MOOC là gì? Câu trả lời phổ biến nhất sẽ là: MOOC là viết tắt của cụm từ Massive Open Online Course, tức Khóa học Trực tuyến Mở Đại trà. Trực tuyến vì được dạy và học trên mạng internet; Mở vì bất cứ ai cũng có thể tham gia; Đại trà vì số lượng người tham gia học có thể lên đến hàng trăm nghìn người. Khóa học đông người tham gia nhất hiện nay của MOOC là khóa Nhập môn Khoa học máy tính (CS 101) của Udacity với 300 nghìn người tham dự.
Sự ra đời của MOOC được nhiều chuyên gia đánh giá là một cuộc cách mạng trong giáo dục. Vì lẽ đó, tạp chí The New York Times đã gọi năm 2012 là năm của MOOC. Tất nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những lo ngại vê tương lai của MOOC.
TS Giáp Văn Dương
Tuy vậy, bản thân khái niệm MOOC cũng vẫn đang phát triển và thay đổi không ngừng. Cho đến nay, vẫn chưa có một định nghĩa nhất quán về MOOC. Nhưng chúng ta có thể tạm hiểu MOOC như một sự phát triển mới nhất của hình thức học trực tuyến (e-learning), trong đó nhấn mạnh đến sự phát triển của một khái niệm mới, một cách tiếp cận mới, hơn là một sự thay đổi về công nghệ, vì cả MOOC và e-learning đều sử dụng internet làm nền tảng triển khai nội dung đào tạo của mình.
Còn về GiapSchool, thì đó là một cổng MOOC tiên phong ở Việt Nam, được thiết kế để tải lên hàng trăm khóa học trực tuyến mở, cho hàng chục nghìn người tham người tham dự cùng một lúc. Trên thực tế, số khóa học có thể tải lên và số người tham gia học trên cổng GiapSchool là không hạn chế.
Hiện giờ, GiapSchool đang khai giảng các khóa học về nhiều cấp độ và lĩnh vực khác nhau, với tốc độ dự kiến là 2 khóa/tuần. Khóa học đầu tiên “Hiểu về giao tiếp” đã có hơn 1500 người đăng ký học, và vẫn tiếp tục tăng từng ngày. Các khóa khác số người đăng ký có ít hơn vì quá chuyên sâu vào một lĩnh vực hẹp, nhưng con số cũng rất đáng khích lệ.
Như anh mô tả , GIAPSCHOOL có vẻ là mô hình giáo dục chưa từng có ở Việt Nam. Người đứng đầu GIAPSCHOOL đang đứng trước những thuận lợi và thách thức gì?
Thuận lợi duy nhất là tôi có thể rút kinh nghiệm về thành công của một số cổng MOOC khác của thế giới, như edX, Coursera, vì họ ra đời trước khoảng một năm. Còn khó khăn thì vô vàn. Đầu tư cho giáo dục trực tuyến mở đòi hỏi chi phí về nhân lực và tài chính rất lớn.
Chẳng hạn, edX được Harvard và MIT đầu tư 60 triệu USD, còn Coursera được các nhà đầu tư cung cấp 65 triệu USD để phát triển. Ngay Khanacademy, một cổng giáo dục trực tuyến tương tự như MOOC, cũng được đầu tư đến nay gần 10 triệu USD từ Google, Bill & Melinda Gates Foundation và cộng đồng Mỹ và thế giới.
Nhưng GiapSchool đến giờ vẫn là một dự án cá nhân, được xây dựng bằng tiền túi của một người, nên không đủ tiềm lực để đầu tư lớn về cơ sở vật chất. Ngay cả nhân lực cũng rất hạn chế. Tôi gần như phải làm tất cả mọi việc to nhỏ khác nhau, từ soạn bài, giảng bài, đến quản trị trang, giải đáp thắc mắc của học viên…
Vì thế, tôi phải tìm một cách vận hành GiapSchool hoàn toàn khác với các cổng MOOC hiện thời, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng của các khóa học. Việc đó thực sự rất khó khăn.
Ở Anh, Internet đóng góp 8,3% GDP. Ở Việt Nam, hơn 35% dân số sử dụng Internet và những mô hình như GIAPSCHOOL có gợi lên được những hi vọng mới nào cho đời sống tinh thần và kinh tế của Việt Nam không, thưa anh?
Con số 35% dân số Việt Nam tiếp cận internet, tương ứng với khoảng 30 triệu dân, là con số rất đáng khích lệ. Tuy phần lớn những người này còn dùng internet cho các mục đích giải trí, thì tôi cho rằng đây cũng là một tin mừng, một số lượng tới hạn để các mô hình giáo dục, kinh tế trên internet hoạt động được.
Trên thực tế, internet đã thay đổi rất nhiều thói quen sinh hoạt của nhiều người Việt Nam, đặc biệt là những người sống ở thành thị. Rất nhiều người khởi đầu một ngày mới bằng việc vào internet để kiểm tra thư điện tử, tin nhắn, lịch làm việc, tìm kiếm thông tin, đọc báo v.v. và cũng thường kết thúc một ngày theo cách tương tự.
Cách tiếp cận và xử lý thông tin, cách giao tiếp và triển khai công việc cũng hoàn toàn khác trước. Cả thế giới rộng lớn được mở ra trên mạng. Không còn lo thiếu thông tin nữa, mà lo xử lý thông tin sao cho hiệu quả và chính xác. Như vậy, rõ ràng internet có ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhóm người này.
Trong bối cảnh đó, các mô hình giáo dục như GiapSchool hoàn toàn có thể có những đóng góp rất tích cực cho xã hội. Để đơn giản, chị có thể hình dung một câu chuyện như sau: Sau một ngày mệt nhọc, buổi tối chị phải dạy con học bài. Nhưng chị quá mệt mỏi để đọc sách và giảng bài cho con. Kiến thức của chị có thể cũng không đủ cập nhật, hoặc đơn giản là chị đã quên mất. Vậy thì làm sao?
Thật đơn giản: mở điện thoại, máy tính bảng, máy tính cá nhân để vào các trang như GiapSchool và chọn bài giảng phù hợp. Hai mẹ con có thể cùng xem, hoặc con chị có thể tự học một mình. Vậy là chị không còn phải mệt nhọc để hướng dẫn con học vào buổi tối nữa. Con chị có thể tự học, vì luôn có một gia sư ở bên cạnh.
Cháu cũng có thể tự học ở nhà theo chỉ dẫn của cô giáo. Sáng hôm sau đến trường, thay vì học các khái niệm mới, cháu sẽ được thảo luận với cô về bài học ở nhà, sau đó làm bài tập. Như vậy qui trình học đã thay đổi hoàn toàn. Việc học cũng được cá nhân hóa ở mức rất cao.
Một tình huống khác là chị cũng muốn học thêm một lĩnh vực nào khác, hoặc củng cố kiến thức cũ của mình, vậy là chị lại vào GiapSchool chọn một khóa học phù hợp mà không cần phải đến trường. Và bất cứ người nào khác cũng đều có thể làm như chị.
Khi quyết định trở về từ môi trường làm việc ở Singapore, anh đã nghĩ đến việc mở GIAPSCHOOL ? Ai ủng hộ anh mạnh mẽ nhất trong quyết định này?
Tất nhiên rồi, thưa chị. Khi rời Singapore, tôi mang theo hai ý tưởng: xây dựng Tủ sách chuyên gia và cổng giáo dục trực tuyến mở GiapSchool. Ban đầu tôi ưu tiên cho tủ sách, vì không nghĩ mình có thể tự làm cổng giáo dục trực tuyến mở, do đầu tư quá lớn.
Nhưng sau hai tháng, công việc của tủ sách tiến triển rất chậm vì vướng mắc bản quyền. Kinh tế vẫn chìm trong khủng hoảng nên việc vận động kinh phí biên dịch gặp khó khăn rất lớn, các nhà xuất bản cũng không mặn mà với thể loại sách này, nên tôi phải đẩy dự án về cổng giáo dục trực tuyến mở thành ưu tiên trước. Thoạt nhìn thì hai dự án này rất khác nhau, nhưng thực tế lại cùng chung mục đích đưa tri thức thế giới về Việt Nam.
Và người ủng hộ tôi nhất là vợ và cả các con tôi. Lúc đó, chúng tôi không còn cách nào khác là phải làm việc. Khó khăn đến mấy cũng phải tìm cách vượt qua. Nếu không, chuyến trở về của cả gia đình sẽ trở thành vô nghĩa. Lúc đó chúng tôi gần như sống biệt lập ở ngoại ô Hà Nội suốt 6 tháng trời, và câu cửa miệng của cả nhà trong suốt mấy tháng đó là GiapSchool. Ngay cả cô con gái nhỏ chưa đầy 5 tuổi của tôi cũng tình nguyện đọc giúp mấy bài thơ thiếu nhi cho GiapSchool.
Còn mới quá nhưng vẫn muốn hỏi: anh tin bao nhiêu phần trăm vào sự tồn tại và phát triển của GIAPSCHOOL?
Là 100%. Nếu không, tôi đã chẳng mạo hiểm như vậy.
Thanh Nguyễn - Người Đô Thị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét