Trang

3 tháng 2, 2015

Nở rộ những phát ngôn văng mạng của “quan”...

Đăng Bởi  - 

phat ngon cua can bo
Cầu vượt Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã, sai phạm trong công tác thiết kế bản vẽ thi công làm tăng 1,36 tỷ đồng.


Một ông quan thanh tra của Bộ GTVT, bỗng dưng nổi hứng lên tuyên bố rằng dự án chục tỷ, sai sót, thất thoát một tỷ là… TỐT rồi (Đất Việt, 14:33, 28.1.2015). Một ông là cán bộ tuyên giáo ngay giữa thủ đô – tuyên bố khơi khơi rằng ngày tết, bắn pháo hoa là để giúp cho người nghèo QUÊN đi cái khó, cái nghèo (Đất Việt,19:03, 27.1.2015). Một chị là Biên tập viên của Đài Truyền hình Quốc gia, “tự nhiên’ cho rằng nghệ sĩ Thanh Nga tự sát, “nên” (người nghe chắc chắn sẽ hiểu là tự sát cũng được đặt tên đường) sắp tới sẽ đặt tên đường ở TP HCM…

Một tuần mà có đến 3 dẫn chứng điển hình thì rõ ràng, người dân không choáng, không thất kinh mới là chuyện lạ.
Một trong những thói xấu của người Việt là hay nói to ở chốn đông người. Có thể do không biết kiềm chế, điều tiết âm lượng vừa phải; cũng có thể do cái tôi lớn quá, thích ra vẻ ta đây quá… Không ít bè bạn quốc tế phàn nàn về cái lối vừa thiếu văn hóa, vừa kém tôn trọng người khác của không ít người Việt. Thế nhưng, nếu so với cách phát ngôn văng mạng của quan chức trong mấy ngày gần đây thì nói to (nhưng không sai) ở chỗ đông người, chẳng là cái gì khi so với sự ngoa ngôn, sàm ngôn của các bậc chức sắc… 
Đài truyền hình và cán bộ tuyên giáo chắc chắn thuộc về ‘đẳng cấp’ nói năng chuẩn mực vì nghề của họ là nghề nói mà. Còn Bộ GTVT chắc chắn là cơ quan nắm trong tay rất nhiều tiền của, chẳng hạn, mùa mưa bão, ai biết được bao nhiêu tấn đất cát bị bão lũ cuốn trôi? Vì có nhiều tiền dân, của nước nên đội vốn 300 triệu USD thì coi là ‘mới điều chỉnh một tỷ’, còn sai phạm khoản tiền đủ cho 1.000 sinh viên sống trong một tháng thì cho là chuyện.. tốt đẹp?
Đừng nói là nhầm lẫn hay lỡ lời bởi cha ông có dặn rồi: Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói để… lừa lẫn nhau.
Xin hỏi các quan, nếu như bắn pháo hoa để cho dân quên cơ cực, bần hàn thì cái sự quên ấy kéo dài mấy phút hay mấy chục phút?
Chẳng lẽ cả một cách làm, quan điểm mà chỉ nhằm xoa dịu nỗi đau có mươi lăm phút thôi sao? Tiền tỷ với các ngành nắm trong tay hàng trăm ngàn tỷ dĩ nhiên là chuyện nhỏ nhưng thất thoát, sai phạm mà cứ coi là tốt thì đến bao giờ đất nước mới khá lên?
BTV một đài truyền hình cũng không thể biện minh vì cái lỗi (cứ cho là lỡ ấy) phạm phải là rất nghiêm trọng. Đặt tên đường phố chưa bao giờ là chuyện nhỏ. Nó là văn hóa, là chính trị, là sự tôn vinh, trân trọng những đóng góp to lớn của người đã khuất, nên sẽ chẳng bao giờ có chuyện đã tự sát lại còn vinh danh.
Cái nguyên tắc tối giản của phổ văn hóa (tạm coi là thế), đó là, phải có cái nền cơ bản về văn hóa mới có quyền ‘thay mặt’ đất nước, chính quyền để phát ngôn. Nguyên tắc đó không cho phép bất kỳ một ai nhầm lẫn. Chẳng hề vô cớ khi cha ông xưa đã minh triết bốn cái cần phải học trong cuộc đời là, học ăn, học nói, học gói, học mở. Trong vòng mấy tháng gần đây, VTV sai, lẫn lung tung là điều khó chấp nhận. Chưa thấy quan chức nào bị ảnh hưởng; chẳng lẽ cứ đổ riết cho ‘cậu đánh máy’ hết năm này qua năm khác?
Mùa xuân đang đến, tết nhất đã cận kề, xin các vị quan chức đừng làm người dân buồn phiền thêm nữa bởi vô số kiểu ngoa ngôn, lộng ngôn, sàm ngôn, cay đắng ngôn….
Không có những chuyện ấy cuộc sống cũng phức tạp, vất vả lắm rồi. Xin các vị hãy coi trọng hơn một chút tiền thuế của dân, hiểu đúng hơn một chút cái khó, cái khổ của người nghèo và biết thêm một chút về kiến thức để dễ bề ăn nói cho dân hiểu, dân tin…
Hà Văn Thịnh
Tags : cán bộ, văn hóa, ngoa ngôn, thói xấu, quan chức, dân, học ăn học nói, Hà Văn Thịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét