(Tin tức thời sự) - Bộ nào cũng có thể tiết kiệm cho ngân sách, tuy nhiên không phải ai cũng muốn làm có thể do yếu tố lợi ích.
Từ câu chuyện Bộ GTVT chỉ "phẩy tay" rà soát qua 78 dự án đã tiết kiệm được cho ngân sách 35 ngàn tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là nếu bộ nào cũng rà soát như Bộ GTVT thì số tiền tiết kiệm được cho ngân sách sẽ là bao nhiêu?.
Ngoài ra, quy trình thiết kế, lập dự toán để lãng phí thì trách nhiệm của người lập dự toán phải được xem xét như thế nào...
Thất thoát chủ yếu ở chủ trương đầu tư
ĐBQH Nguyễn Hữu Đức (đoàn Đồng Tháp) nêu lên một thực tế: "Quy trình lập dự toán luôn có nguy cơ tạo dư địa để lãng phí".
Ông Đức phân tích, theo quy định trước đây quy trình lập dự toán sẽ là địa phương, bộ ngành xây dựng chủ trương và chính phủ quyết ngân sách. Quy trình như vậy nên mới có chuyện mệnh ai người đó chạy, ai chạy được là chạy, xin được thì xin. Xin dự án càng to, càng được nhiều tiền dẫn tới câu chuyện có những dự án quy mô hoành tráng, xây xong không sử dụng hết gây thất thoát, lãng phí.
Trong hai lần giám sát của UBKT của Quốc hội đều cho thấy rõ bất cập này. Báo cáo của UBKT cũng chỉ rõ thất thoát, lãng phí được phát hiện chủ yếu nằm ngay từ khâu xin chủ trương đầu tư, đó là nguyên nhân phát sinh những hội chứng như xây dựng cảng biển, khu công nghiệp vào những năm 1996-1997. Hệ lụy của nó là nợ đọng địa phương tăng cao. Vấn đề này cũng đã được Quốc hội phải hai lần đưa ra nghị quyết.
Hành động rà soát lại các dự án của Bộ trưởng Bộ GTVT trong bối cảnh thắt lưng buộc bụng như hiện nay là cần thiết, tuy nhiên đó chỉ cách khắc phục những bất cập, thiếu chặt chẽ trước đây.
Với các dự án của ngành giao thông thường là những dự án lớn do đó, khi rà soát, cắt giảm phải phân định rõ là do giảm thiết kế hay do những sai phạm khác. Có thể trước đây xin chủ trương là tính tới yếu tố phù hợp với phát triển của địa phương về lâu dài, nhưng hiện nay trong bối cảnh phải tiết giảm chi tiêu việc điều chỉnh cũng là hợp lý.
Ví dụ, một con đường chạy với tốc độ 120km/h, nay điều chỉnh còn 100km/h, như vậy nguyên vật liệu cũng sẽ được điều chỉnh giảm theo.
Ông Đức cũng cho biết, ngoài rà soát quy mô, điều chỉnh thiết kế, báo cáo thẩm tra của UBKT cũng có đề cập tới một số sai phạm liên quan tới kỹ thuật, quản lý. Cụ thể không được vị đại biểu này tiết lộ, song ông cho biết hàng năm kiểm toán, thanh tra nhà nước cũng đã thực hiện thanh tra từng dự án, nhiều vi phạm đã được quy rõ trách nhiệm cụ thể.
Thực tế, ngay từ khâu xin chủ trương, xây dựng dự toán, quyết định vốn của một dự án đều phải được thông qua người đứng đầu các bộ ngành, địa phương nhưng chỉ đến khi rà soát lại mới phát hiện chủ trương gây lãng phí, thất thoát. Như vậy chẳng khác nào phê duyệt dự án để lãng phí rồi lại đi rà soát để tiết kiệm! Vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hữu Đức cho rằng: "Có làm cũng còn tốt hơn không".
Theo đó, vị đại biểu này đề nghị các bộ ngành, địa phương nên có phong trào rà soát lại toàn bộ các dự án nhưng phải làm rất khoa học nếu không việc cắt giảm sẽ trở thành duy ý chí dẫn tới hệ lụy khôn lường.
Siêu dự án ngàn tỉ bị cho là lãng phí |
Thứ nhất, nó có nguy cơ gây mất an toàn, không đảm bảo về chất lượng. Thứ hai, là cắt giảm như vậy có đảm bảo không còn tình trạng đội vốn?
Ông Đức cho rằng, không nên cứ chạy theo thành tích để ghi dấu ấn mà phải có sự cân nhắc tổng thể, xem xét thận trọng.
Khó làm vì lợi ích nhóm
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng vấn đề này đã động chạm trực tiếp tới căn bệnh nan y trong đầu tư công hiện nay.
Ông Nghĩa phân tích, quy định về đầu tư công hiện đang thể hiện sự thiếu chặt chẽ ngay từ các khâu lập dự án, xây dựng dự toán, thẩm định, thiết kế cho tới quá trình thi công... Vấn đề này có nhiều nguyên nhân:
Thứ nhất, do luật pháp chưa hoàn thiện dẫn tới quy định chi tiết cũng còn nhiều bất cập, kẽ hở trong khi nhu cầu, vốn đầu tư công lại tăng lên rất nhanh.
Thứ hai, là do tập quán, thói quen nể nang, tâm lý tài sản công thì không cần tiết kiệm. Vấn đề này liên quan trực tiếp tới vấn đề lợi ích mà ở đây chính là lợi ích cá nhân nên mới có chuyện "xin càng nhiều càng tốt".
Thứ ba, là nạn tham nhũng đầu tư công. Ví dụ một tập đoàn kinh tế tư nhân khi xây dựng dự án họ sẽ phải có tính toán, tiết kiệm rất chặt chẽ. Tuy nhiên, với những dự án đầu tư công thì ngay từ khâu duyệt chủ trương, xin dự án đã không chặt chẽ, qua loa. Nhiều dự án chưa định hình đã xin chủ trương hay tình trạng chỉ nghe báo cáo đã duyệt dự án. Tức là ngay khâu xin chủ trương đã có tham nhũng, tiêu cực.
Tới khâu tiền khả thi, đo dạc, thẩm định cũng lại có tình trạng thiếu chặt chẽ, nể nang, xin cho dẫn tới khâu phê duyệt dự án, xin cấp vỗn cũng được xem xét phiên phiến để được duyệt.
Từ những yếu tố đó, nên mới có câu chuyện nhiều dự án đang thi công giữa chừng thì thiếu vốn, bỏ không được, xin là cho. Một dự án nhiều người đã nói bị đội vốn gần 200 lần là vì thế.
Như vậy, rõ ràng ở đây phải nhìn nhận trách nhiệm ngay từ khâu phê duyệt chủ trương, xây dựng dự án tới khâu thiết kế, thẩm định, cấp vốn... nếu chặt chẽ ngay từ khâu đầu sẽ không xảy ra tình trạng lãng phí trong đầu tư công khủng khiếp như hiện nay. Tức là sự yếu kém này là do nhân tố con người, do người lãnh đạo không có năng lực, trình độ quản lý kém.
Riêng với câu chuyện tiết kiệm của Bộ GTVT, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh ông không có báo cáo cụ thể về dự án, số tiền Bộ GTVT đã tiết kiệm được nên ông không khen hay chê. Ông Nghĩa đặc biệt nhấn mạnh, "tôi không ca ngợi bộ GTVT" vì ông cho rằng đó là trách nhiệm phải làm của người tư lệnh ngành.
Nhưng đứng trên phương diện tích cực, nếu thông tin đó là chính xác ông cho rằng Quốc hội cần phải hoan nghênh, biểu dương tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ GTVT.
Điều đáng nói tình trạng đầu tư công lãng phí không chỉ xảy ra với riêng Bộ GTVT mà nó đang xảy ra ở hầu hết các dự án của các bộ ngành, địa phương. Các dự án giao thông thường có vốn lớn nên rà soát sẽ tiết kiệm được số tiền lớn hơn nhưng trong bối cảnh nợ công của VN đang tăng, chúng ta phải đi vay về để đầu tư và trả nợ nếu bộ nào cũng học tập tinh thần của Bộ GTVT, cũng rà soát lại chắc chắn sẽ tiết kiệm được cho ngân sách rất nhiều.
Song điều đại biểu này băn khoăn là rà soát, tiết kiệm rồi còn trách nhiệm sẽ xử lý ra sao?
"Rà soát, tiết kiệm được rồi thì cũng cần phải đặt thẳng vấn đề xử lý trách nhiệm đối với người lập dự toán để gây lãng phí như vậy, trong đó, có cả trách nhiệm thiếu sâu sát của người đứng đầu. Không nên rà soát rồi cho qua", đại biểu Nghĩa kiến nghị.
- Lam Lam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét