Trang

10 tháng 11, 2013

ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI NÓI VỀ THAM NHŨNG

Lo phát hành thêm trái phiếu là “vay tiền nuôi tham nhũng”
 Có đại biểu tâm sự, mỗi lần ra họp Quốc hội là lãnh đạo địa phương dặn phát biểu gì cũng được, trừ phát biểu về tham nhũng... 
Lo phát hành thêm trái phiếu là “vay tiền nuôi tham nhũng”Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu)





NGUYỄN LÊ


Tham nhũng gây nên nợ xấu, tồn kho và doanh nghiệp chính là nạn nhân, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 7/11.Trước khi đưa ra nhận định này, đại biểu Hiến nhấn mạnh rằng ông rất đồng ý với nhận định tình hình kinh tế suy thoái, khó khăn như hiện nay có nguyên nhân rất quan trọng do tình trạng tham nhũng tràn lan. Các công trình, dự án đều phải chạy chọt, bôi trơn giữa cán bộ có thẩm quyền và doanh nghiệp.
Vị đại biểu này cũng sốt ruột vì theo ông, trong khi Chính phủ trình Quốc hội xin nâng trần bội chi, xin phát hành thêm trái phiếu để chi tiêu, đảo nợ và nguy cơ lo ngại quốc gia vỡ nợ thì rất nhiều tiền của người dân đang bị chiếm đoạt.
Một m2 nhà vệ sinh bị nâng giá lên nhiều lần, một thiết bị máy móc giá 100 triệu đồng bị nâng giá lên 130 tỷ. Những con đường đắt nhất thế giới mà không hề có sự giải thích thỏa đáng nào, một đống sắt vụn cũng được nâng giá gấp 4 lần và bây giờ được định giá 125 tỷ, những con tàu, những tòa nhà trị giá hàng nghìn tỷ khác thì không biết đã được nâng giá bao nhiêu lần, ông Hiến dẫn hàng loạt ví dụ.
Và ông đặt hàng loạt câu hỏi, rằng đến bao giờ học sinh vùng cao, nông thôn không phải học trong những trường không ra trường, nhiều cô giáo vùng cao không phải mời khách bằng những con nòng nọc, không còn những người mẹ phải quyên sinh để gia đình có sổ hộ nghèo như ở miền Tây Nam Bộ...
“Phòng chống tham nhũng hiệu quả sẽ chặn được những vụ việc đó, chúng ta sẽ có nhiều nhà vệ sinh, trường học, con tàu, tuyến đường hơn, không phải nâng trần bội chi, phát hành thêm trái phiếu. Nếu không chặn được tham nhũng thì việc nâng trần bội chi, phát hành thêm trái phiếu cũng là vay tiền để nuôi tham nhũng”, đại biểu Hiến nhấn mạnh.
Ông Hiến cũng đề nghị các cơ quan thanh tra, kiểm toán bổ sung vào chương trình làm việc năm 2014 tất cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, kể cả dự án đầu tư ở nước ngoài của các doanh nghiệp này.
Cũng sốt ruột cao độ về hiệu quả phòng chống tham nhũng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng, đại biểu Lê Như Tiến đã dành trọn thời gian 7 phút cho vấn đề này.
Ông Tiến phân tích, trước đây chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu được cho là bộ máy chưa hoàn thiện. Nay thì Luật Phòng chống tham nhũng đã sửa, cơ quan chuyên trách được kiện toàn  từ Trung ương đến địa phương, nói một cách hình ảnh là bầy binh bố trận rầm rộ, dàn quân toàn tuyến, binh lực hùng hậu mà giặc nội xâm tham nhũng chưa bị sát thương là bao nhiêu.
Đại biểu Tiến cũng nhắc lại khi thảo luận ở tổ, đại biểu đề nghị nên tập trung vào chiến dịch bắt hổ với những siêu vụ án làm thất thoát hàng trăm nghìn tỷ đồng ở một số tập đoàn, tổng công ty ngân hàng thương mại công ty “sân sau”, hơn là dành trận lớn chỉ để bắt mèo nhỏ, chuột con.
 Ông cũng bày tỏ băn khoăn, khi việc xét xử một số vụ án trọng điểm liên quan đến tham nhũng ở một số tập đoàn nhà nước mới chỉ dừng ở người đứng đầu doanh nghiệp. Trong khi không thể không có sự buông lỏng quản lý, tiếp tay tiếp sức đồng phạm đồng mưu của cán bộ, công chức của một số cơ quan quản lý nhà nước ở cả Trung ương và địa phương.
Lợi ích nhóm được hình thành từ liên minh ma quỷ đó và hệ lụy là tiền thuế của dân, ngân khố của quốc gia cứ bị bòn rút, đục khoét, xói mòn thâm thủng nhưng những người này thì dường như đang đứng ngoài cuộc, vô can, đại biểu Tiến nói.
Phó chủ nhiệm Tiến cũng tâm tư, khi có vị đại biểu tâm sự mỗi lần ra họp Quốc hội là lãnh đạo địa phương dặn rất kỹ lưỡng, phát biểu gì cũng được trừ phát biểu về tham nhũng, nếu phát biểu về tham nhũng mà còn cơ chế xin - cho, thì mình xin ai cho. Càng không nên nói về tham nhũng ở địa phương vì dại gì “vạch áo cho người xem lưng”. Thế là tiếng nói chống tham nhũng có nguy cơ bị triệt tiêu ngay trên diễn đàn Quốc hội, ông nói.
Một trong những giải pháp được vị đại biểu này đề nghị là thành lập cục điều tra tội phạm tham nhũng với cơ chế đặc biệt, được trao thượng phương bảo kiểm, để câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội liệu có tham nhũng trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong lực lượng phòng chống tham nhũng hay không sớm có câu trả lời.
Thành lập một cơ quan điều tra độc lập để phòng chống tham nhũng cũng là đề nghị của đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) và đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng).
Có thể trực thuộc Quốc hội hoặc Chủ tịch nước nhưng cần độc lập với Chính phủ cũng là quan điểm của nhiều đại biểu về cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng tại phiên thảo luận về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) của Quốc hội từ cuối năm 2012. Nhưng nguyện vọng này đã không thể trở thành hiện thực.
Nay, các đại biểu lại kiên trì đề nghị phải có cơ quan này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét