Trang

10 tháng 5, 2014

Dấu hiệu chữ ký giả, tòa vẫn tuyên tước nhà dân

BTTD: Luật pháp hay luật rừng


(Dân trí) - Tin vào người quen nên nhiều hộ dân ở TX Vĩnh Châu (Sóc Trăng) bị lừa lấy mất sổ đỏ, lại phải gánh nợ thay và đứng trước nguy cơ mất đất đai, nhà cửa. Hai phiên tòa đều đẩy họ vào thế trắng tay, giờ họ đang kêu cứu một bản án công bằng hơn.

Các hộ dân có liên quan đến vụ việc gồm: Ông Ong Bạch Phai (ngụ phường 2, TX Vĩnh Châu), ông Nguyễn Văn Việt (ngụ phường 1, TX Vĩnh Châu); ông Ngô Văn Út Ó (ngụ xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề); ông Trần Minh Thọ, ông Trần Văn Kỳ, bà Nguyễn Thị Hồng, ông Lai Văn Lâm, ông Tô Văn Đông (cùng ngụ xã Vĩnh Hiệp, TX Vĩnh Châu); ông Trà Chích, ông Đỗ Khánh Sao (cùng ngụ xã Vĩnh Phước, TX Vĩnh Châu).

Một số hộ dân trong vụ việc tiếp xúc với PV
Một số hộ dân trong vụ việc tiếp xúc với PV Dân trí.
Bỗng dưng gánh nợ…từ trời rơi xuống
Theo đơn của các hộ dân trên gửi báo Dân trí: Vào khoảng tháng 10/2007, các hộ dân cần vốn nuôi tôm nhưng thủ tục vay vốn ngân hàng khó khăn. Vì vậy, ông Trần Văn Đỉnh (ngụ xã Vĩnh Hiệp, TX Vĩnh Châu, là người thân của nhiều hộ dân) nói với các hộ dân là ông có quen với cán bộ cho vay vốn ở Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Sóc Trăng (Agribank Sóc Trăng, tọa lạc tại phường 2, TP Sóc Trăng) nên nếu người dân đồng ý thì đưa sổ đỏ cho ông để ông làm thủ tục vay vốn cho. Thấy ông Đỉnh là chỗ thân quen nên những hộ dân này đã đưa sổ đỏ cho ông Đỉnh.
Lấy được sổ đỏ của người dân, ông Đỉnh cầm đi nhưng sau đó không đưa tiền cho các hộ dân này. Chờ mãi không thấy tiền, nhiều người dân gặp hỏi thì ông Đỉnh trả lời là đang làm thủ tục. Tuy nhiên, vụ vay vốn này đang dở dang thì ông Trần Văn Đỉnh mất vì bệnh ung thư, sổ đỏ của các hộ dân cũng bặt vô âm tín.
Đơn tường trình, kêu cứu của các hộ dân gửi báo
Đơn tường trình, kêu cứu của các hộ dân gửi báo Dân trí.
Đến giữa năm 2009, nhiều người dân rất ngỡ ngàng khi nhận được thông báo thụ lý vụ án “Tranh chấp kinh doanh thương mại về Hợp đồng tín dụng” của TAND tỉnh Sóc Trăng. Và điều bất ngờ hơn là trong đó, nguyên đơn là Ngân hàng Agribank Sóc Trăng, bị đơn là ông Trương Bình (chủ DNTN Trương Bình, có địa chỉ tại xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành, Sóc Trăng), còn các hộ dân là người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan.
Cuối tháng 9/2013, TAND tỉnh Sóc Trăng mở phiên tòa sơ thẩm vụ án “Tranh chấp kinh doanh thương mại về Hợp đồng tín dụng” và buộc ông Trương Bình phải trả nợ cho ngân hàng cả gốc lẫn lãi là hơn 14,4 tỷ đồng (trong đó tiền gốc là là 5,8 tỷ đồng; tiền lãi là hơn 8,6 tỷ đồng). Ngoài ra, tòa cũng tuyên nếu ông Bình không tự nguyện trả nợ thì những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (các hộ dân trên) dùng tài sản thế chấp bảo đảm phải thực hiện nghĩa vụ trả thay, nếu không thực hiện yêu cầu xử lý tài sản thế chấp để Ngân hàng thu hồi nợ.
Ngày 11/3/2014, TAND Tối cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm vụ án này do bản án sơ thẩm bị các hộ dân kháng cáo. Phiên tòa phúc thẩm tiếp tục bác đơn kháng cáo của các hộ dân và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Theo đó, tổng số tiền cả gốc lẫn lãi của các hộ dân phải trả thay là: ông Nguyễn Văn Việt hơn 51 triệu đồng; ông Ong Bạch Phai hơn 458 triệu đồng; ông Ngô Văn Út Ó hơn 1,6 tỷ đồng; ông Trần Minh Thọ hơn 367 triệu đồng; bà Trần Thị Đáng (ông Trần Văn Kỳ đại diện) hơn 662 triệu đồng; bà Nguyễn Thị Hồng hơn 124 triệu đồng; ông Lai Văn Lâm hơn 124 triệu đồng; ông Tô Văn Đông hơn 697 triệu đồng; ông Trà Chích hơn 135 triệu đồng; ông Đỗ Khánh Sao hơn 398 triệu đồng.
Các bản án của 2 cấp tòa đẩy người dân vào thế trắng tay.
Các bản án của 2 cấp tòa đẩy người dân vào thế trắng tay.
Tiếp xúc với PV Dân trí, nhiều hộ dân cho biết, họ như chết đứng bởi số tiền nợ từ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng từ trên trời rơi xuống này cũng như phải trả nợ thay cho ông Trương Bình - người mà các hộ dân chưa từng quen biết. Các hộ dân thừa nhận, họ chỉ đưa sổ đỏ cho ông Trần Văn Đỉnh (đã chết) để vay vốn dùm chứ không hề đưa cho ông Trương Bình vì chẳng biết ông Bình là ai. Trong khi đó, bản thân ông Trương Bình cũng không biết các hộ dân này.
Tòa phớt lờ, chính quyền tắc trách ?
Khi tiếp xúc với PV, nhiều người dân cũng khẳng định, trong các hợp đồng vay vốn ngân hàng, họ không có ký tên nhưng vẫn có chữ ký của từng người. Ông Ngô Văn Út Ó bức xúc: “Tôi không ký tên vào hợp đồng vay tiền nhưng vẫn có chữ ký của tôi. Chữ ký này trong hợp đồng vay vốn được đưa đi giám định và kết quả là không do một người ký ra nhưng tòa vẫn không chấp nhận. Giờ tôi không biết tin ai nữa”.
Một trường hợp hết sức trớ trêu là trường hợp của bà Nguyễn Thị Hồng. Bà Hồng được xem là một hộ nghèo của xã Vĩnh Hiệp. Bản thân bà Hồng đi làm thuê làm mướn và chỉ có nền nhà đang ở chưa đến 50m2 nhưng bỗng dưng bà lại có sổ đỏ đến cả ngàn m2 đất. Bà Hồng không biết chữ nhưng vẫn có chữ ký trong hồ sơ vay vốn, vậy mà tòa án vẫn phớt lờ.
Bà Hồng bức xúc: “Lúc ông Đỉnh còn sống, vì chỗ thân tình nên khi ông Đỉnh nói đưa sổ hộ khẩu và giấy CMND của tôi cho ổng để ổng giúp vay vốn thì tôi đưa chứ có biết gì đâu. Rồi tự dưng sau này tòa án gửi thông báo cho biết tôi có thế chấp sổ đỏ vay trên 77,5 triệu đồng. Nhận thông báo tôi muốn xỉu bởi hồi nào giờ tôi có biết sổ đỏ, sổ xanh là gì. Tôi cũng chưa nhận được tiền mà ông Đỉnh nói vay cho tôi. Giờ lại phải gánh nợ cả trăm triệu đồng, chắc tôi chết quá”.
Các bản án của 2 cấp tòa đẩy người dân vào thế trắng tay.
Bà Nguyễn Thị Hồng không biết chữ, chỉ có nền nhà ở nhưng vẫn có chữ ký trong hồ sơ vay vốn và sổ đỏ cả ngàn m2 đất. Vậy mà tòa vẫn buộc bà trả nợ cả trăm triệu đồng.
Còn ông Trần Minh Thọ cho biết, ông có đưa sổ đỏ cho ông Đỉnh và chỉ có mình ông ký tên vào hồ sơ vay vốn nhưng khi ra tòa, ngân hàng đưa ra hồ sơ vay vốn có cả chữ ký của vợ ông. Nhiều hộ dân khác có liên quan đến vụ án cũng trình bày sự trớ trêu và nỗi bức xúc này với PV. “Chúng tôi thấy rằng trong vụ này, cả hai cấp tòa án xử quá sơ sài, dù cơ quan chức năng xác định chữ ký của nhiều người là giả nhưng tòa vẫn bỏ qua và cứ tuyên án khiến người dân chúng tôi chịu nhiều oan ức”, các hộ dân cùng nêu quan điểm không đồng tình với phán quyết của tòa án.
