( Đát Việt) - Mỹ tự nhận sự hiện diện của Hải quân Mỹ ở khu vực châu Á-TBD làm xoay chuyển các sự kiện, diễn biến trong khu vực...
Sự gia tăng hiện diện của hải quân Mỹ ở châu Á đạt hiệu quả
Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert ngày 19/5 khẳng định sự hiện diện ngày càng tăng của Hải quân Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương bắt đầu mang lại hiệu quả, góp phần định hình và xoay chuyển được các sự kiện, diễn biến trong khu vực.
Trong bài phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington, Đô đốc Jonathan Greenert cho biết một trong những hiệu quả nhìn thấy từ sự hiện diện gia tăng của Hải quân Mỹ là các cuộc đối thoại giữa quân đội Mỹ với quân đội Trung Quốc cũng đang mang lại kết quả, nhất là tại Biển Đông, nơi tình hình căng thẳng trên biển đang leo thang giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.
Cụ thể, theo vị Đô đốc này, Trung Quốc là một trong số các cường quốc châu Á-Thái Bình Dương hồi tháng trước đã cùng với Mỹ chấp nhận Bộ quy tắc về những vụ chạm trán ngoài kế hoạch trên biển (CUES) tại một hội nghị ở Thanh Đảo (Trung Quốc).
Tàu tuần dương USS Hue City. |
Trong chuyến công du châu Á hồi tháng trước của Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã ký thỏa thuận tăng cường hợp tác an ninh và quân sự (SOFA) thời hạn 10 năm với Philippines.
Đô đốc Greenert cho rằng việc phối hợp hoạt động hải quân giữa Mỹ với Philippines hiện tại rất tốt hai bên vẫn cần phải thảo luận thêm và áp dụng các thỏa thuận cần thiết bổ sung để phát triển hiệu quả khả năng phối hợp đó.
Về bố trí binh lực, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ Greenert cho biết Hải quân Mỹ cam kết thực thi chiến lược tái cân bằng sang châu Á của chính quyền Barack Obama.
Cụ thể, với sự chuyển dịch chiến lược này, hiện nay có 51 chiến hạm trong tổng số 289 chiếc của Hải quân Mỹ đang có mặt trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và con số này sẽ tăng lên 58 chiếc trong năm tới và 67 chiếc trước năm 2020.
Mỹ lên tiếng về hành vi gây hấn của Trung Quốc
Trong khi đó, liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép lên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, Chính quyền Mỹ cũng đã nhiều lần lên án và cáo buộc hành động của Trung Quốc.
“Chúng tôi muốn chứng kiến một bộ quy tắc ứng xử được hoàn tất; chúng tôi muốn chứng kiến vấn đề này được giải quyết hòa bình thông qua luật biển, thông qua trọng tài, thông qua bất kỳ công cụ nào, nhưng không phải là đối đầu trực tiếp và các hành động gây hấn”, ông Kerry nói trước một cuộc gặp với người đồng cấp Singapore K. Shanmugam tại Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 12/5.
Trước đó, ngày 9/5, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ vừa ra tuyên bố chung lên án các hành động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông là gây rối và hối thúc đồng nghiệp thông qua nghị quyết tái khẳng định ủng hộ của Mỹ về tự do hàng hải.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki. |
Hôm 7/5, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki nói rằng, "hành động đơn phương" của Trung Quốc "dường như là một phần trong cách hành xử tổng thể của nước này nhằm yêu sách chủ quyền theo cách có thể gây hại cho hòa bình và ổn định của khu vực".
Không những thế, hôm 13/2, Mỹ nói cũng sẽ hậu thuẫn Philippines trong trường hợp tranh chấp biển đảo tại Biển Đông giữa đảo quốc này với Trung Quốc bùng phát thành xung đột.
“Dĩ nhiên là chúng tôi sẽ giúp các bạn”, Reuters dẫn lời Đô đốc Jonathan Greenert, Tư lệnh hải quân Mỹ, trả lời khi được hỏi về trường hợp giả định xảy ra xung đột về lãnh thổ giữa Trung Quốc và Philippines.
“Tôi không biết giúp đỡ này cụ thể là gì. Ý tôi là chúng tôi có trách nhiệm hậu thuẫn cho Philippines vì chúng tôi đã ký một hiệp ước. Nhưng tôi không biết khả năng của sự hậu thuẫn này là gì”, ông Jonathan Greenert nói.
Thực tế Mỹ chỉ lên tiếng về "hành động đơn phương ", gây cẳng thẳng của Trung Quốc chứ chưa có hành động cụ thể nào để xoay chuyển được tình hình hiện nay trên Biển Đông. Tình hình Biển Đông vẫn được đánh giá là đang diễn biến phức tạp, khó lường.
Mỹ chưa lên tiếng về cuộc tập trận Nga - Trung ở biển Hoa Đông
Giữa lúc tình hình Biển Đông đang căng, soái hạm Varyag đã thống lĩnh cụm chiến hạm Nga sang Trung Quốc, tham gia tập trận chung “Tương tác biển-2014”.
Cuộc tập trận sẽ được diễn ra ở phía bắc biển Hoa Đông từ ngày 20 đến 26/5. Tổng cộng 14 tàu chiến, 2 tàu ngàm, 9 máy bay, 6 tàu hỗ trợ máy bay trực thăng và 2 đội hải quân sẽ tham gia bài diễn tập, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa tin.
“Nhờ việc tậo trung, kết hợp trong điều kiện chiến đấu thật, cuộc tập trận sẽ tăng cường khả năng đối phó với những mối đe doạ an ninh trên biển của hải quân hai nước”, phó chỉ huy hải quân Trung Quốc cho biết.
Hai quốc gia sẽ tiến hành các bài tập tấn công, phòng thù cũng như bảo vệ, tìm kiếm, giải cứu và thậm là đối phó với cướp biển.
Một đội tàu của hạm đội Thái Bình Dương Nga, dẫn đầu bởi tàu tuần dương Varyag, đã đến Trung Quốc để chuẩn bị tham gia cuộc tập trận, Bộ Quốc phòng Nga thông báo vào hôm 19/5.
Thế nhưng, đến nay Mỹ vẫn chưa lên tiếng hay có hành động nào trước tuyên bố cuộc tập trận này của Nga- Trung Quốc.
Được biết, trước đó Mỹ đã từng lên tiếng bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông nếu Trung Quốc tấn công.
Trả lời phỏng vấn báo Yomiuri (Nhật Bản) xuất bản sáng 23/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc là được hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật bảo vệ.
"Chính sách của Mỹ là rất rõ ràng, quần đảo Senkaku là do Nhật Bản quản lý nên vì vậy quần đảo này nằm trong phạm vi của Hiệp ước hợp tác an ninh Mỹ - Nhật. Chúng tôi chống lại bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm làm suy yếu sự quản lý của Nhật với quần đảo này”, Tổng thống Barack Obama nói.
Những tuyên bố trên của ông Obama được đưa ra nhằm trấn an Nhật Bản rằng Mỹ sẽ không ngồi yên nếu Trung Quốc chiếm quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
T.H (Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét