TT - Trong năm qua chỉ có năm người thuộc diện kê khai phải xác minh và chỉ có một người bị xử lý kỷ luật do kê khai không trung thực. Vì sao?
Ông Phí Ngọc Tuyển - Ảnh: Minh Quang |
VN hiện đứng thứ nhì thế giới về số lượng bản kê khai tài sản với gần 1 triệu người kê khai, nhưng trong năm qua chỉ có năm người thuộc diện kê khai phải xác minh và chỉ có một người bị xử lý kỷ luật do kê khai không trung thực. Vì sao?
Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Phí Ngọc Tuyển, cục phó Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ.
Tôi đã đề xuất hai bước. Một là thu hẹp diện cán bộ, công chức, viên chức phải kê khai tài sản. Hai là tất cả các bản kê khai phải được xác minh, cứ sau khi anh nộp bản kê khai cho tổ chức thì sẽ có đơn vị làm nhiệm vụ xác minh bản kê khai đó |
Ông Phí Ngọc Tuyển |
Nên xác minh kê khai
* Vì sao số lượng kê khai nhiều mà số người được xác minh lại ít như vậy, thưa ông?
- Hiện nay, Thanh tra Chính phủ không có thẩm quyền ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập cá nhân. Việc ra quyết định xác minh thuộc thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người được xác minh.
Ví dụ như vừa qua có dư luận về tài sản của nguyên tổng thanh tra Trần Văn Truyền, cán bộ thuộc diện trung ương quản lý, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xác minh và trực tiếp đi xác minh là Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.
Đối với các cán bộ, công chức, viên chức bình thường thì thủ trưởng trực tiếp phụ trách là người có quyền ra quyết định xác minh. Với quy định như vậy, việc xác minh nhiều hay ít phụ thuộc vào người đứng đầu các cấp, ở đây vai trò của người đứng đầu rất quan trọng.
Dư luận có thể chưa hài lòng với quy định đó. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, nếu thật sự quy định như vậy ít hiệu lực sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm sửa đổi.
* Ông nói Thanh tra Chính phủ không trực tiếp làm, nhưng trong vụ tiêu cực ở Công ty Xổ số kiến thiết Hậu Giang, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và làm rõ việc ông Cao Thanh Tùng (nguyên giám đốc công ty) kê khai không trung thực tài sản thu nhập cá nhân?
- Việc xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập của ông Cao Thanh Tùng nằm trong quyết định thanh tra của chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Đến khi Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ thẩm tra mới phát hiện vấn đề. Nghĩa là quyết định xác minh tài sản của ông Cao Thanh Tùng không phải bắt nguồn từ Thanh tra Chính phủ.
* Ông Jairo Acuna, chuyên gia của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc tại VN, cho rằng gần 1 triệu bản kê khai tài sản là quá nhiều, nên thu hẹp còn khoảng 1% trong số đó để tập trung kiểm soát. Ông nghĩ sao?
- Đây là vấn đề có ý kiến khác nhau. Tôi còn nhớ năm 2012, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội mời tôi đến góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống tham nhũng.
Trước các đại biểu Quốc hội, tôi đã nói rõ quan điểm cá nhân là nên giảm bớt diện cán bộ, công chức, viên chức phải kê khai tài sản. Với gần 1 triệu người, nếu ước tính mỗi người cần nửa ngày làm việc để hoàn tất bản kê khai của mình, hằng năm có tới nửa triệu ngày công dành cho công việc này.
Tuy nhiên, ý kiến của tôi chỉ là quan điểm cá nhân, cuối cùng các cấp có thẩm quyền vẫn quyết định giữ nguyên số lượng như dự thảo luật.
Hiện tôi vẫn bảo lưu quan điểm của mình. Tôi đã đề xuất hai bước. Một là thu hẹp diện cán bộ, công chức, viên chức phải kê khai tài sản. Hai là tất cả các bản kê khai phải được xác minh, cứ sau khi anh nộp bản kê khai cho tổ chức thì sẽ có đơn vị làm nhiệm vụ xác minh bản kê khai đó.
* Nếu theo đề xuất của ông, sẽ có một đơn vị chuyên trách làm công tác xác minh các bản kê khai tài sản, thu nhập?
- Trong nghiên cứu của chúng tôi có đề xuất thành lập một cơ quan độc lập của trung ương để quản lý tất cả bản kê khai tài sản, thu nhập. Đây là mô hình mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng.
Kê khai cả “những người có liên quan”
* Sao chúng ta không cho công khai việc xác minh các bản kê khai tài sản, thu nhập bằng cách công khai tại nơi cư trú thay vì chỉ công khai tại nơi làm việc?
- Nhiều ý kiến cho rằng đã công khai là phải công khai toàn dân. Nhưng cách hiểu về công khai ở ta có chỗ chưa chính xác. Nhiều nước không làm theo cách công khai toàn bộ bản kê khai chi tiết của quan chức.
Ví dụ Indonesia là nước làm mạnh về minh bạch tài sản, thu nhập, ủy ban chống tham nhũng của họ có 300 người thì 100 người chuyên làm các công việc trong lĩnh vực này.
Người ta chỉ công khai các bản kê khai sau khi đã tiến hành xác minh. Nội dung được công khai là nội dung tổng hợp, chứ không phải công khai bản kê khai chi tiết ban đầu. Như vậy vừa để đảm bảo bí mật cá nhân, vừa bảo vệ an ninh, an toàn tài sản và tính mạng của người kê khai.
* Ngày nay quan chức nào đó có tài sản bất chính dễ dàng chuyển cho người thân, người quen đứng tên, như vậy cho dù có thu hẹp diện kê khai và xác minh tất cả các bản kê khai thì biện pháp này vẫn có thể bị vô hiệu hóa?
- Thu hẹp diện kê khai nhưng phải mở rộng phạm vi và nội dung kê khai. Một số nước quy định quan chức phải kê khai cả những người có liên quan, mà “những người có liên quan” thì rất rộng chứ không chỉ riêng gia đình, vợ con.
Chúng ta không dừng lại ở các quy định hiện nay. Chính vì nhìn thấy vấn đề nên Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện các quy định về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản.
Chưa thống kê theo giá trị tài sản
* Vừa qua Thanh tra Chính phủ đã tổ chức chín đoàn công tác đi kiểm tra việc thực hiện quy định về kê khai tài sản thu nhập trên toàn quốc, qua đó đã phát hiện những vấn đề gì?
- Từ sau khi có nghị định 78 và thông tư 08 về minh bạch tài sản thu nhập vào cuối năm 2013, nhìn chung các bộ ngành và địa phương rất tích cực triển khai.
Ví dụ như Bộ Xây dựng khi Chính phủ ban hành nghị định vào tháng 7 thì họ triển khai luôn, đến tháng 10 có thông tư họ làm lại lần nữa. Tuy nhiên, qua kiểm tra đã phát hiện một số vấn đề sau:
Thứ nhất, phần lớn bộ ngành và địa phương triển khai chậm, quy định chậm nhất 30-12 hằng năm phải kê khai xong, nhưng năm vừa rồi nhìn chung chậm so với mốc thời gian này.
Thứ hai, hầu hết các bản kê khai không đầy đủ thông tin theo yêu cầu. Ở đây không phải là vấn đề trung thực mà là không đủ các tiêu chí.
Ví dụ như người ta chỉ kê khai rằng tôi có một căn nhà, lẽ ra phải kê khai đầy đủ các thông tin như địa chỉ nhà, thời gian có nhà, giá trị nhà, tình trạng pháp lý. Có thể do mọi người quen theo nếp quy định thời kỳ trước năm 2013.
Lần này còn khác với lần trước ở chỗ yêu cầu người kê khai ký vào từng trang và đề rõ ngày nào là ngày kê khai. Tuy nhiên các bản kê khai thường thiếu chữ ký, thiếu ngày tháng.
* Việc công khai bản kê khai có được các bộ ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc không, thưa ông?
- Câu chuyện công khai đã có quy định từ trước năm 2013, nhưng đa số các nơi không thực hiện, đến năm 2013 quy định cụ thể hơn. Lần này các nơi đều thực hiện nhưng chưa đầy đủ, chưa đúng quy định.
Lẽ ra phải lên phương án, kế hoạch rõ ràng, công khai bằng hình thức niêm yết tại trụ sở cơ quan hay công bố tại cuộc họp, rồi đưa lên thủ trưởng phê duyệt. Nhiều nơi không có chương trình gì cả, đến hội nghị cán bộ, viên chức thì có người đứng đọc bản kê khai vậy thôi, cũng không lập biên bản theo quy định.
Hoặc như ở Bộ Giao thông vận tải, làm rất nghiêm túc là niêm yết ở hành lang công sở, không có rào chắn phía trước bản niêm yết mà cử một cán bộ tổ chức trực ở chỗ niêm yết. Người cán bộ này nói rằng anh ấy phải ngồi ở đó suốt ngày.
Theo tôi, tới đây Bộ Giao thông vận tải nên nghiên cứu cách thức khác để vừa công khai, vừa bảo quản được bản niêm yết.
Có nơi sau khi niêm yết rồi gỡ bỏ cũng chẳng lập biên bản, hỏi cán bộ ở đó thì đều nói có thực hiện công khai, nhưng hỏi tiếp tài liệu đâu thì chẳng ai trình ra được tài liệu cho thấy có thực hiện việc công khai.
* Thưa ông, còn ở Thanh tra Chính phủ thực hiện công khai như thế nào?
- Chúng tôi thực hiện đầy đủ theo quy định và niêm yết bản kê khai tại phòng tổng hợp, nơi mọi cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan đều có thể nhìn thấy.
* Qua kiểm tra có phát hiện bản kê khai nào có tài sản lên đến triệu đô hoặc có tài sản ở nước ngoài không, vì thực tế có những người có biệt thự, vườn cao su có giá trị cỡ này?
- Việc thống kê theo giá trị tài sản thì cơ quan quản lý nhà nước chưa đặt ra.
Trong chỉ thị của Bộ Chính trị có yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn. Đây là vấn đề chúng tôi đang nghiên cứu và theo quan điểm cá nhân của tôi thì chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được.
Thành lập các tổ công tác nắm tình hình
Ban Nội chính trung ương vừa ban hành kế hoạch theo dõi việc thực hiện chỉ thị số 33 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản.
Mục đích của kế hoạch nhằm nắm chắc tình hình, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chỉ thị của các tỉnh ủy, thành ủy và các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc trung ương, kịp thời tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chỉ thị.
Ban Nội chính trung ương cũng sẽ thành lập các tổ công tác nắm tình hình triển khai thực hiện chỉ thị đối với các tỉnh ủy, thành ủy và các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc trung ương.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét