Trang

23 tháng 5, 2014

Nhật ký của một phóng viên nước ngoài trên Biển Đông


VOV.VN - Nội dung của nhật ký cho thấy lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam vẫn rất kiên định với mục tiêu của mình.

Từ ngày 12-15/5, phóng viên báo chí Nguyễn Anh Thư của tờ Wall Street Journal là một trong số 8 phóng viên nước ngoài được lên tàu của Cảnh sát Biển Việt Nam để theo dõi những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông sau khi Trung Quốc ngày 1/5 đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Dù không tận mắt chứng kiến việc tàu Trung Quốc, đâm hoặc dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam nhưng nếu tàu của các phong viên nước ngoài cố gắng tiếp cận giàn khoan Hải Dương-981 để thực thi nhiệm vụ của mình thì tàu Trung Quốc sẽ tiến lại gần và ngăn cản.
Tàu Hải cảnh Trung Quốc luôn bám sát, cản trở tàu Cảnh sát biển Việt Nam 4033 thực hiện nhiệm vụ
VOV xin giới thiệu hành trình 5 ngày của nhà báo Nguyễn Anh Thư đã được tờ Wall Street Journal đăng tải ngày 20/5:
Ngày thứ 1, 12/5
Các phóng viên từ 8 tập đoàn truyền thông quốc tế tập trung tại thành phố cảng Đà Nẵng nơi lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam mời cơm và giới thiệu sơ lược về hành trình của các phóng viên.
Ngày thứ 2, 13/5
Vào lúc 1h sáng, các phóng viên lên tàu Cảnh sát biển số 4033 với thân màu trắng và sàn màu xanh. Lá quốc kỳ Việt Nam bay phần phật trong gió khi con tàu chầm chậm rời khỏi cảng và hướng ra biển Đông.
Vào lúc 6h sáng, các phóng viên được thông báo bữa sáng sẽ có cháo gà. Tuy nhiên, sóng to đã khiến nhiều phóng viên bị say sóng.
Sau giờ ăn trưa, các phóng viên được chuyển sang một chiếc tàu khác dù không được thông báo lý do.
Chiếc tàu mới to hơn, với những căn phòng được trang bị đầy đủ gồm giường tầng, 1 chiếc TV và một chiếc tủ lạnh.
Chiếc tàu Cảnh sát Biển số 8003 này được coi là chiếc tàu hiện đại nhất của lực lượng Cảnh sát Biển. Tàu dài 81m, rộng 10m và nặng 1.500 tấn.
Vào lúc 2h chiều, khi tàu đang tiến lại gần giàn khoan Hải dương-981 thì đột nhiên hàng chục chiếc tàu màu trắng có những dòng chữ tiếng Trung xuất hiện. Trong số này có những tàu có chữ “Tàu hải cảnh” được sơn trên thân tàu.
Gần chiếc tàu số 8003, sáu chiếc tàu khác của Trung Quốc cũng đang ngăn cản tàu không cho 1 tàu Cảnh sát Biển Việt Nam tiếp cận giàn khoan Hải Dương-981.
 “Tàu của Trung Quốc rất hiếu chiến và các tàu này có thể đâm tàu của chúng tôi bất kỳ lúc nào nhằm phá hoại tàu và trang thiết bị của chúng tôi”, Đại úy Nguyễn Duy cho biết và nhấn mạnh: “Chúng tôi vẫn kiên định với các giải pháp hòa bình bằng cách yêu cầu họ rút giàn khoan và tàu ra khỏi khu vực”.
Vào lúc 5h chiều, những căng thẳng trên biển tạm lắng xuống. Các phóng viên xuống ăn tối và một đêm yên lặng trôi qua.
Ngày thứ 3, 14/5
Vào 6h30 sáng, các phóng viên được ăn cơm, canh rau và thịt rán. Vào lúc 10h sáng thì tàu Trung Quốc lại tiếp tục ngăn cản tàu Việt Nam. Tuy nhiên, tàu Trung Quốc đã không đâm và dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam.
Lúc này, tàu số 8003 của Cảnh sát Biển Việt Nam đang cách giàn khoan Hải Dương-981 6,5 hải lý về phía Tây. Khoảng 5 tàu của Trung Quốc đang đậu xung quanh giàn khoan này.
Ngoài ra trên radar của tàu số 8003 có thể nhận thấy ở bên trái và bên phải của giàn khoan có khoảng 70-80 tàu Trung Quốc.
Các phóng viên nước ngoài được Trung tá Phan Duy Cường thông báo rằng tàu Cảnh sát biển số 4032 bị tàu Trung Quốc đâm sáng cùng ngày và bị hỏng 20m lan can tàu.
“Chúng tôi không sợ họ. Chúng tôi đã được huấn luyện để quen với những tình huống như thế này và tôi tự hào vì mình được tham gia vào nhiệm vụ này”, Trung tá Cường nói.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm các tiếp cận giàn khoan và sử dung loa để thuyết phục phía Trung Quốc rút lui trong khi cố tránh để không bị đâm”, Trung tá Cường cho biết.
Vào buổi chiều, tàu Trung Quốc lại tiếp tục xua tàu của Việt Nam trong khoảng 2 giờ.
Buổi tối, một vài phóng viên có dịp chuyện trò với Đại úy Nguyễn Văn Hưng- Thuyền trưởng tàu 8003, 35 tuổi, quê ở Hải Phòng và đã có 2 con.
Anh Hưng nhận nhiệm vụ thuyền trưởng của tàu vào năm 2013 và tàu 8003 rời Hải Phòng ngày 5/5.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm mọi giải pháp hòa bình để khiến Trung Quốc hiểu rằng họ đang vi phạm lãnh hải của Việt Nam và họ nên rút khỏi khu vực này”, anh Hưng nói.
Ngày thứ 4, 15/5
Lại một ngày lênh đênh trên biển, trong khi các phóng viên đã mệt nhoài thì lực lượng Cảnh sát Biển vẫn rất tỉnh táo.
Các tàu Trung Quốc lại tiếp tục xua đuổi tàu của Việt Nam vào buổi sáng. Mỗi khi tàu 8003 cố gắng tiếp cận giàn khoan Hải Dương-981 thì 5-6 tàu Trung Quốc lại tiến về tàu 8003 và ngăn cản.
Các phóng viên sau đó được thông báo họ sẽ được trở về đất liền. Vào 8h tối, các phóng viên được chuyển từ tàu 8003 sang 1 tàu nhỏ hơn.
Ngày thứ 5, 16/5
Các phóng viên cập cảng Đà Nẵng lúc 16h chiều./.
Trần Khánh/VOV online
(lược dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét