Trang

4 tháng 5, 2014

Thống đốc Bình được mấy phần của "Nửa Giải Nobel"?

Thống đốc Bình được mấy phần của "Nửa Giải Nobel"?

Còn nhớ, cuối năm 2012, Thống đốc Bình đã tự nhận điểm 8 về công tác điều hành và xin được nhận "Nửa Giải Nobel" nếu ông giải quyết được một trong những vấn đề tăng trưởng - lạm phát - tỷ giá.


 
Câu nói vui của ông Bình khi ấy cho thấy, nền kinh tế khó có thể thực hiện đồng thời cả 3 mục tiêu: duy trì tăng trưởng cao, níu lạm phát xuống thấp và giữ giá tiền đồng, nếu không nói là "bất khả thi".
Bài toán tăng tín dụng
Hơn một năm rưỡi trôi qua, các đại biểu Quốc hội đã thôi không chất vấn Thống đốc Bình về cái đầu bài quá khó. Nhưng những vấn đề "nóng" như chống "đôla hóa", "vàng hóa" khi Nhà nước nắm độc quyền vàng, khơi thông tín dụng cho nền kinh tế, xử lý nợ xấu, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng với "lùng nhùng" sở hữu chéo, lợi ích nhóm…, thì vẫn được đặt ra?
Trong đó, tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng trưởng ì ạch, dòng vốn tắc nghẽn đang là bài toán khó với nhà điều hành. Giờ đây, ngân hàng đang phải "gõ cửa" DN chào mời vay vốn, hay cạnh tranh để "được" tài trợ dự án, giành giật khách hàng tốt… Thậm chí, một vài ngân hàng chấp nhận cho vay thấp hơn cả mức lãi suất huy động, chỉ từ 5-5,5%/năm để "câu" khách mà cũng còn chật vật.
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp ngày 28/4, đại diện cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) - chiếm tới 96% số doanh nghiệp Việt Nam- than thở rằng họ vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng với những điều kiện vay vốn quá khắt khe.
Vẫn với sự tự tin vốn có, ông Bình trả lời về những nguyên nhân khiến DNVVN khó vay được vốn ngân hàng. Đó là do các công cụ hỗ trợ DNVVN chưa phát huy hiệu quả trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, là lãi suất đã giảm nhưng vẫn còn cao hơn so với điều kiện của DN. Đặc biệt, là năng lực tài chính, quản trị của DN còn hạn chế, dẫn tới rủi ro nợ xấu lớn khiến ngân hàng phải thận trọng, siết chặt điều kiện cho vay…
Do đó, ngoài nguồn tín dụng ngân hàng, theo ông Bình, cần phải tăng hiệu quả các quỹ hỗ trợ DNVVN, quỹ quản lý tiết kiệm DN, đẩy mạnh liên kết các khâu trong quá trình sản xuất, kinh doanh để tiết giảm chi phí vốn, tăng hiệu quả.
Thống đốc Bình được mấy phần của
"Về lãi suất giảm mà vẫn cao, ngân hàng phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường nên cần chính sách hỗ trợ khác cho DN. Chẳng hạn, chúng tôi đã có nhiều chương trình thí điểm kết nối trực tiếp DN và ngân hàng, địa phương hỗ trợ 2-3% lãi suất thì DN lại hoạt động được…"- ông Bình nói, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết tham gia của chính quyền địa phương các cấp để hỗ trợ DN nhanh chóng khôi phục hoạt động, bên cạnh việc ngân hàng tiếp vốn.
Giai đoạn 2010-2011, các DN liên tục kêu ngân hàng siết chặt tín dụng, cho vay với lãi suất cao tới 25-27%/năm không khác nào "tín dụng đen". Nhiều DN khát vốn vẫn phải "cắn răng" vay lãi cao để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cần chính sách ổn định
Có thực tế là, những khoản nợ vay ngân hàng, vay lãi ngoài cùng với lợi nhuận kinh doanh khi ấy cũng chỉ phục vụ mục tiêu duy nhất là "đảo nợ" ngân hàng.
Sau thời gian "đu dây" căng thẳng với gánh nặng chi phí lãi vay quá cao, các DN dần "đuối sức", mất cân đối tài chính trầm trọng, "sa lầy" trong núi nợ xấu hàng nghìn tỷ đồng. Dẫn chứng là hàng loạt đại gia ngành thép, bất động sản, xi măng, cà phê, thủy sản… ngày càng kiệt quệ, không trả được nợ ngân hàng. Ở đường cùng, con nợ còn "liều" bán trộm tài sản bảo đảm, lấy tiền trả nợ, dù biết đó là hành vi "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản"…
Giữa năm 2012, Thống đốc Bình đã đưa ra một cam kết gây chấn động thị trường, là "sẽ giữ lãi suất cho vay dưới 15%/năm và giữ ổn định trong vòng 1 năm". Sau đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng rà soát, giảm lãi suất nợ vay cũ về dưới mức 15%/năm, hạ lãi suất huy động để kéo giảm lãi suất cho các khoản vay mới. Biện pháp hành chính này khi đó được DN hồ hởi đón nhận, ngân hàng chấp hành.
Tuy nhiên, điều quan trọng là để được vay, DN phải còn khả năng hoạt động, có phương án kinh doanh khả thi, có nguồn thu trả nợ… thì ngân hàng mới cho vay, hưởng ưu đãi lãi suất rẻ. Đó là còn chưa tính tới thực tế: DN có còn tài sản thế chấp để vay mới không, khi mà những tài sản bảo đảm cho nợ cũ có thể đã bị giảm giá trị, thất thoát tài sản, thanh khoản kém hoặc bị tranh chấp? Nên không ít ý kiến đã tỏ ra hoài nghi với thông điệp của NHNN.
Chưa đầy một năm, Thống đốc Bình đã thực hiện vượt cam kết giảm lãi suất về dưới 15%/năm, kéo lãi suất huy động xuống còn 6%/năm, cho vay ra ở mức 8-9%/năm (như giai đoạn 2005-2006). "Đợt giảm lãi suất huy động xuống 6% vừa qua là một quyết định đầy khó khăn" - Thống đốc Bình nói, đồng thời chỉ rõ định hướng điều hành lãi suất theo diễn biến kinh tế vĩ mô, khả năng cân đối nguồn vốn của ngân hàng, lãi suất giảm ở mức hấp dẫn người dân gửi tiền tiết kiệm.
Nhưng với đa phần DN Việt Nam, hoạt động sản xuất, kinh doanh lâu nay vẫn phụ thuộc vào vốn ngân hàng, mà chính sách tín dụng nới lỏng hay thắt chặt, lãi suất cao hay thấp… có ảnh hưởng quyết định tới tăng trưởng, hiệu quả.
"Điều hành chính sách ổn định, không giật cục thì DN mới yên tâm tính toán phương án kinh doanh" là điều ông Bình nói trên diễn đàn, cũng chính là cam kết mà DN mong mỏi trong nhiều nhiệm kỳ thống đốc trước.
Và nếu thực hiện được, thì ông Bình sẽ được bao nhiêu phần của "Nửa Giải Nobel"?
Theo Thu Hằng ( Thời báo kinh doanh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét