Nước ngầm bị ô nhiễm trầm trọng
Chỉ cách trung tâm Hà Nội chừng 30 cây số về phía Đông Nam, 2 thôn Linh Quy Bắc và Linh Quy Đông nằm trên vùng đất cổ Luy Lâu của làng quê Kinh Bắc xưa kia. Trước đây, 2 thôn có chung tên gọi là Linh Quy nhưng về sau do dân số đông lên nên chính quyền phân chia thành 2 thôn Linh Quy Bắc và Linh Quy Đông.
Từ Quốc lộ 5 rẽ trái, chạy thẳng vào làng, con đường đã được trải nhựa và bê tông phẳng lì. Nhìn vậy, nhiều người sẽ nghĩ thôn Linh Quy Bắc và Linh Quy Đông hẳn nhiên có nhiều mặt thuận lợi trong việc phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, vùng quê này lại đang phải đối mặt với 1 thực tế là nguồn nước ngầm đang bị ô nhiễm nghiêm trọng trong khi dự án nước sạch thành phố vẫn chưa về đến nơi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đức Chính (64 tuổi), Trưởng thôn Linh Quy Đông cho biết, cả thôn có 420 hộ với gần 1.500 nhân khẩu hiện đang sinh sống. Trước đây, người dân trong thôn vẫn sử dụng giếng khơi nhưng giếng khơi dần hết nước và bị ô nhiễm nên người dân chuyển sang dùng giếng khoan. Mỗi giếng khoan sâu 40-50m mới có nước nhưng trong khoảng 3-4 năm nay, nguồn nước ngầm giếng khoan của hơn nửa hộ dân trong thôn cũng bắt đầu bị ô nhiễm tới. 
Hiện nay, trong làng hầu như nhà nào cũng xây bể lọc với cát và than hoạt tính. Nhưng cứ chỉ khoảng 1-2 tháng là lại phải thay cát một lần do cát bị rón cục và chuyển màu vàng. Nhiều nhà phải mua cả bình lọc nước mini hoặc mua nước bình về sử dụng vì sợ nước ô nhiễm.
Chia sẻ với phóng viên, ông Chính cho biết: “Nhà tôi trước đây vẫn sử dụng giếng khơi nhưng mới lấp được mấy năm để chuyển sang giếng khoan. Bây giờ, giếng khoan cũng ô nhiễm. Mùi nước bơm lên hôi tanh, ngả vàng… nếu không xây bể lọc không dùng được”.
O nhiem nguon nuoc o thon Linh Quy Dong va Linh Quy Bac
 Bát nước giếng khoan chuyển sang màu tím ngắt khi pha nước chè vào.
Ông Chính dẫn chúng tôi sang nhà anh Lê Văn Bình (37 tuổi) gần đấy. Giếng nhà anh Bình là một trong những giếng bị ô nhiễm khá nặng. Anh Bình chia sẻ: “Giếng nhà anh mới khoan hơn 40 mét, nước rất trong nhưng có mùi hôi tanh khó ngửi. Dùng trực tiếp nước giếng nấu ăn lâu ngày dưới đáy xoong, nồi bám đầy cặn vàng”.
 “Nước hút trực tiếp từ giếng lên mà không qua bể lọc thì không thể pha chè. Nếu pha trực tiếp, nước lập tức chuyển sang màu tím ngắt hoặc đen sì”, anh Bình cho hay.
Như để dẫn chứng, kéo chúng tôi ra giếng, anh Bình hút một bát nước sạch từ giếng lên. Nhìn bằng mắt thường, bát nước rất trong và sạch. Rồi anh Bình pha một ấm chè loãng và đổ trực tiếp nước chè vào bát nước vừa hút từ giếng lên. Kết quả thật bất ngờ, nước chè đổ đến đâu thì bát nước lập tức chuyển màu tím rồi thành đen đến đó.
Anh Bình cho biết: “Chè loãng còn thế chứ chè đặc màu nó còn sệt hơn cơ. Theo kinh nghiệm dân gian thì nước bị chuyển màu khi đổ nước chè vào là đang bị nhiễm sắt nặng”.
Anh Lê Văn Bình làm thí nghiệm đổ nước chè vào bát nước giếng khoan nhà mình.
Cùng cảnh ngộ với thôn Linh Quy Đông là những người dân sống ở mảnh đấy liền kề thuộc thôn Linh Quy Bắc. 
Ông Dương Mạnh Thọ (66 tuổi), trưởng thôn Linh Quy Bắc cho biết, cả thôn có 545 hộ với khoảng 2.200 khẩu, đông nhất cả xã Kim Sơn. Hiện do chưa có nước sạch thành phố nên gần như 100% người dân trong làng vẫn đang dùng giếng khơi và giếng khoan.
Tuy nhiên, những nguồn nước tại các giếng trong thôn cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng giống với nguồn nước bên thôn Linh Quy Đông khi nước có mùi hôi tanh, nổi váng mỡ, pha chè chuyển màu đen… Người dân cũng đang phải xây bể lọc để sử dụng.
Điều đáng báo động hơn cả là hiện nay trong 2 thôn, người dân thấy càng có nhiều người mắc và chết vì bệnh ung thư. Theo ông Chính và ông Thọ nhẩm tính, chỉ trong vòng 3 năm nay, trong 2 thôn có hơn 10 người chết vì ung thư và hàng chục người khác đang mắc, điều trị liên quan đến bệnh ung thư.
Lò giết mổ tự phát hoành hành, nghĩa trang quá tải
Nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm trong thôn đều được 2 vị trưởng thôn Linh Quy Bắc và Linh Quy Đông khẳng định là do những lò giết mổ gia súc, gia cầm tự phát trong thôn ngày càng nhiều.
Ông Chính cho biết, hiện trong thôn Linh Quy Đông có khoảng 6 lò giết mổ gia súc lớn với công suất trên 10 con trâu, bò, lợn/đêm/lò và khoảng trên 6 lò giết mổ gia cầm. Còn tại thôn Linh Quy Bắc, ông Thọ trưởng thôn cũng ước tính được có khoảng hơn 6 lò giết mổ gia súc quy mô lớn tương tự trong thôn.
Theo các ông, hầu hết các lò giết mổ gia súc, gia cầm trong 2 thôn đều là tự phát và hình thành từ trước đây đều do các hộ dân trong thôn làm. Một vài năm trở lại đây, nhu cầu tiêu thụ bên trong nội thành lớn nên quy mô các lò giết mổ được nâng lên cùng với đó là tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng.
O nhiem nguon nuoc o thon Linh Quy Dong va Linh Quy Bac
 Cống rãnh trong thôn Linh Quy Đông và Linh Quy Bắc đều rất nhỏ và nông. Tình trạng nước luôn dềnh lên gần mặt đường, đen ngòm, bốc mùi hôi thối.
“Các cống rãnh trong làng thì chỉ nhỏ chừng 50-60cm, sâu chưa đến 1 mét mà mỗi đêm có đên hàng trăm con trâu, bò, lợn, gà bị giết mổ. Bao nhiêu nước thải, cặn bã thải hết ra cống có tiêu kịp đâu. Rác thải ứ đọng lâu ngày rồi ngấm xuống lòng đất thế là ô nhiễm chứ có gì đâu”, chỉ tay về phía đường cống thoát nước, ông Chính cho hay.
“Ngày nắng thì nước thải bốc mùi hôi thối ngửi đau đầu. Ngày mưa thì nước dềnh lên mặt đường do không có đường thoát, nổi đầy cả chất thải gia súc, gia cầm. Cả làng có cái ao tù ở đầu làng, giờ nước chuyển màu xanh lét không nuôi nổi cá”, ông Chính lắc đầu ngao ngán.
O nhiem nguon nuoc o thon Linh Quy Dong va Linh Quy Bac
Nước ao ở đầu làng thôn Linh Quy Đông chuyển sang một màu xanh, lẫn nhiều rác thải, tạp chất.
Ngoài những nguyên nhân do các lò giết mổ gia súc, gia cầm tự phát như trên, ông Thọ còn cho phóng viên biết thêm một nguyên nhân khác đó là do nghĩa trang của xã Kim Sơn mấy năm trở lại đây đang rơi vào tình trạng quá tải.
“Nghĩa trang nằm ngay sát với khu dân cư. Mà một nghĩa trang mà có đến 9 thôn cùng chôn. Mỗi năm có hàng chục người chết được chôn tươi ở đây, lâu ngày ngấm xuống đất làm ô nhiễm nguồn nước”, ông Thọ cho biết.
Một vấn đề nữa mà ông Thọ nhắc đến, đó là, cách đó chỉ chừng 500m, thôn Đại Bản (xã Phú Thụy) đã có nước sạch từ nhiều năm nay nhưng không hiểu vì lý do gì mà nước sạch thành phố vẫn chưa về đến 2 thôn Linh Quy Bắc và Linh Quy Đông.
“Chúng tôi cùng đã nhiều lần kiến nghị lên UBND, HĐND xã trong các lần họp để xử lý tình trạng ô nhiễm nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời thích đáng. Trong khi mòn mỏi đợi nước sạch thì chúng tôi chỉ còn cách là vẫn phải sử dụng nước giếng khoan. Biết là nước ô nhiễm, độc hại thật đó nhưng nhắm mắt làm liều ăn cứ ăn thôi chứ biết làm sao”, ông Thọ thở dài. 
Triệu Quang