Nói về vụ việc trên, ông Trần Hoàng Trung - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp (TX Vĩnh Châu) cho biết: “Theo chúng tôi biết, bà con có đưa sổ đỏ cho ông Đỉnh để nhờ ông này vay vốn về nuôi tôm là có thật, nay sổ đỏ lại nằm trong tay DNTN Trương Bình là rất vô lý”.
Theo phỏng đoán của ông Trung, có khả năng, ông Đỉnh vay vốn nhưng không được phải nhờ ông Trương Bình vay rồi hưởng phần trăm; hoặc khi kêu người dân đưa sổ đỏ, ông Đỉnh thông đồng với ông Bình để ghi tên DNTN Trương Bình trên hợp đồng vay vốn, dùng sổ đỏ của người dân thế chấp ngân hàng rồi ký giả chữ ký của người dân.
Kết quả giám định chữ ký của nhiều hộ dân không do một người ký ra nhưng tòa vẫn phớt lờ.
Kết quả giám định chữ ký của nhiều hộ dân không do một người ký ra nhưng tòa vẫn phớt lờ.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, để được vay tiền, trong hợp đồng vay đều có xác nhận của chính quyền địa phương sở tại đối với các bên liên quan là bên ngân hàng, người dân và DNTN Trương Bình.
Trả lời PV Dân trí về trách nhiệm của xã trong việc xác nhận hồ sơ vay của các hộ dân trú tại xã, ông Hồ Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp thừa nhận là ông chỉ ký có một hồ sơ của ông Trần Văn Thọ. Cũng theo ông Khánh thì ông Thọ trực tiếp mang hồ sơ lên xã để xác nhận. Tuy nhiên, khi trao đổi với PV, ông Thọ khẳng định, ông chỉ ký vào hồ sơ khi ông Đỉnh đưa chứ không lên xã như ông Khánh nói.
PV cũng truy vấn ông Khánh là ngoài hồ sơ của ông Trần Văn Thọ thì còn những bộ hồ sơ khác do ai ký. Ông Khánh cho biết ông không ký và ông cũng không nhớ.
Theo tìm hiểu của PV, thời điểm vay vốn của các hộ dân này là khoảng những năm 2007- 2008- 2009, lúc đó lãnh đạo UBND xã Vĩnh Hiệp có 3 người: ông Trần Hoàng Trung (Chủ tịch), ông Hồ Văn Khánh (Phó Chủ tịch) và ông Châu Hoàng Ân (Phó Chủ tịch). Vì thế, ông Khánh nói ông không nhớ hoặc không ký các bộ hồ sơ còn lại thì chỉ còn hai người ký xác nhận là ông Trung và ông Ân. Được biết, hiện ông Ân đã xuống chức làm Trưởng ban nhân dân ấp Đặng Văn Đông, còn ông Trung vẫn là Chủ tịch xã.
PV cũng đặt thẳng vấn đề tại sao các hồ sơ đều có chữ ký của người dân mà là chữ ký giả nhưng xã vẫn xác nhận, ông Khánh phân trần: Có thể vì tình cảm quen biết nên khi cán bộ tiếp nhận hồ sơ đưa ký, lãnh đạo chỉ xem qua loa rồi ký chứ không nghĩ rằng đó là chữ ký giả.
Kết quả giám định chữ ký của nhiều hộ dân không do một người ký ra nhưng tòa vẫn phớt lờ.
Nhiều hộ dân có nguy cơ mất tất cả, trong đó có hộ ông Trần Văn Thọ cũng chẳng còn nhà để ở. Họ rất trông chờ vào giám đốc thẩm vụ án để lấy lại sự công bằng.
Trao đổi với PV Dân trí, các hộ dân cho biết, hiện vụ án đã được xử phúc thẩm và họ đang lo lắng trước nguy cơ bị phát mãi tài sản đất đai nhà cửa. Do đó, các hộ dân đang trông chờ vào cơ quan có thẩm quyền giám đốc thẩm vụ án để trả lại sự công bằng cho họ. Các hộ dân cũng đề nghị ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng vào cuộc làm rõ có hay không dấu hiệu lừa đảo trong vụ án này.
Huỳnh Hải - Bạch Dương
                                                                                              

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét