Đăng Bởi -
Hai cha con ông Trần Quốc Hải (nông dân chế tạo máy bay ở Tân Châu, Tây Ninh) bên chiếc xe bọc thép mới chế tạo
>>Hai nông dân Việt được Campuchia trao huân chương Đại tướng quân
Làm được thì có tiền, không làm được bỏ tiền túi ra đền. Ông nông dân gan góc dám làm. Xe bọc thép vận hành thành công, ông thành...Đại tướng quân hai lúa.
Ông Trần Quốc Hải không phải người xa lạ. Ông chính là “Hai Lúa” Tây Ninh từng nổi đình, nổi đám trên khắp cả nước khi tự chế trực thăng từ năm 2006.
Tuy nhiên, trước đó ông cũng đã nổi tiếng với một loạt phát minh máy móc. Là một nông dân rặt nhưng số sáng chế của ông Hải nhiều đến mức khó thống kê hết.
Đánh cược với xe bọc thép
Có thể kể những phát minh của ông Hải như chế tạo như rơ moóc tự hành (có cả láp, thắng hơi, ben), giàn cày cải tiến (tăng công suất cao gần gấp đôi so với giàn cày cũ nhưng tiết kiệm được 1/3 nhiên liệu); máy bơm xác mì từ hầm chứa lên xe tải, máy thổi lá cao su, máy bón phân tự động, máy thu hoạch mủ cao su... và gần đây nhất là máy trồng mì (sắn) tự động.
Danh tiếng của ông Hải vang danh. Sản phẩm máy móc của ông được nước bạn đặt hàng. Ông Hải xuất ngoại nhiều lần để chuyển giao công nghệ.
Trong một lần chuyển giao kỹ thuật máy trồng mì tại Lữ đoàn 70, ông phát hiện rất nhiều xe bọc thép xếp xó, không sử dụng được. “Mình nói cho mình thời gian nghiên cứu, bảo đảm sửa chữa được. Nhiều người trố mắt nhìn mình”-ông Hải kể.
Tất cả mọi người đều không tin vì dù ông có tiếng phát minh máy móc nông nghiệp nhưng chắc chắn không biết gì về một loại xe quân sự vô cùng phức tạp. Mặt khác, họ cho biết trước ông từng có rất nhiều chuyên gia, kỹ sư của Nga, Ukraina, Việt Nam đã đến sửa chữa. Xe sửa xong vận hành tốt nhưng chuyên gia quay lưng đi thì lập tức hỏng, lại phải đẩy bằng tay vào xếp xó.
“Tui nghe tức quá. Quyết tâm làm cho bằng được. Vì họ ngờ vực nên tui quyết bỏ tiền túi ra làm cho họ thấy”-ông Hải hào hứng kể.
Chuyện ông nông dân đòi móc tiền túi sửa xe bọc thép gây chấn động, đến tai Tư lệnh Lữ đoàn. Tư lệnh cũng bối rối phải gọi lên Tổng tư lệnh quân đội xin ý kiến chỉ đạo. Cả lữ đoàn hồi hộp chờ. “Mình cũng thót tim chứ. Nhưng lúc đó mình đã tin là sẽ làm được”.
Sửa xong, chế tạo luôn xe bọc thép
Rất nhanh chóng, khẩu lệnh đồng ý truyền xuống. Không chần chừ, sẵn tiền bán máy móc, ông tự bỏ tiền túi tổng cộng 25.000 USD để sửa xe bọc thép BRDM 2 (do Liên Xô cũ sản xuất)...
“Mình may mắn được người ta tạo điều kiện thôi. Tài giỏi mấy mà người ta không lắng nghe, không tin tưởng thì cũng không thể thành công được”- Đại tướng quân hai lúa khiêm tốn nói.
Chỉ trong thời gian ngắn, chiếc xe đã có thể vận hành với 25 lít dầu diesel/100 km so với trước đây là 45 lít. Tác xạ nhanh hơn, hỏa lực mạnh hơn so với trước, vòng xoay súng có thể bắn ở cự ly gần hơn so với 150 m của xe cũ, tháp pháo tự động.
“Thực chất là động cơ quá nặng nên tốn nhiên liệu và khó vận hành. Mình phải cải tiến các chi tiết động cơ cho phù hợp là được”-ông nói.
Chiếc xe bọc thép xếp xó bỗng dưng vận hành ngon trớn. Ông Hải được lữ đoàn 70 giao sửa chữa thêm 10 chiếc xe bọc thép khác. Rất nhanh chóng, với những cải tiến của mình, những chiếc xe tưởng đã thành sắt vụn bỗng hồi sinh, gầm rú trong niềm hân hoan.
Quốc vương Campuchia ngay sau đó cấp giấy chứng nhận cho ông Hải và con trai ông, anh Trần Quốc Thanh, là nhà kỹ thuật sửa chữa xe bọc thép BRDM 2 và BTR60PB.
“Sửa chữa được rồi nhưng chúng tôi vẫn chưa yên tâm. Thực chất loại xe bọc thép này không phù hợp với điều kiện nước bạn. Chúng tôi lập tức nghĩ đến việc chế tạo xe bọc thép hoàn toàn mới”-ông Hải kể tiếp.
Cả một lữ đoàn lại mắt tròn mắt dẹt, nghi ngờ ông nói liều. Ông cười xòa kể, vẫn dùng “chiêu” cũ để thuyết phục: Ông tự bỏ tiền chế tạo. Thành công thì phía bạn phải trả cả công lẫn vốn, thất bại ông chịu toàn bộ chi phí.
Lại có cái gật đầu của thượng cấp, cha con ông bắt tay vào làm. Ông cho biết, khác biệt lớn nhất của xe bọc thép BRDM 2 cũ là chỉ phù hợp với môi trường bằng phẳng, khó vận hành ở địa hình dốc, núi đèo. Đó là chìa khóa giải quyết vấn đề.
Ròng rã 4 tháng trời tự tìm kiếm cũng như mua sắm trang bị cho chiếc xe mới. Ba tháng nghiên cứu và một tháng chế tạo, cha con ông đã hoàn thành chiếc xe bọc thép với tính năng mới hoàn toàn.
Chiếc xe bọc thép “Made by ông Hải” mới với vòng quay tay súng có thể bắn ở khoảng cách 7m (so với xe cũ là 150m), tháp pháo tự động và hỗ trợ quay tay, trang bị thêm hỏa lực hai bên xe...vận hành trơn tru trong sự ngưỡng mộ của toàn lữ đoàn.
Xe bọc thép mới do cha con ông Hải chế tạo - Ảnh:TTO
Thông tin ngày càng lan rộng và trở thành một sự kiện được chú ý. Không chỉ lấy được cả vốn lẫn lãi từ “phi vụ” liều đầu tư chế tạo. Cha con ông Hải còn được trao tặng Huân chương đầy tự hào.
“Mình may mắn được người ta tạo điều kiện thôi. Tài giỏi mấy mà người ta không lắng nghe, không tin tưởng thì cũng không thể thành công được”- Đại tướng quân hai lúa khiêm tốn nói.
Kiến Giang
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét