Trang

11 tháng 11, 2014

“Nợ xấu cũng là nguồn dự trữ tốt cho tương lai”?

(NLĐO) - Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại, nợ xấu chủ yếu là bất động sản nên "chỉ có thơm lên thôi chứ không thối được. Nợ xấu cũng là nguồn dự trữ tốt cho tương lai".
Tại phiên họp thường kỳ tháng 10, Chính phủ đã thảo luận, thống nhất chỉ đạo tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu các tổ chức tín dụng theo đề án được duyệt.
Nợ xấu giảm còn 5,43%
Theo thông cáo về phiên họp Chính phủ, đến tháng 10-2014 đã xử lý được 54,3% tổng số nợ xấu được xác định tại thời điểm tháng 9-2012. Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã mua gần 95.000  tỉ đồng nợ xấu và đang từng bước xử lý theo quy định; trong đó đã bán, thu hồi được gần 4.000 tỉ đồng nợ xấu và có lãi. Tỷ lệ nợ xấu hiện nay theo báo cáo của các tổ chức tín dụng vào khoảng 3,8% và có xu hướng giảm (tháng 6 là 4,17%; tháng 7 là 4,11%; tháng 8 là 3,9%). Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu đến nay giảm còn 5,43% so với mức 17% vào năm 2012 (tỷ lệ nợ xấu do NHNN đánh giá cao hơn là do thực hiện phân loại nợ theo thông tin giám sát).
Văn phòng Chính phủ cũng đưa ra báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho thấy từ đầu năm 2014 đến nay, nợ xấu đang có xu hướng tăng, cụ thể sau khi giảm rất mạnh từ 4,55% tháng 11-2013 xuống còn 3,61% tháng 12-2013, nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã liên tiếp tăng: Tháng 1-2014, nợ xấu tăng trở lại, lên mức 3,74%, các tháng tiếp theo liên tục tăng và đến tháng 6-2014 lên tới 4,17% (nếu tính cả nợ đã cơ cấu là 8,2%), dấu hiệu tích cực đó là đến tháng 7 nợ xấu giảm nhẹ còn 4,11%.
Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), ông Nguyễn Đức Hưởng, bộc bạch nợ xấu của LienVietPostBank hiện đang ở mức dưới 3%, khoảng 1.200 tỉ đồng. Còn Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) Phạm Quang Dũng cho biết nợ xấu của ngân hàng này là 8.100 tỉ đồng (dưới mức 3%) và hiện đã bán VAMC 2.600 tỉ đồng, trái phiếu nhận về khoảng 1.000 tỉ đồng.
Có tin được con số nợ xấu?
Về nhiều ý kiến hoài nghi con số nợ xấu không đầy đủ vì được các ngân hàng thương mại(NHTM) che giấu, ông Nguyễn Đức Hưởng và ông Phạm Quang Dũng cùng bày tỏ sự phản đối và nói “NHTM đều được các công ty kiểm toán độc lập hàng đầu thế giới kiểm toán hàng năm, tiến hành trong từ 3-6 tháng và theo quy định chỉ được kiểm toán tối đa 3 năm liên tiếp để tránh sự “móc ngoặc” làm đẹp con số. “Tôi nghĩ không có NH nào ở Việt Nam mà chưa từng kiểm toán, còn nếu không tin kiểm toán nữa thì không có cơ sở nào để mà tin” - ông Hưởng đặt vấn đề.
Còn ông Phạm Quang Dũng cho hay VCB thuê Công ty kiểm toán Ernst & Young, 1 trong 4 công ty kiểm toán uy tín hàng đầu thế giới. “Có thể hoài nghi báo cáo của ngân hàng nhưng không thể hoài nghi đánh giá của các công ty kiểm toán uy tín trên thế giới, họ không dễ bán mình” - ông Dũng nhìn nhận.
Về con số nợ xấu của tự thân các NHTM thường thấp hơn so với báo cáo của NHNN, ông Hưởng và ông Dũng cùng thống nhất con số NHNN đưa ra là chính xác. Ông Dũng lý giải hiện các NHTM ở Việt Nam đều phân loại nợ, trích lập dự phòng theo quy định của NHNN. “Nợ xấu phải được hiểu là mỗi NH hiểu một cách, như có khoản VCB xem là xấu nhưng NH khác lại cho là chưa hoặc thậm chí là nợ tốt. Nhưng con số mà NHNN đưa ra phản ánh đúng thực tế vì có kênh giám sát riêng”. Theo ông Dũng, phải chờ khi Thông tư 02 có hiệu lực từ 1-1-2015 thì con số về nợ xấu giữa NHNN và các NHTM sẽ tiệm cận hơn do những quy định chặt chẽ.
Chủ yếu nợ xấu là bất động sản
Ông Nguyễn Đức Hưởng phân tích cách thức xử lý nợ xấu mà NHNN đang áp dụng hiện nay là “lập ra VAMC để gom nợ xấu vào một cái kho để nhốt nợ xấu vào đó”. Làm rõ thêm, ông Hưởng cho rằng nếu để nợ xấu ở các NHTM thì phải tiến hành ngay đấu giá, hoá giá để thu hồi vốn kinh doanh. “Có điều tài sản nợ xấu trước 10 đồng bây giờ chỉ có thể thu 3-4 đồng và cũng khó bán trong tình hình hiện nay. Còn nếu để 5 năm sau giá nó sẽ khác, vì chủ yếu nợ xấu là bất động sản nên chỉ có thơm lên thôi chứ không thối được. Phần lớn nợ xấu là bất động sản nên VAMC mới mua. Tất nhiên, nếu thị trưởng bất động sản chưa hồi phục thì cũng phải xử lý dần và nếu vẫn còn nguồn thì phải giữ “ủ” chờ thời cơ. Nợ xấu cũng là nguồn dự trữ tốt cho tương lai” - ông Hưởng chia sẻ.
Ông Phạm Quang Dũng cho rằng hiện VAMC mới dừng ở mức mua nợ và giữ tài sản là chính vì đầu ra còn chờ cơ chế. “Nếu có cơ chế tôi nghĩ VAMC xử lý tốt hơn nhiều các NHTM khác vì có nghiệp vụ” - ông Dũng kỳ vọng. Tuy nhiên, ông Dũng cũng khẳng định “Việc bán cho VAMC là một biện pháp thôi chứ không phải biện pháp chính. VAMC và VCB có một thỏa thuận, VCB bán nhưng VAMC ủy quyền lại cho VCB trong việc thu hồi nợ, có nghĩa trách nhiệm tận thu xử lý nợ vẫn ở phía VCB. Chỉ có làm như vậy thì NH mới có trách nhiệm với các khoản nợ, đẩy nhanh được việc thu nợ. Muốn làm nhanh thì ngân hàng nên tự lực cánh sinh”.
Năm 2015, phấn đấu xử lý xong nợ xấu hiện có
Thông cáo của Văn phòng Chính phủ khẳng định: “Phấn đấu đến cuối năm 2015 cơ bản xử lý được số nợ xấu hiện có, đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn khoảng 3%. Kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng, tạo nền tảng phát triển an toàn, bền vững hệ thống các tổ chức tín dụng đến năm 2020”.
Thế Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét