Câu chuyện thuộc về ứng xử rất nhảm trên mạng xã hội của 2 bạn trẻ trở thành đề tài nóng tuần này. Từ góc nhìn thời sự xã hội, có thể thấy sự việc trên dường như tương phản hoàn toàn với tình hình người dân các tỉnh phía Bắc chật vật ứng phó với mưa lũ và hệ lụy của sự khai thác tài nguyên quá đà; tương phản với một phần bức tranh kinh tế mà Bộ Tài chính vừa đưa ra qua số liệu bội chi 7 tháng đầu năm lên tới 100.000 tỉ đồng; các khoản thu vẫn giảm và các khoản chi liên tục tăng lên. Và dĩ nhiên, tương phản với những căng thẳng thuộc về chủ quyền lãnh thổ vẫn diễn ra từng ngày từng giờ trên biển.
Nhưng có vẻ như sự kiện trên lại không tương phản với việc tỉnh Sơn La lập dự án xây tượng đài ngàn tỉ. Không tương phản ở tính viển vông, không ăn nhập gì với hiện trạng thực tế của nó. Một số người nhìn vào hiệu ứng đám đông tối 3.8 trên đường Nguyễn Huệ và cắt nghĩa rằng người trẻ bây giờ quá rảnh mới có hành xử kiểu như vậy. 
Nói vậy cũng đúng nhưng thiếu. Đúng ở chỗ rõ ràng người ta có thời gian để theo dõi một sự việc nhảm nhí; thiếu ở chỗ không chỉ ra được vì sao người trẻ không biết dùng thời gian vào những việc khác có ích hơn. Mối bận tâm và gắn kết với hiện trạng thực tại ở họ xem ra quá giới hạn. Cũng như mối bận tâm về đời sống dân sinh, kinh tế đất nước trong thời điểm khó khăn này hẳn là quá giới hạn thì một số người ngồi vẽ vời dự án tượng đài ngàn tỉ như thế trong bối cảnh này.
Tâm lý đám đông kéo nhau đi xem một sự việc nhảm nhí cũng nguy hiểm, ở chỗ gây mất trật tự công cộng nhưng xem ra không nguy hiểm cho bằng tâm lý đám đông phía sau những dự án vài chục, vài trăm đến cả ngàn tỉ đồng tồn tại một cách hình thức, phi lý, èo uột về chất lượng và vô bổ song lại làm tổn hại từng ngày từng giờ đến nền kinh tế.
Nếu ai đó phê phán rằng sự bốc đồng xốc nổi của đám đông kéo ra đường vì một sự kiện bao đồng cho thấy độ rỗng về lý tưởng sống của “một bộ phận không nhỏ” người trẻ ngày nay thì cái hiệu ứng đám đông từ những dự án ngàn tỉ lại cho thấy một sự nhân danh lý tưởng rất đáng sợ của “một bộ phận không nhỏ” những người có quyền lực trong xã hội.
Khi ta nói, thôi đi những “hot girl”, “hot boy”, hãy nhìn lại xem đời sống xung quanh là gì, đừng quá rảnh và quá vô cảm nữa với cộng đồng thì cũng đừng quên rằng thông điệp đó cũng nên gửi đến những ai mà mỗi chữ ký trên mặt giấy đang góp phần làm trì trệ nền kinh tế đất nước này nhưng thi thoảng mới thấy có “lực lượng giám sát” vào cuộc.
Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên/ Người Lao động