Trang

10 tháng 5, 2014

Việt Nam chỉ có một con đường


Có thể sơ tán một gia đình. Một khu vực. Một vùng đất. Nhưng không thể sơ tán một đất nước. Chỉ có một con đường: Kiên định, tỉnh táo,vận dụng hết trí tuệ và ý chí để gìn giữ không gian sống ông cha để lại, gìn giữ cuộc sống yên lành.
LTS: Trong những ngày này, mọi trái tim Việt Nam đều hướng ra biển Đông, nơi mối nguy cơ của dân tộc đang đe hoạ. Khi đất mẹ lâm nguy, mọi trái tim đau đớn, và mọi cái đầu cần phải suy nghĩ nên làm gì để bảo vệ tổ quốc thiêng liêng. Hơn bao giờ hết, trong lúc Tổ quốc nguy nan, tình yêu nước lại thức tỉnh trong lòng mỗi người Việt.
Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu chia sẻ của nhà báo Trần Đăng Tuấn, nguyên phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam.
Suy nghĩ trong những ngày tháng 5 đỏ lửa.
Với sự việc giàn khoan 981 của Trung Quốc tại Biển Đông, liệu còn ai có thể mơ hồ về những nguy cơ mà đất nước này sẽ phải đương đầu trong giai đoạn lịch sử khắc nghiệt này? Chúng ta có chính nghĩa, và những người tôn trọng lẽ phải sẽ thông cảm, ủng hộ . Biết tranh thủ từng ủng hộ lớn nhỏ, nhưng không thể trông cậy nhiều hơn thực tế vào đó.
biển Đông, giàn khoan, Trường Sa, Hoàng Sa, Việt Nam, Trung Quốc, nội lực, tự cường
Ảnh Kiên Trung
Trong thế giới còn đang giằng xé bởi cuộc cạnh tranh quyền lợi và ảnh hưởng, chúng ta trước hết phải tự lo cho mình thì mới hy vọng đứng vững. Chỉ mười năm trước thôi, chúng ta có bối cảnh quốc tế thuận lợi như thế nào. Bây giờ bối cảnh phức tạp ra sao. Và chúng ta chưa thể biết hết những chuyển biến tốt xấu trong giai đoạn tới. Tác giả của quyển sách “Thế giới phẳng” đang ở Việt Nam. Và khi câu chuyện liên quan đến Biển Đông, ông cũng không tìm ra cách diễn đạt tốt hơn, là lấy hình ảnh quen thuộc ở Việt Nam: Bó đũa.
Nếu chuyện các nước yêu hoà bình, công lý chưa thể thành bó đũa ngay để bảo vệ mình và bảo vệ nhau, thì trước hết những người cùng một dân tộc muốn đất nước tồn tại, vượt quathử thách phải làm được điều đó. Để giữ được hoà bình, giữ được quyền sống và phát triển, chỉ có một con đường : Tăng cường nội lực. Nội lực có mạnh mới tránh được xung đột – điều mà người Việt Nam không bao giờ muốn gặp lại trên đường đi của mình.
Từ nay, chúng ta không thể sống và nghĩ giống như trước được. Chúng ta không thể chỉ nghĩ rằng sa vào “bẫy thu nhập trung bình” là nguy cơ lớn nhất. Không nỗ lực thì cái đáng lo nhất ghê gớm hơn : Nền độc lập, cuộc sống hoà bình cho con cháu chúng ta. Những yếu kém của chúng ta không chỉ làm nới xa khoảng cách, thua chị kém em. Những yếu kém ấy nếu kéo dài sẽ đe doạ sự tồn vong của đất nước.
Phải nghĩ khác về tất cả những gì có thể làm nội lực đất nước mạnh lên: Không phải lời nói, mà những biện pháp rõ ràng và cụ thể để mọi người Việt Nam, làm khoa học, công nghệ, làm kinh doanh, sản xuất, hay học tập… đều phát huy được hết năng lực của mình, không bị ngán trở bởi sự vô cảm của các cơ chế, thể chế, bởi những người bám vào thể chế, cơ chế đó mà gà gật sống.
biển Đông, giàn khoan, Trường Sa, Hoàng Sa, Việt Nam, Trung Quốc, nội lực, tự cường
Ảnh Kiên Trung
Trên thế giới có những nước nhỏ, nằm trong vòng xoáy xung đột, nhưng vẫn vững mạnh, chẳng ai bắt nạt nổi, chủ yếu là do biết tập trung sức của cả dân tộc để phát triển thành công kinh tế, công nghệ tiên tiến, quân đội tinh nhuệ, tổ chức và quản lý xã hội tối ưu.
Phải nghĩ khác về những gì đang làm nội lực bị mất máu: Ngoài tham nhũng, tham ô, thì sự luộm thuộm, lợi ích nhóm, thiếu minh bạch, thiếu dân chủ, được chăng hay chớ, trì trệ vô trách nhiệm….cũng sẽ khiến cái giá phải trả không chỉ là giàu nghèo, phát triển hay chững lại, mà là chính cuộc sống yên bình cho con cái chúng ta.
Chúng ta cần thấm hiểu rằng nếu mỗi công trình làm ăn cẩu thả, để rồi “thêm một tý, có sao đâu”, thì sẽ dẫn đến những hậu quả lớn hơn chỉ là cạn kiệt công quỹ. Chúng ta cần biết chúng ta đang ở đâu, có cái gì, cần cái gì trước. Ví dụ chi mấy ngàn tỷ cho một việc ‘nâng cao vị thế” có nên không, hay dùng tiền ấy để mua thêm tàu Cảnh sát biển, để giúp đỡ ngư dân, để truyền thông cho thế giới hiểu rõ sự thật. Nó giống như chi tiền mở tiệc vui hay mua thêm rào gai chêm thêm vào chỗ phên dậu còn chưa kín. Sức mạnh quốc phòng ở quân đội, vũ khí, quan hệ quốc tế.
Nhưng nguồn gốc sức mạnh quốc phòng bắt nguồn từ làng xóm, nơi người ta có thể yên tâm dồn tâm sức vào ruộng đất; Từ những khu công nghiệp, nơi cả chủ đầu tư, cả người làm thuê đều cảm thấy lợi ích của mình được bảo hộ; Từ những công trình khoa học được nâng đỡ để thành công, đem lại lợi ích nhanh chóng; Từ mái trường trong sạch, nơi không có bóng dáng bạo lực, các tâm hồn trong trắng không bị tổn thương và vẩn đục; Từ công sở, nơi người dân cảm thấy mình được tôn trọng và được phục vụ; Từ bệnh viện, nơi có tình thương và trách nhiệm với đồng loại; Từ những địa danh du lịch, nơi khách nước ngoài không bị “chặt chém’, mà được tôn trọng và chăm sóc; Từ một cuộc sống, mà mỗi người dân đều cảm thấy được làm chủ, được an toàn, không vướng oan sai, ít bị tai ương, tai nạn rình rập, và mỗi người dân muốn góp phần mình cho cuộc sống ấy tử tế, tốt đẹp thêm lên.
Có thể sơ tán một gia đình. Một khu vực. Một vùng đất. Nhưng không thể sơ tán một đất nước. Chỉ có một con đường : Kiên định, tỉnh táo,vận dụng hết trí tuệ và ý chí để gìn giữ không gian sống ông cha để lại, gìn giữ cuộc sống yên lành.
Trần Đăng Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét