TT - Một mảnh đất thế chấp ngân hàng bị bán đấu giá trước thời hạn. Người thế chấp chiếm lại đất, kiện ngân hàng, người mua đất cũng kiện ngân hàng.
TAND huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) xử sai, bị hủy án. Vụ việc dây dưa kéo dài hơn 10 năm chưa giải quyết được.
Ông Trương Văn Minh cho hay đang gom tiền để trưng cầu giám định chữ viết và chữ ký trên giấy ủy quyền, vì cho rằng mình không làm giấy này giao ngân hàng - Ảnh: Khoa Nam |
Năm 2001, anh Thái Tấn Đạt (30 tuổi, ngụ ấp Trảng Tranh, xã Hòa An, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang) mua hai thửa đất nông nghiệp tổng diện tích 26.180m2 do Ngân hàng NN&PTNT Giồng Riềng phát mãi và được UBND huyện Giồng Riềng cấp sổ đỏ do anh đứng tên.
Gia đình anh sản xuất được hai năm (ba vụ lúa) thì chủ đất cũ là vợ chồng ông Trương Văn Minh, ngụ cùng ấp, quay lại bao chiếm.
Tòa huyện ngâm án, xử sai
Theo luật sư Thái Hoàng Long (tỉnh Kiên Giang), nguyên tắc giao dịch dân sự là bên bán phải đảm bảo bên mua không chỉ nhận được tài sản, mà tài sản này phải hợp pháp và không có tranh chấp phát sinh về sau liên quan trực tiếp tới bên bán.
Trong trường hợp anh Thái Tấn Đạt, tài sản bên ngân hàng bán cho anh phát sinh tranh chấp. Do đó, chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Giồng Riềng cũng sẽ phải có trách nhiệm và là bên có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Về thời hiệu giải quyết đơn kiện dân sự, “trong vụ việc này luật pháp không xác định thời hiệu bởi lẽ chủ thể tranh chấp khiếu kiện liên tục, không gián đoạn. Việc xử lý chậm trễ, kéo dài là trách nhiệm của cơ quan chức năng, không liên quan tới chủ thể” - luật sư Thái Hoàng Long phân tích.
|
Cuối năm 2004, anh Đạt khởi kiện Ngân hàng NN&PTNT Giồng Riềng vì đất mua đấu giá phát sinh tranh chấp và được TAND huyện Giồng Riềng thông báo thụ lý.
Đến tháng 8-2005, khi vụ kiện ngân hàng chưa được xét xử, anh Đạt lại có đơn khởi kiện gửi đến TAND huyện Giồng Riềng đòi lại đất bị vợ chồng ông Minh lấn chiếm.
Tháng 10-2005, vợ chồng ông Minh có đơn khởi kiện Ngân hàng NN&PTNT Giồng Riềng vì đã đem ra đấu giá đất ông thế chấp trong khi vợ chồng ông đang đi làm ăn xa và hợp đồng vay vốn chưa hết thời hạn.
Tháng 4-2006, TAND huyện Giồng Riềng ra thông báo thụ lý đơn kiện của vợ chồng ông Minh.
Ngày 23-12-2008, TAND huyện Giồng Riềng ra thông báo yêu cầu vợ chồng ông Minh... làm lại đơn khởi kiện.
Ngày 8-4-2009, tòa mới thông báo cho phía ông Minh nộp án phí dân sự sơ thẩm nhưng không nêu số tiền là bao nhiêu.
Đơn kiện bị “ngâm” đến tận tháng 9-2010, TAND huyện Giồng Riềng mới đưa vụ án ra xét xử và tuyên buộc ông Minh phải giao trả đất cho anh Đạt, đồng thời bồi thường thiệt hại vụ mùa số tiền 142.883.000 đồng.
Không đồng tình với bản án này, vợ chồng ông Minh kháng cáo lên TAND tỉnh Kiên Giang.
Sau một lần hoãn xử, tại phiên ngày 27-4-2011, hội đồng xét xử phúc thẩm TAND tỉnh Kiên Giang cho rằng TAND huyện Giồng Riềng đã có sai sót khi tiếp nhận và thụ lý đơn kiện của anh Đạt từ năm 2004, rồi tiếp đó lại nhận và thụ lý đơn kiện của phía ông Minh nhưng để kéo dài nhiều năm mới đưa ra xét xử.
Đã vậy, hồ sơ vụ án có đến hai đơn của anh Đạt kiện Ngân hàng NN&PTNT Giồng Riềng và vợ chồng ông Minh nhưng khi xét xử án sơ thẩm chỉ xác định có một bị đơn là vợ chồng ông Minh, còn phía Ngân hàng NN&PTNT Giồng Riềng chỉ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là không đúng.
Chưa kể khi xét xử sơ thẩm, TAND huyện đã không đả động gì tới đơn kiện (phản tố) của vợ chồng ông Minh đối với Ngân hàng NN&PTNT Giồng Riềng.
Nhận định việc xét xử của cấp sơ thẩm là “không đúng pháp luật, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”, do đó tòa tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao TAND huyện Giồng Riềng xét xử lại.
Chưa biết bao giờ mới xử
Tuy nhiên, đã ba năm trôi qua vụ kiện vẫn tiếp tục rơi vào im lặng, dù đầu năm 2012 đã có văn bản của chánh án TAND tỉnh Kiên Giang yêu cầu đưa vụ án ra xét xử theo luật định.
Tiếp xúc với phóng viên, ông Trương Văn Minh cho hay: “Hợp đồng tín dụng ngân hàng giao cho tôi giữ tại điều 4 ghi rõ hạn chót trả nợ là ngày 30-8-2002, nhưng hợp đồng của ngân hàng giữ thì sửa thời hạn chót thành ngày 30-3-2001. Vậy là không đúng sự thật. Họ nói tôi làm giấy ủy quyền cho họ bán đất lúc tôi xin tạm vắng tại địa phương để đi làm ăn nơi xa, nhưng sự thật là tôi không làm giấy này”.
Ông Nguyễn Ngọc Thạnh - giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Giồng Riềng - lại khẳng định việc phát mãi tài sản hoàn toàn đúng quy định pháp luật. Do mục đích vay của ông Minh là đầu tư chi phí sản xuất và sửa chữa máy nông nghiệp nên thuộc đối tượng vay ngắn hạn 12 tháng theo quy định của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, do đó hoàn toàn không có chuyện ngân hàng sửa hợp đồng.
Về giấy ủy quyền cho phép ngân hàng bán tài sản lúc ông Minh vắng mặt, ông Thạnh giải thích không rõ giấy này ông Minh viết khi nào. Chỉ biết khi chuẩn bị bán đấu giá tài sản thì thấy ban lãnh đạo ấp Trảng Tranh đưa ra.
“Ông Minh sử dụng tiền vay không đúng mục đích, chủ yếu là chi tiêu cá nhân, chỉ đầu tư một ít cho sản xuất nên dù chưa hết hạn thanh toán chúng tôi vẫn có quyền phát mãi tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Còn việc có ủy quyền hay không cũng không thành vấn đề, vì tài sản đem thế chấp coi như là của ngân hàng rồi” - ông Thạnh nói.
Ông Thạnh còn khẳng định phía ngân hàng đã làm hết trách nhiệm. “Đất đấu giá đầy đủ thủ tục, đúng trình tự quy định. Bên mua cũng đã được cấp giấy đỏ hẳn hoi, nay muốn kiện cáo gì cứ kiện ông Minh” - ông Thạnh nói.
KHOA NAM - NGUYỄN TRIỀU
TAND huyện Giồng Riềng: vụ việc kéo dài vì gặp khó khăn
Ông Cao Văn Năng - chánh án TAND huyện Giồng Riềng - thừa nhận những sai sót của bản án dân sự sơ thẩm mà tòa phúc thẩm đã nêu, đồng thời cho hay đã cho tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các cá nhân có liên quan. Về việc để vụ việc kéo dài cả chục năm, ông Năng cho rằng do gặp nhiều khó khăn trong quá trình thu thập chứng cứ: “Cán bộ thay đổi nhiều lần, phía ngân hàng không muốn hợp tác, đương sự mời không được... nên vụ việc kéo dài”.
Trả lời câu hỏi khi nào sẽ hoàn thành việc xác minh và đưa vụ kiện ra xét xử lại từ đầu, ông Năng cho biết chưa thể xác định thời điểm cụ thể được vì đang chờ ông Minh gom đủ 3,5 triệu đồng đi giám định lại chữ ký ở Phân viện Khoa học hình sự phía Nam của Bộ Công an. Ông Năng còn nói việc xét xử trở lại phải căn cứ vào thời hiệu, nếu hết thời hiệu sẽ bác đơn, kể cả đơn kiện đòi đất lẫn đơn kháng cáo.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét