Việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 đến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là bước đi nguy hiểm, tạo cạm bẫy với các nước có cùng tranh chấp, ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nhận định.
Giàn khoan HD-981 của Trung Quốc trên biển Đông, tháng 5/2012. Ảnh: Xinhua.
|
- Ông đánh giá thế nào trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan tới vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam?
- Đây là một bước đi vô cùng nguy hiểm, vi phạm đến lợi ích kinh tế, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mà Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (Công ước) đã quy định.
Cách đây mấy năm, Trung Quốc đã rùm beng công bố và đầu tư hàng tỷ USD để sản xuất giàn khoan này. Hạ đặt giàn khoan khổng lồ khác hoàn toàn những hành động trên giấy tờ, phát ngôn hoặc gây hấn như cắt cáp tàu thăm dò dầu khí. Đây là hành động cốt lõi để Trung Quốc thực hiện chiến lược độc chiếm biển Đông, tranh giành lợi ích sống còn của các nước trong khu vực về kinh tế, dầu khí.
Đưa giàn khoan ra Biển Đông không chỉ là một bước mới trong việc hiện thực hóa yêu sách vô lý đường lưỡi bò của Trung Quốc mà một lần nữa khẳng định lập trường chủ quyền của họ với quần đảo mà nước này gọi là Tây Sa. Khi đó, Trung Quốc sẽ tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với tư cách như một quốc gia quần đảo để tạo ra vùng chồng lấn với các vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Đây là những điều cực kỳ nguy hiểm.
Vị trí được chọn để hạ giàn khoan cho thấy Trung Quốc đã tính toán rất kỹ. Giàn khoan HD 981 được hạ cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách ranh giới ngoài của vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là 81 hải lý. Chiểu theo quy định của Công ước, rõ ràng giàn khoan của Trung Quốc nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo đúng quy định của Công ước.
Ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.
|
- Vì sao Trung Quốc lại chọn thời điểm này để công bố việc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, thưa ông?
- Có người nói hành động này của Trung Quốc là đột biến, nhưng tôi cho rằng không phải như vậy. Đó là kết quả logic của một chuỗi các hoạt động của Trung Quốc như xua tàu đánh cá tràn xuống biển Đông, tổ chức tuần tra, mở rộng hoạt động của lực lượng hải giám, công bố đấu thầu 9 lô dầu khí, tiến hành các hoạt động có tính chất dùng sức mạnh để đe dọa...
Lúc này, cả thế giới đang dồn sự chú ý vào Ukraine, những căng thẳng Nga - Mỹ. Khả năng can thiệp của Mỹ là thấp, mặc dù Tổng thống Obama vừa đi thăm một số nước châu Á và có tuyên bố mạnh mẽ. Vì thế, Trung Quốc lợi dụng thời điểm này để tránh búa rìu dư luận.
Dư luận trong nước và quốc tế thời gian qua có cảm tưởng tình hình Biển Đông êm dịu hơn, Trung Quốc không làm gì mạnh hơn và có vẻ muốn cùng các nước đàm phán.
Nhưng theo tôi, cảm giác đó là do truyền thông tạo nên. Chúng ta muốn giữ hòa khí, nhằm vận động Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán với mong muốn giải quyết êm thấm, tránh căng thẳng không cần thiết. Chúng ta có những kiềm chế trong xử lý mối quan hệ này với Trung Quốc trong khi họ lại có những toan tính chặt chẽ và hành động cụ thể.
- Từng là người làm công tác biên giới biển đảo, ông đánh giá thế nào về phản ứng của Việt Nam?
- Chúng ta đã có những phản đối, lên tiếng về mặt ngoại giao. Tuy nhiên, phản ứng như vậy đã đủ chưa và phản ứng đến mức độ nào còn là vấn đề mà dư luận chưa chia sẻ được do tính phức tạp và tế nhị trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
Theo tôi, đây là vấn đề lợi ích quốc gia, chủ quyền đất nước, lợi ích chính đáng của mình được luật pháp quốc tế thừa nhận, chúng ta phải bảo vệ, cần có những biện pháp cụ thể, thực tế và hiệu quả.
- Chẳng hạn như biện pháp gì?
- Tôi nghĩ rằng cần thiết phải có những phản ứng ngoại giao mạnh mẽ hơn nữa, bằng Công hàm chính thức gửi cho phía Trung Quốc, cũng như gửi lưu chiểu cho các tổ chức quốc tế. Không thể dừng lại ở tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao. Công hàm có những lời lẽ phân tích đầy đủ, chính xác, tránh những câu có tính nguyên tắc, chung chung, vì sẽ khó thuyết phục.
Về mặt dư luận, chúng ta cần tăng cường truyền thông chính xác, nói rõ địa điểm Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ở đâu để mọi người hiểu rõ. Nếu chúng ta không phân biệt rõ ràng khu vực này có vị trí như thế nào trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam thì sẽ mắc vào cái bẫy, thừa nhận yêu sách vô lý của họ, biến vùng không có tranh chấp thành có tranh chấp như ý đồ của họ.
- Theo ông, bước tiếp theo của Trung Quốc sẽ là gì?
- Logic của vấn đề là Trung Quốc không bao giờ từ bỏ tham vọng, muốn độc chiếm Biển Đông, kiểm soát khống chế toàn bộ khu vực này giống như là khu vực thuộc lợi ích cốt lõi. Chiến lược đó không thay đổi, thậm chí họ làm mạnh mẽ hơn nhiều.
Nếu dùng biện pháp quân sự chắc chắn sẽ vấp phải dư luận và thế giới sẽ không để điều đó xảy ra. Trung Quốc thực hiện bước đi nguy hiểm hơn là dùng biện pháp dân sự và kinh tế. Họ chọn vị trí, tính toán hình thức hoạt động khiến dư luận ít phản ứng hơn. Rõ ràng đây là những vi phạm lợi ích sống còn mà chúng ta có lợi ích kinh tế chính đáng ở đó.
Vị trí giàn khoan (chấm đen vuông) mà Trung Quốc đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam. Ảnh: PVN
|
- Ông đánh giá thế nào về khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc như Philippines đã làm?
- Chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra tòa án Trọng tài quốc tế về Luật Biển của Liên Hợp Quốc vì Trung Quốc giải thích, áp dụng sai về Công ước, thực hiện các hành động vi phạm trên thực tế.
Hiện Tòa án đang thụ lý đơn của Philippines được dư luận đồng tình, ủng hộ.
Nếu so sánh với bãi cạn Scarborough của Philippines thì Việt Nam có điểm chung là Trung Quốc giải thích và áp dụng sai Công ước để đưa ra những yêu sách, những hoạt động thực tế, tranh chấp thực tế hoàn toàn sai.
Chúng ta có quyền kiện với tư cách quốc gia thành viên của Công ước, nếu như nước khác vi phạm do giải thích và áp dụng sai Công ước.
Ngày 3/5, Cục Hải sự Trung Quốc ra thông báo cho biết giàn khoan có tên Hải Dương 981 (HD-981) sẽ tiến hành khoan và tác nghiệp tại vị trí có tọa độ 15o29’58” vĩ Bắc – 111o12’06” kinh Đông từ ngày 02/5 đến 15/8.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định vị trí tọa độ hoạt động của giàn khoan HD-981 nêu trên nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý.
HD 981 thuộc sở hữu của CNOOC, là loại giàn khoan nửa chìm nửa nổi, có chiều dài 114 m, chiều rộng 89 m và chiều cao 117 m, độ sâu hoạt động tối đa là 3.000 m và độ khoan sâu tối đa là 10.000 m.
Đây là thế hệ giàn khoan kết hợp các thiết kế, công nghệ và thiết bị rất hiện đại. Giàn khoan được trang bị 8 máy phát điện 44.000 kilowatt, động cơ đẩy với sức mạnh mỗi động cơ tương đương 5 đầu máy xe lửa. Các động cơ đẩy sẽ chống lại tác động từ gió, sóng và dòng chảy của đại dương.
HD 981 được đưa vào Biển Đông lần đầu tiên tháng 5/2012, vị trí ở phía nam Hong Kong.
|
Việt Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét