thời gian áp dụng danh mục thiếu hụt chúng ta vẫn được hưởng mức thuế suất bằng 0.”
Trên báo Điện tử Chính phủ, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập TPP cho biết những lĩnh vực hai bên chưa thống nhất còn rất nhiều. Ngoài vấn đề mở cửa thị trường, mua sắm chính phủ, cải thiện đầu tư nước ngoài, vấn đề doanh nghiệp nhà nước, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thực thi toàn diện chống buôn bán động vật hoang dã và thực hiện Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Ông Khánh đề cập tới một mối lo ngại, Hoa Kỳ đưa ra cơ chế trừng phạt thương mại, rút lại ưu đãi, thí dụ không cho hưởng ưu đãi về dệt may một khi Việt Nam có vi phạm nguyên tắc thực thi toàn diện. Quan điểm của Việt Nam là phải có sự quan tâm đến khả năng thực thi của các nước đang phát triển và phải xử lý khúc mắc trên tinh thần hợp tác. Những gì ông Khánh nói cho thấy đàm phán Việt Nam Hoa Kỳ về TPP còn khoảng cách rất lớn và ông không loại trừ khả năng chỉ có thể giải quyết ở lúc cuối của tiến trình đàm phán khi có quyết định ở cấp cao nhất.
Hiện nay Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama chưa được Quốc hội trao thẩm quyền đàm phán nhanh TPA. Nếu có TPA chính phủ Hoa Kỳ có thể thỏa thuận với các nước để kết thúc đàm phán sớm và đưa kết quả đàm phán trình Quốc hội, với TPA Quốc hội chỉ có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết chứ Quốc hội không có quyền sửa đổi các nội dung đã đàm phán.
Trong nội bộ Hoa Kỳ, khả năng Quốc hội thông qua dự luật thẩm quyền đàm phán nhanh TPA là không nhiều. Nếu không được trao thẩm quyền đàm phán nhanh TPA trong nửa đầu năm 2015 cơ hội sẽ không còn vì 6 tháng cuối của năm 2015, cuộc chạy đua tranh cử tổng thống sẽ không còn ai đoái hoài đến việc này nữa. Con đường tới TPP vẫn xa vời vợi mặc dù các quan chức Việt Nam vẫn cao giọng tiến trình đàm phán TPP đang rất lạc quan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét