(Tin tức 24h) - Báo chí Nhật Bản cho rằng Trung Quốc đang tự mãn với sức mạnh kinh tế và muốn vươn lên làm “minh chủ” của châu Á.
Sự tự mãn ở Bắc Kinh
Theo tờ Yomiuri của Nhật Bản, Trung Quốc đang chứng tỏ vị thế của mình qua các hoạt động ngoại giao tích cực với mục tiêu trở thành “minh chủ châu Á”. Điển hình là tại Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vừa diễn ra tại Bắc Kinh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với vai trò chủ trì phiên bế mạc, đã thể hiện thái độ tự mãn với đánh giá về lộ trình xây dựng Khu vực Tự do Thương mại châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một phiên họp của APEC. Ảnh: AP. |
Cũng theo tờ báo Nhật Bản, Trung Quốc đang đặt mục tiêu chiến lược trong việc xây dựng trật tự châu Á với vai trò chủ đạo của mình. Trung Quốc, một nền kinh tế đang phát triển, đã có những bước nhảy vọt kể từ hội nghị APEC Thượng Hải năm 2001, khi Trung Quốc mới chỉ là nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới.
Tuy nhiên, tại APEC Bắc Kinh lần này, Trung Quốc đã leo lên vị trí thứ hai thế giới về quy mô kinh tế. Cũng tại hội nghị APEC này, Trung Quốc đã đẩy mạnh việc tăng cường phối hợp với các nước lớn như Nhật, Mỹ, trong khi lại phân biệt đối xử với các nước láng giềng lân cận.
Ví dụ điển hình cho hành động này là việc Trung Quốc đã mời nguyên thủ những nước châu Á không thuộc APEC như Myanmar tới dự, mục đích nhằm tuyên truyền về việc thành lập quỹ xây dựng “Con đường tơ lụa” do Bắc Kinh khởi xướng.
Trong khi đó, đánh giá về mối quan hệ với Mỹ, báo Nhật Bản cho rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đang tạo ra ảo tưởng về mối quan hệ “trăng mật” Trung-Mỹ và thể hiện hình ảnh của Trung Quốc như một “cường quốc có trách nhiệm”.
Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama sau hội nghị APEC, Chủ tịch Tập Cận Bình nhất trí tăng cường quan hệ hợp tác Trung-Mỹ trong các vấn đề như chống khủng bố, chương trình hạt nhân của Triều Tiên và Iran. Đối với vấn đề giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, Trung Quốc cũng đề xuất các mục tiêu cho từng lĩnh vực cụ thể.
Tuy nhiên, những vấn đề mà Trung Quốc nêu ra lại không đúng như những gì nước này đang thể hiện, trước hết là việc thực hiện các cam kết quốc tế. Điển hình có thể kể ra là vai trò của Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên hay vấn đề an ninh mạng. Trong cuộc hội đàm tại Bắc Kinh, ông Obama đã không ngại ngần yêu cầu Bắc Kinh không tiến hành các cuộc tấn công mạng.
Theo báo Yomiuri, Trung Quốc nói rằng muốn giải quyết các vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm. Tuy nhiên, thực tế nước này lại đang sử dụng phương pháp “ngoại giao trên nền tảng sức mạnh” trong cuộc tranh chấp trên biển Hoa Đông và Biển Đông. Việc tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh với các nước như Nhật, Mỹ chỉ là biện pháp để Trung Quốc tránh bị cô lập, đồng thời giảm bớt nguy cơ nguồn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc sụt giảm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.
Không còn ẩn mình
Trong khi đó, giới chuyên gia quốc tế hiện cũng có chung nhận định rằng những ngày "ẩn mình chờ thời" của Trung Quốc đã qua. Những biểu hiện về mặt sức mạnh “cứng” hiện đã quá rõ ràng khi Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng và thô bạo trong các hành xử. Điều đáng chú ý là Trung Quốc đang ngày càng gia tăng sử dụng sức mạnh “mềm”, trước hết là kinh tế. Việc thành lập "Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á" (AIIB) với vốn pháp định 100 tỷ USD là một ví dụ điển hình.
Với vị thế là quốc gia xuất khẩu, chế tạo và nắm tài sản dự trữ quốc tế lớn nhất thế giới, Trung Quốc dự kiến vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất giới tính theo sức mua tương đương. Sau nhiều thập kỷ tích cực tham gia các thể chế kinh tế quốc tế, gồm cả G-20, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Trung Quốc bắt đầu tìm cách tạo ra một trật tự thế giới mới.
Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh kinh tế để thực hiện các mưu đồ |
Tháng 10 vừa qua, Trung Quốc và 20 quốc gia châu Á khác đã ký kết một bản ghi nhớ (MoU) về việc thành lập AIIB. Ngân hàng này do Trung Quốc đề xuất đang được xem là thách thức thể chế nghiêm trọng đầu tiên đối với WB và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Cũng có những lý do hợp lý khiến Trung Quốc tiến hành các bước đi này khi họ cảm thấy vai trò không tương xứng của mình trong các định chế tài chính tiền tệ hiện có. Trung Quốc chỉ chiếm 3,8% quyền bỏ phiếu của IMF và 5,5% quyền bỏ phiếu tại ADB, so với mức tương ứng 16,8% và 12,8% của Mỹ; và 6,2% và 12,8% của Nhật Bản.
Ngoài ra, người châu Âu đứng đầu IMF, người Mỹ kiểm soát WB trong khi ADB có các chủ tịch là người Nhật Bản kể từ khi thành lập năm 1966.
Việc cải cách các thể chế này, mặc dù được thảo luận rộng rãi, nhưng đang phải đối mặt với sự trì hoãn lâu dài. Ví dụ việc cải cách hạn ngạch và quản trị IMF, đã được các nhà lãnh đạo G-20 nhất trí từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Do thất vọng, Trung Quốc đã quyết định thúc đẩy thành lập AIIB và Bắc Kinh là cổ đông lớn nhất với 50% cổ phần. Chủ tịch đầu tiên của AIIB là người Trung Quốc và trụ sở chính của ngân hàng này sẽ được đặt tại Bắc Kinh.
Ông Tập Cận Bình chụp ảnh cùng đại diện các nước tham gia lễ ký MoU về AIIB tại Bắc Kinh hôm 24/10 |
Trung Quốc có thể tận dụng ảnh hưởng đáng kể của họ đối với AIIB để tăng cường hình ảnh quốc gia, nhất là củng cố quan hệ với các nước đang phát triển. Thông qua ngân hàng này, Bắc Kinh có thể áp đặt ý chí đối với các nước thành viên và những người hưởng lợi.
Trong tương lai gần, Trung Quốc có thể sử dụng AIIB để hỗ trợ tài trợ cho dự án "Con đường Tơ lụa mới", cả đường bộ và đường biển kết nối Đông Á với châu Âu. Dự án này chủ yếu phục vụ các lợi ích của Trung Quốc trong việc mở rộng ảnh hưởng quốc tế, giúp giảm khoảng cách phát triển giữa miền Đông và miền Tây nước này.
Với AIIB và Ngân hàng Phát triển Mới, do nhóm BRICS (gồm Trung Quốc, Brazil, Nga, Ấn Độ, Nam Phi) khởi xướng, sẽ có thể trở thành công cụ để Trung Quốc chứng tỏ sự trỗi dậy của mình và thách thức trật tự kinh tế toàn cầu vốn tồn tại suốt 70 năm qua.
- Bảo Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét