Trang

11 tháng 11, 2014

Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục không viết sách giáo khoa

Cho rằng phải thẩm định lại sách giáo khoa hiện hành, kế thừa những điểm tốt, đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ GD&ĐT chỉ đưa ra khung chương trình, giao việc viết sách giao khoa cho các tổ chức rồi tiến hành thẩm định.
Trong phiên thảo luận tổ chiều 11/11, đại biểu Quốc hội cho ý kiến về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Đồng tình với việc cần thiết phải đổi mới, nhưng đa số đại biểu đều khẳng định "đổi mới như thế nào mới là quan trọng".
Cho biết đã nghiên cứu rất kỹ tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hoá Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận xét, đề án vẫn còn thiếu nhiều vấn đề quan trọng, trong đó mục tiêu giáo dục từng cấp học chưa được nhắc tới.
"Đề án nói nhiều nội dung nhưng cái quan trọng nhất là dạy cái gì thì chưa thấy nói. Ở nước ngoài, tiểu học là chơi nhiều hơn học, THCS thời lượng chơi bằng với học, THPT học nhiều hơn chơi, lên ĐH chủ yếu là học. Họ thiết kế nội dung theo triết lý đó. Còn đề án của Chính phủ chưa thấy được điều này", bà Quyết Tâm nói và cho rằng Bộ Giáo dục cần làm rõ thì đại biểu mới có cơ sở để nhấn nút thông qua.
Bày tỏ bức xúc vì học sinh tiểu học hiện phải học quá nhiều, không còn thời gian vui chơi, tập thể thao, đại biểu Bùi Thị An nói: "Đó không phải là mục tiêu giáo dục hiện nay của chúng ta. Giáo dục phải giúp các em khỏe mạnh, tự tin bước vào cuộc sống. Chúng ta đang bắt trẻ em học quá nhiều, thầy dạy thêm, trò học thêm. Tôi xem sách giáo khoa hiện nay thấy có thể lược bỏ được ½ chương trình bậc tiểu học và THCS. Đối với học sinh nhỏ tuổi nên để nhiều thời gian cho các cháu vui chơi".
[Caption]
Đại biểu Bùi Thị An. Ảnh: Phạm Thịnh.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan thẳng thắn nhận định, dự thảo nghị quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa bị vướng vào lối mòn ưu điểm nhiều hơn khuyết điểm. Nhìn vào phương án thực hiện, nữ đại biểu không thấy có tính kế thừa, mà là xoá đi làm mới. "Sách giáo khoa thời kỳ chúng tôi ổn định hơn rất nhiều, mấy bạn chung nhau một bộ sách nhưng kiến thức cũng không quá khiếm khuyết. Tôi đồng tình đổi mới, nhưng đổi mới như thế nào, kế thừa phần nào, cần xác định rõ để tránh tốn kém", bà Lan nói.
Về việc viết sách giáo khoa, đại biểu cho rằng Bộ Giáo dục không nên đứng ra làm vì thực chất Bộ cũng phải nhờ chuyên gia. Thay vào đó, Bộ chỉ nên xây dựng chương trình khung rồi tổ chức thẩm định sách của các tổ chức một cách công bằng, khoa học. "Chỉ cần khoảng 5 bộ sách giáo khoa và có những quy định để các trường lựa chọn, tránh tình trạng NXB đưa hoa hồng, ăn chia với nhà trường để lựa chọn sách. Lúc đó không những không tận dụng được cơ chế thị trường mà còn biến thành thương mại hoá giáo dục", đại biểu Lan khuyến cáo.
Đại biểu Huỳnh Minh Thiện cũng không đồng tình việc Bộ Giáo dục biên soạn sách giáo khoa cùng các tổ chức khác. Ông Thiện cho rằng, Bộ là cơ quan quản lý nhà nước, vì vậy chỉ nên tập trung làm tốt việc này, đề ra các chiến lược phát triển giáo dục, ban hành văn bản pháp luật, kiểm tra, định hướng.
"Bộ quản lý và tham gia soạn sách là vừa đá bóng vừa thổi còi, không còn tổ chức nào hăng hái tham gia vì sẽ không có chuyện Bộ đánh giá bộ sách của mình yếu kém. Mặt khác, Bộ soạn ra thì Sở, Phòng Giáo dục phải dùng, nếu không sẽ hạ uy tín của Bộ. Như vậy, tính khách quan không còn, và đổi mới gãy đổ ngay từ đầu", ông Thiện nhận định.
Phát biểu trong phiên thảo luận tổ, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, tài liệu gửi đến đại biểu Quốc hội chỉ nêu những nội dung lớn về mục tiêu, nội dung, nguyên tắc, quan điểm để Quốc hội cho chủ trương. Khi Quốc hội đồng ý, Chính phủ sẽ tính toán chi tiết tất cả vấn đề đại biểu nêu.
Về số lượng bộ sách giáo khoa, ông Luận cho biết, Bộ dự kiến có khoảng 4 bộ và dự toán kinh phí cũng tính kinh phí thẩm định cho 4 bộ. Việc viết sẽ không như ngày xưa mà theo cách tiếp cận mới, không còn là truyền đạt kiến thức một chiều mà tiếp cận cách làm của thế giới, chú trọng khơi gợi năng lực, phẩm chất sáng tạo của người học.
"Từ trước đến nay Bộ Giáo dục chưa bao giờ trực tiếp viết sách giáo khoa mà chỉ tổ chức tập hợp các nhà khoa học, nhà giáo, nhà văn hóa, giáo viên… viết sách. Việc thẩm định cũng vậy, tuy nói là Bộ thẩm định nhưng là Hội đồng độc lập bao gồm các nhà khoa học, nhà văn hóa, giáo viên uy tín… Các bộ sách do tổ chức khác viết cũng được thẩm định công bằng ở hội đồng này. Nếu đạt chuẩn lưu hành thì Bộ sẽ có văn bản công nhận bộ sách đó hợp pháp, được phép lưu hành. Như vậy không có chuyện Bộ vừa đá bóng vừa thổi cỏi", Bộ trưởng khẳng định.
Về bản quyền sách, Bộ trưởng cho biết nó sẽ thuộc tác giả. Nếu tác giả bán cho NXB nào thì NXB trả tiền, Nhà nước có thể miễn thuế. Các chính sách mà Bộ Giáo dục đưa ra đều có tham vấn, lấy kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân.
Hoàng Thuỳ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét