Biển Đông: Chớ mắc mưu 'cùng có lợi'
Quan điểm của TQ xưa nay luôn như thế. Đây là cái cách mà tôi tạm gọi là "mưu mô" của TQ, tức là biến vùng không tranh chấp trở thành vùng có tranh chấp.
LTS: Tuần Việt Nam giới thiệu phần 3 cuộc trò chuyện với TS. Ngô Hữu Phước, trưởng bộ môn Luật quốc tế, trường ĐH Luật TP.HCM.
Kiện thế nào, ở đâu?
Nếu chọn lựa đưa vụ việc ra tòa trọng tài quốc tế về luật biển, chúng ta cần phải có các bước đi như thế nào? Quy trình ra sao?
Ở thời điểm nay, ta phải cân nhắc, không nóng vội. Để mà đưa vụ này ra tòa trọng tài quốc tế, chúng ta cần chuẩn bị một bộ hồ sơ để chúng ta khởi kiện do Chính phủ hoặc Bộ Ngoại giao xây dựng một cách bài bản, chặt chẽ về cả chính trị, cả pháp lý, cả chứng cứ pháp lý, chứng cứ lịch sử gọi là Thông báo và tuyên bố khởi kiện. Sau đó, chúng ta gửi bộ hồ sơ này cho phía TQ. Nếu họ chấp nhận thì họ lại phải có những phản hồi theo quy trình của phụ lục số 7 của Công ước quốc tế về luật Biển 1982.
Bộ hồ sơ này chúng ta phải dày công nghiên cứu, chứ không phải chỉ đơn thuần hôm nay thích mai đi kiện. Đi kiện như thế tôi cho là không hiệu quả. Mà để đi kiện chúng ta phải có một đội ngũ cán bộ chuyên gia pháp lý nghiên cứu, am hiểu luật pháp quốc tế nói chung và luật biển quốc tế nói riêng và đặc biệt là phải nghiên cứu các qui định rất chi tiết ở trong công ước 1982 thì chúng ta mới có cơ sở vững chắc, có niềm tin rằng, chúng ta kiện chúng ta sẽ thắng.
Nhiều ý kiến cho rằng, nhân dịp này cũng nên đưa tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa, có nghĩa là tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ để giải quyết theo Công ước 1982?
Tôi nhấn mạnh lần nữa, Công ước 1982 không phải là cơ sở pháp lý quốc tế để áp dụng ,mà giải quyết việc tranh chấp này mà Công ước 1982 chỉ giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giải thích và thực hiện Công ước.
Ví dụ, TQ có một đường cơ sở như vậy nhưng TQ đã vạch đường cơ sở không đúng cho nên nó lấn sang biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN. Chúng ta kiện hành vi đó, bởi vì TQ đã giải thích và thực hiện Công ước không đúng.
Cụ thể, vụ giàn khoan. TQ nói rằng, họ đang đặt giàn khoan trong lãnh thổ của họ, trong vùng đặc quyền kinh tế của họ theo Công ước 1982 thì họ giải thích sai. Bởi vì, theo Công ước đó là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN. Ta kiện họ ở điểm họ giải thích và vận dụng Công ước không đúng.
Còn tòa trọng tài quốc tế về luật Biển không có thẩm quyền giải quyết: lãnh thổ này là của ai, đảo này thuộc chủ quyền nước nào, quần đảo này thuộc chủ quyền nước nào mà tòa trọng tài chỉ có thẩm quyền trong việc giải thích và thực hiện Công ước trái Công ước.
Muốn lấy lại Hoàng Sa, VN kiện ở đâu?
Hiện nay chúng ta đi tìm một giải pháp để đòi lại chủ quyền của VN, lấy lại Hoàng Sa và một số đảo Trường Sa (trên thực tế đó vẫn là lãnh thổ muôn đời của VN nhưng bị TQ xâm chiếm trái phép từ năm 1974 và năm 1988). Là một dân tộc hòa bình, chúng ta không mang quân đi đánh lấy lại, vậy thì chúng ta tìm đến giải pháp pháp lý, chúng ta lại tính toán để khởi kiện.
Lúc này, cơ quan nên trao gửi niềm tin là cơ quan Tòa án công lý quốc tế. Bởi vì Tòa án này giải quyết mọi tranh chấp giữa các quốc gia. Điều này có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận một xác xuất rủi ro như đã nói ở phần trên là nếu VN thắng kiện thì khó cưỡng chế TQ thực hiện, còn VN thua kiện thì đành phải chấp nhận!
Mặt khác, VN chúng ta muốn khởi kiện để đòi lại Hoàng Sa mà TQ đã xâm lược thì việc đầu tiên VN phải tuyên bố chấp nhận thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án công lý quốc tế của LHQ cái đã. Tức là VN muốn kiện quốc gia nào ra Tòa án Công lý quốc tế thì VN phải chấp nhận Tòa án Công lý quốc tế, chứ VN không chấp nhận Tòa án mà lại yêu cầu Tòa án giải quyết thì Tòa án sẽ không giải quyết.
Và tôi nói luôn, từ trước đến nay chúng ta chưa một lần tuyên bố chấp nhận thẩm quyền của Tòa án công lý quốc tế để giải quyết tranh chấp mà VN là thành viên và từ trước tới nay VN cũng chưa ký, chưa gia nhập, chưa phê chuẩn một điều ước quốc tế nào có quy định rằng, nếu có tranh chấp thì giải quyết tranh chấp đó tại Tòa án Công lý quốc tế. Trên thực tế, khi phê chuẩn, gia nhập điều ước nào có quy định như vậy Việt Nam đều bảo lưu.
Đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Kiên Trung |
TQ thường dùng "mưu mô"
Tức là cả 2 bên nguyên đơn và bị đơn đều phải chấp nhận tòa công lý quốc tế thì tòa này mới thụ lý và giải quyết?
Đúng vậy! Tranh chấp bùng phát rồi, trước đó các nước VN và TQ chưa có bất kỳ thỏa thuận nào về giải quyết tranh chấp tại Tòa án công lý quốc tế nay nếu muốn đưa các vụ tranh chấp ra giải quyết tại Tòa án công lý quốc tế thì các quốc gia phải ký kết một điều ước quốc tế có tên gọi là "thỏa thuận đồng thỉnh cầu" để yêu cầu Tòa giải quyết, lúc đó Tòa mới giải quyết.
Giải quyết tranh chấp trước Tòa án công lý quốc tế phải là một cơ chế đồng thuận, có nghĩa là bên đi kiện muốn giải quyết trước Tòa, bên bị kiện cũng muốn giải quyết trước Tòa thì Tòa mới thụ lý và giải quyết được. Do vậy, nếu chỉ một mình VN đi kiện mà Trung Quốc không đồng ý giải quyết tại Tòa án công lý quốc tế thì Tòa này không giải quyết được.
Những tranh chấp về lãnh thổ, biên giới trên biển giữa VN với TQ và các nước khác thì quan điểm của tôi là nên chọn Tòa công lý quốc tế mà giải quyết. Nhưng không dễ, bởi nó là một cơ chế giải quyết tranh chấp rất phức tạp, trong đó những quốc gia yếu thế, những quốc gia thiếu chứng cứ lịch sử như TQ thì họ không dại gì mà lại đi chấp nhận cơ chế này. Bởi vì, họ chắc rằng, nếu tham gia họ sẽ thua. Mà nếu TQ không chấp nhận thì Tòa không thể đơn phương giải quyết được. Đó là mấu chốt của vấn đề.
Trung Quốc thường hay dùng phương pháp lúc đầu đối đâu, sau lại chuyển sang đàm phán song phương? Mục đích của họ là gì, thưa ông?
Quan điểm của TQ xưa nay luôn như thế. Đây là cái cách mà tôi tạm gọi là "mưu mô" của TQ, tức là biến vùng không tranh chấp trở thành vùng có tranh chấp. Và khi tranh chấp thì họ to tiếng, họ sử dụng rất nhiều công cụ, phương tiện, biện pháp và rất nhiều mưu mô, để rồi họ "hạ nhiệt xuống" và khi họ hạ nhiệt, nếu mình không tỉnh táo, mình lại cho rằng, à TQ đã suy nghĩ lại rồi và họ đề nghị chúng ta đàm phán.
Tôi hoàn toàn thống nhất với một số học giả nói rằng, đừng bao giờ mắc lừa TQ cái việc này. Cái gì là của chúng ta thì bảo vệ trước sau như một là của chúng ta. Chúng ta không nhận cái đang là của chúng ta, thì họ vào họ giành, họ chiếm rồi sau đó khi chúng ta thực hiện hành vi bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình thì họ đề xuất đàm phán trên cơ sở "các bên cùng có lợi". Nếu thế thì chúng ta đã mắc mưu thâm độc của TQ. Cái bổn soạn lại rất cũ, chúng ta phải sáng suốt nhận ra điều này.
Rất cảm ơn TS. Ngô Hữu Phước!
Duy Chiến - Tá Lâm (Thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét