Suốt hơn 10 năm qua, nhập khẩu và nhập siêu từ Trung Quốc luôn chiếm tỉ lệ cao và có xu hướng tăng nhanh liên tục trong tổng nhập khẩu và nhập siêu của cả nước.
Từ năm 2010 đến nay, nhập khẩu từ Trung Quốc thường chiếm khoảng 1/4 tổng kim ngạch nhập khẩu hằng năm và nhập siêu từ Trung Quốc luôn lớn hơn tổng nhập siêu cả nước cùng thời điểm so sánh.
Theo Tổng cục Hải quan, trên 80% tổng hàng hóa nhập khẩu hằng năm của Việt Nam là xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, nguyên phụ liệu dệt may, sản phẩm chất dẻo, máy vi tính, điện tử, sắt thép, máy móc, thiết bị, phụ tùng, vải, ô tô, hóa chất và các linh kiện điện tử phục vụ việc sản xuất, xuất khẩu… đáp ứng nhu cầu mà trong nước chưa sản xuất được.
Trong khi chúng ta chỉ xuất vài sản phẩm nông sản và tài nguyên sang Trung Quốc, như gạo, cao su, than đá... và chủ yếu theo đường tiểu ngạch không bền vững thì những mặt hàng gây nhập siêu lớn từ Trung Quốc là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; nguyên vật liệu cho ngành dệt may, da giày; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; thức ăn gia súc và nguyên liệu. Nhập khẩu điện từ Trung Quốc cũng lên tới 4,65 tỉ KWh trong năm 2012, chiếm khoảng 4% tổng sản lượng điện thương phẩm của Việt Nam.
Riêng mặt hàng rau quả và thực phẩm sơ chế chiếm đến gần 50% tổng kim ngạch nhập nhóm hàng này từ Trung Quốc và sinh nhiều hệ lụy từ chất lượng sản phẩm như phủ tạng động vật, động vật và rau quả tươi sống không được qua kiểm dịch, sản phẩm tiêu dùng có hóa chất độc hại...
Để hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc cũng như giảm ảnh hưởng từ một vài thị trường lớn, cần một chiến lược tổng thể và dài hơi. Trước hết, tập trung vào ưu tiên đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển công nghiệp phụ trợ, vùng nguyên liệu và những ngành chế biến nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu, mở rộng thị trường mới; tăng quản lý đường biên mậu để gia tăng xuất nhập khẩu chính ngạch.
Thiết lập và quản lý hiệu quả hàng rào kỹ thuật, lên “danh sách đen” những mặt hàng cấm nhập, buộc phải tiêu hủy và tái xuất; tiết giảm nhập khẩu hàng tiêu dùng, vật tư trong nước sản xuất được; xây dựng và hướng dẫn chỉ đạo với chế tài xử phạt vi phạm thực hiện danh mục máy móc, thiết bị, vật tư nguyên liệu trong nước sản xuất được. Tăng kiểm tra, kiểm soát chống gian lận thương mại, nhãn hiệu hàng hóa, xuất xứ hàng hóa; tăng thông tin cập nhật cảnh báo chất lượng hàng Trung Quốc gây độc hại để hỗ trợ tiêu dùng lành mạnh.
Cùng với đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các doanh nghiệp Việt Nam cần coi trọng đặt hàng, đấu thầu trong nước trước khi nhập khẩu, hỗ trợ và thúc đẩy nhau sản xuất và tiêu thụ cho nhau. Trong công cuộc hội nhập quốc tế, tăng cường sức mạnh nội lực vẫn là yếu tố cốt lõi để từng bước tự cường, tự chủ về mặt kinh tế, tạo đà thắng lợi cho nhiều lĩnh vực khác.
TS Nguyễn Minh Phong ( Người Lao Động )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét