Giới quan sát cho rằng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ phải chịu nhiều áp lực từ các nước về tranh chấp Biển Đông tại các cuộc họp của ASEAN lần này, khi nguyên thủ nhiều nước lên tiếng thúc giục tìm kiếm giải pháp cho tình hình.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (ngoài cùng bên trái) dự Cấp cao Đông Á (EAS) cùng lãnh đạo Mỹ và Nga sáng nay. Ảnh: Reuters
|
Ông Lý Khắc Cường vừa đặt chân đến Myanmar tối qua và dự kiến sẽ đối diện nhiều ý kiến trái chiều về căng thẳng ở Biển Đông thời gian gần đây, tờ South China Morning Post nhận định.
Một phát ngôn viên giấu tên của ASEAN cho biết tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước thành viên của hiệp hội ở Biển Đông sẽ nằm trong chương trình nghị sự của các phiên họp chính, do tác động tiềm ẩn của nó tới hòa bình và ổn định của khu vực.
Ông Lý sẽ tham dự các phiên họp của ASEAN với Trung Quốc cùng Nhật Bản, Hàn Quốc và Cấp cao Đông Á (EAS), có sự tham dự của các nước lớn như Mỹ, Australia. Trước khi tới Myanmar, Thủ tướng Trung Quốc kêu gọi các nước tiếp tục duy trì là "láng giềng tốt" để cùng nhau đối diện với các thách thức và hợp tác theo cách thức cùng có lợi, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.
Hôm qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng tất cả các nước phải có trách nhiệm tuân theo luật pháp và các quy tắc quốc tế đối với các vấn đề trên biển và hy vọng sẽ sớm có Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ràng buộc về pháp lý nhằm giải quyết căng thẳng ở Biển Đông.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino III hôm qua tiếp tục thúc đẩy việc cần sớm có bộ COC để giải quyết các tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông trong phiên họp Cấp cao của ASEAN. Ông Aquino đề nghị lãnh đạo các nước bắt đầu đàm phán chính thức về COC.
Theo Wall Street Journal, tân Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã lần đầu tiên đề cập tới tranh chấp ở Biển Đông khi dự các cuộc họp của ASEAN. Ông đề nghị kiềm chế và đối thoại nhanh chóng hơn nhằm giải quyết xung đột kéo dài ở Biển Đông. Ông kêu gọi tất cả các bên sớm nhất trí về bộ Quy tắc ứng xử COC ở vùng biển có tranh chấp.
"Indonesia tin rằng hòa bình và thịnh vượng trong khu vực được quyết định bằng cách chúng ta hợp tác với nhau như thế nào để kiểm soát các vùng biển. Chúng ta phải đảm bảo các vùng biển đoàn kết chúng ta lại, chứ không phải chia tách", ông Widodo nói. Ông cũng kêu gọi các nước ASEAN đoàn kết để duy trì vai trò của hiệp hội này.
Dự kiến bản tuyên bố chung của thượng đỉnh ASEAN sẽ bao gồm phần nêu quan ngại về những diễn tiến gần đây ở Biển Đông.
Khánh Lynh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét