Nhờ sự đối xử bạc bẽo của họ mà tôi đã hạ quyết tâm bằng mọi giá phải vươn lên trong cuộc sống, phải thành đạt, phải khá giả để không ai có thể chà đạp và vùi dập mình không thương tiếc như trước.
Có trải qua đau khổ, con người ta mới hiểu ra được nhiều điều, mới nhìn nhận ra được những sự thật mà nếu như ta sống một cuộc sống êm đềm và hạnh phúc thì khó có thể nhận ra. Bản tính con người là vậy, phải tự mình trả giá bằng cay đắng mới rút ra được những bài học cho chính mình.
Nếu như một người sinh ra trong một gia đình giàu có và cuộc đời gặp toàn chuyện suôn sẻ và may mắn thì người đó sẽ rất khó để trở nên chín chắn và trưởng thành trong tính cách.
Khi gặp khó khăn, thất bại trong cuộc sống, người đó sẽ không biết cách ứng xử và vượt qua gian khổ. Ngược lại, những người phải trải qua nhiều nghịch cảnh, thất bại... luôn suy nghĩ chín chắn và trưởng thành hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Bởi chính hoàn cảnh sống khó khăn đó đã giúp họ rèn luyện bản thân, giúp họ nhìn lại mình, hoàn thiện bản thân, họ sẽ trở nên khiêm tốn hơn và cảm thông với người khác hơn.
Tôi chợt liên tưởng đến hình ảnh của viên đá. Từ một mảnh đá đầy sắc cạnh nhưng trải qua thời gian dài lăn lóc, đụng chạm nên nó được mài giũa trở nên nhẵn nhụi, tròn trịa.
Cũng như con người, khi phải va chạm, lăn lộn với cuộc sống nhiều, nếm trải đủ thứ đắng cay, cuộc đời dạy cho bao nhiêu là bài họ. Được cuộc đời gọt giũa, nên con người mới có thể trở thành một viên đá tròn trịa.
Viên đá có thể dùng để trang trí trong một cảnh non bộ, có những viên đá nằm ở vệ đường, hay cũng có thể là những viên đá được lát trong sân của những ngôi biệt thự... Dù thế nào thì tất cả những viên đá ấy đều có một giá trị riêng và đều hữu ích trên một phương diện nào đó.
Tôi lại nghĩ đến thân phận con người. Tính đến nay, tôi đã tồn tại trong cuộc đời này 32 năm, cũng đã trải qua không ít những khó khăn, vất vả, nếm đủ những đắng cay, bạc bẽo của cuộc đời, nghe đủ những lời nói mỉa mai, nhiếc móc, nguyền rủa tàn nhẫn của người đời khi họ cảm thấy đố kỵ với tôi....
Dù vậy, tôi vẫn bỏ ngoài tai tất cả, cố gắng vượt qua những tổn thương mà người đời đã mang đến cho tôi, cố gắng hàn gắn những vết sẹo trong trái tim mình, cố gắng sống tốt với chính những người đã làm tổn thương tôi. Sau bao nhiêu biến cố trong cuộc đời mình, tôi đã rút ra được rất nhiều bài học và trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn.
Tôi đã nghĩ được thông suốt và nghĩ rằng mình phải cám ơn những người đã mang đau khổ đến cho tôi, gây khó khăn và cay nghiệt với tôi. Bởi nhờ sự đối xử bạc bẽo của họ mà tôi đã hạ quyết tâm bằng mọi giá lphải vươn lên trong cuộc sống, phải thành đạt, phải khá giả để không ai có thể chà đạp và vùi dập mình không thương tiếc như trước.
Tôi cảm thấy rằng viên đá cũng còn có giá trị và sự hữu ích, huống hồ con người. Ít nhiều, ta vẫn là người hữu ích và có một giá trị riêng không ai thay thế được. Trong chúng ta, dù có ai nhỏ nhoi đến đâu đi nữa thì cũng vẫn có giá trị riêng và biết đâu ta đang là một bài học lớn cho những người đang sống xung quanh.
Tự dưng tôi nhớ lời bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tràn đầy ý nghĩa: "Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng, ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau...". Tại sao sỏi đá lại cần đến nhau? Một lối so sánh giữa đá và sỏi không cân xứng nhưng rất độc đáo.
Nếu có dịp đi bộ trên bãi biển, ta sẽ thấy những tảng đá lớn nhỏ quấn lấy nhau thật lạ lùng, lúc chết đi con người càng cần nhau hơn nữa, tạo thành một thế kiềng để giữ lấy nhau. Đôi khi bên dưới những tảng đá lớn là những hòn đá nhỏ hoặc những viên sỏi nhỏ như hình ảnh gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh.
Theo lẽ thường, ai cũng nghĩ rằng những hòn đá nhỏ, những viên sỏi nhỏ cần núp bóng những tảng đá lớn, cần ẩn mình bên tảng đá lớn để tồn tại, nếu không chúng sẽ bị sóng cuốn trôi đi.
Nhưng cũng thật éo le, những tảng đá dù lớn đến đâu, cũng phải cần đến những hòn đá nhỏ, cần đến những viên sỏi nhỏ chèn ở dưới chân để tạo thành thế đứng tồn tại, nếu chúng không muốn bị sóng cuốn trôi ra biển. Hóa ra, để tồn tại, để được hiện hữu trên miền đất của kẻ sống, sỏi đá là những vật vô tri vô giác cũng phải cần có nhau.
Vâng, sỏi đá cũng cần có nhau, huống hồ là con người, có trái tim biết đập những nhịp yêu thương. Chúng ta cần có nhau, cần sự yêu thương, đồng cảm với nhau, khi nào trái tim ta còn đập và cõi lòng ta còn khát khao hạnh phúc. Ta sẽ không bằng sỏi đá nếu ta không biết yêu thương nhau và cảm thấy không cần đến nhau nữa.
Cuộc sống thật sự trôi rất nhanh, lẫm chẫm tập đi đó thoát cái đã bước chân vào giảng đường đại học, rồi trải qua bao thăng trầm cuộc đời, công việc, sự nghiệp, gia đình, con cái… cuốn chúng ta đi theo cái vòng xoáy luẩn quẩn đó.
Sáng, trưa, chiều tối cứ thế nối tiếp nhau, chẳng mấy chốc rồi chúng ta sẽ già. Những thứ như công việc, sự nghiệp đến một lúc nào đó rồi sẽ chẳng còn quan trọng nữa, chỉ còn lại gia đình, con cái, nếu may mắn hơn thì sẽ còn lại một vài người bạn thật sự.
Nếu kém may mắn, hay vì đã lỡ buông rơi thì đến gia đình, con cái cũng sẽ không còn. Cuối đời, cho dù sự nghiệp có như thế nào, nếu không một ai bên cạnh thì ta cũng chỉ là một kẻ cô đơn.
Học bài học từ các loài cây cỏ, nếu ta muốn người khác lắng nghe và thích đến gần mình thì hãy nói những lời yêu thương, nhẹ nhàng. Vì loài cây cỏ còn thích nghe những âm thanh ngọt ngào, êm dịu huống chi là con người.
Tôi chỉ ước mọi người sống với nhau chỉ để luôn nói những lời yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, sống chân thành, bao dung với người khác để cuộc đời luôn nở hoa, như lời một bài hát được phổ từ thơ của Du Miên Đà Lạt, mà tôi vẫn thường tâm đắc mỗi khi nghe:
“Xin hãy đến cho nhau nụ cười
Xin hãy đến cho nhau tình người
Xin hãy nói yêu thương một lời
Xin hãy tốt với nhau cho đời nở hoa
Tôi chỉ muốn cuộc đời nở hoa...”
Cuộc đời ngắn ngủi lắm, hãy yêu thương nhiều hơn, cho đi nhiều hơn, sống ý nghĩa hơn từng ngày.
>> Xem thêm: Hãy yêu thương khi còn có thể
Th.s Vũ Thị Minh Huyền (Vnexpress)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét