(LĐ) - Số 265 LÊ THANH PHONG
Một vấn đề đang rộ lên trên các báo tuần qua là xuất khẩu giáo sư, tiến sĩ. Việt Nam có khoảng 9.000 giáo sư và 24.300 tiến sĩ, nhiều nhất Đông Nam Á. Dư thừa giáo sư, tiến sĩ nhiều, cho nên tìm cách xuất khẩu cho đỡ phí.
- Thanh Hóa: “Nóng” với nạn “chạy điểm”, trốn bằng cấp
- Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Tuyển người không nên coi trọng, phân biệt bằng cấp
- Ảo tưởng bằng cấp của giới trẻ
Nói nghe cũng có lý. Việt Nam xuất khẩu được nông dân giỏi sang một số nước để làm “chuyên gia” hướng dẫn trồng các cây nông nghiệp. Vậy thì, xuất khẩu tiến sĩ, giáo sư là chuyện không có gì phải bàn. Nông dân còn xuất khẩu được, tiến sĩ chẳng lẽ không?
Nhưng vấn đề là ở chỗ, ai nhập giáo sư, tiến sĩ Việt Nam? Mỹ ư! Xin thưa, có. Nhưng muốn Mỹ nhập khẩu thì giáo sư phải cỡ như Ngô Bảo Châu và Đàm Thanh Sơn, Lê Tự Quốc Thắng. Mà giáo sư cỡ này thì Việt Nam đếm đầu ngón tay. Nói đúng hơn, không phải các giáo sư này do Việt Nam đào tạo, mà chính họ đào tạo rồi giữ lại dùng. Chúng ta cứ tự nói với thiên hạ rằng, Việt Nam xuất khẩu các giáo sư đó cho nó oai.
Cũng có một số giáo sư, tiến sĩ giỏi, nhưng họ đều có công việc tốt ở các đơn vị trong nước. Họ không phải “diện” dư thừa. Người giỏi thì tất sẽ có nhiều lời mời, nhiều kế hoạch, dự định, làm không hết việc. Việt Nam có nhiều doanh nghiệp, đơn vị cần người giỏi, trọng người tài, thậm chí có những doanh nghiệp phải bỏ nhiều tiền để thuê chuyên gia nước ngoài. Nếu có người Việt Nam tài giỏi thật, việc gì họ không mời. Đã giỏi thì không thể thất nghiệp. Tất nhiên, vẫn có những trường hợp tài thật nhưng không may mắn.
Số người dư thừa phần lớn là người không có thực tài. Những người này xuất đi đâu, làm chuyên gia thì không đặng, làm công nhân cũng không xong. Tiến sĩ của Việt Nam rất đông, nhưng chủ yếu làm quản lý, xoay cái bằng cho nó oách, chẳng nghiên cứu, cũng chẳng đọc sách, ngoại ngữ kém, đi ra nước ngoài không có người dẫn dắt thì lạc đường. Những tiến sĩ này cho không chẳng ai dám nhận.
Cho nên, cứ nói xuất khẩu giáo sư, tiến sĩ cho vui. Người có thực lực đã tự tìm cho mình con đường mà chẳng cần ai phải kêu gọi, chẳng cần tham gia phong trào “xuất khẩu”. Còn người bất tài, trong nước còn không ai muốn nhận - trừ những cơ quan với những công việc không cần chất xám - thì có xuất cũng không ai dám thuê, hoặc nhỡ có ai đó lỡ thuê thì chính họ cũng không dám đi. Ở trong nước còn nói xạo được, ra nước ngoài lộ ngay.
Việt Nam thừa hàng đống bằng cấp, nhưng thiếu giáo sư, tiến sĩ (thực) một cách trầm trọng. Giáo sư, tiến sĩ đáp ứng nhu cầu trong nước chưa đủ. Có đâu mà xuất khẩu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét