(Tình hình Biển Đông - Vấn đề Biển Đông) - “Chúng ta cần nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế trước những vi phạm chủ quyền trên Biển Đông thời gian qua”.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh quân khu IV, nguyên Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X.đã khẳng định điều này với Đất Việt.
Trung Quốc xây đường băng tại Gạc Ma vì mục đích quân sự!
Mới đây Trung Quốc đã công bố hình ảnh về đường băng nước này mới mở rộng trái phép trên đảo Phú Lâm. Theo các hình ảnh vệ tinh cho thấy đường băng cũ ở đảo Phú Lâm được mở rộng từ 2.400m lên khoảng 2.800m thay vì 2.000m như trước đây công bố.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng việc xây dựng đường băng sân bay ở đảo Phú Lâm được coi là biểu tượng cho tư tưởng bá quyền trên Biển Đông của Trung Quốc.
Với sân bay Phú Lâm, Trung Quốc có thể mở rộng khả năng bay tuần tra hầu hết vùng biển mà nước này ngang ngược tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Các chuyên gia quân sự cũng cho rằng, hầu hết các loại máy bay của không quân Trung Quốc đều có thể cất, hạ cánh ở đường băng này.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước phân tích: “Từ Gạc Ma vào TP HCM chỉ 800 km, đường bay từ đảo Gạc Ma, Phú Lâm, Chữ Thập có thể khống chế các khu vực phòng thủ của mình. Việc này cực kỳ nguy hiểm. Sau động thái xây dựng sân bay nhân tạo ở Gạc Ma, Trung Quốc tiếp tục xây dựng sân bay nhân tạo tại đảo Chữ Thập. Đây thực sự sẽ là mối lo ngại của hệ thống phòng thủ quốc phòng của Việt Nam”.
Lý giải lo ngại này, Tướng Thước cho rằng: “Nó sẽ thành một cụm từ Gạc Ma, Phú Lâm, đảo Chữ Thập, từ đây Trung Quốc có thể triển khai các máy bay tân tiến như Su-30, J-11 và J-10 mà không phải tiếp dầu ở trên không”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng – Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cũng khẳng định, hoạt động xây dựng đường băng, đảo của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa đã thể hiện rõ sự xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, là nhằm mục tiêu quân sự, đặt nền móng để nước này thực hiện hóa “Giấc mơ Trung Hoa”.
Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Bãi đá Gạc Ma thực chất là một rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là một rạn đá màu nâu, được bao quanh bởi vành đai san hô trắng. Chỉ có vài hòn đá nổi lên trên mặt biển, còn đa phần đảo Gạc Ma chìm dưới nước.
Bãi đá Gạc Ma này nằm cách đá Cô Lin hơn 3km về phía đông nam và đánh dấu đầu mút phía Tây Nam của cụm Sinh tồn. Năm 1988, Trung Quốc dùng vũ lực để đánh chiếm trái phép Gạc Ma của Việt Nam.
Việc Trung Quốc tuyên bố có ý định cải tạo bãi đá ngầm này để phục vụ đời sống nhân dân là vô lý vì đây là những đảo mới, đang xây dựng thì không thể có các hoạt động dân sự. Theo các ảnh vệ tinh chụp được, cho thấy việc xây dựng trên các bãi đá này rất quy mô bao gồm các hoạt động hút cát, đắp đá và hiện nay cũng đã hình thành một đảo nổi.
“Âm mưu của Trung Quốc đã quá rõ ràng. Mục đích chính vẫn là nhằm mục đích quân sự", ông Rinh nhận định.
Việc xây dựng đảo nhân tạo và đường băng được Trung Quốc công khai thực hiện |
Phải kiện và nhất định thắng
Theo Tướng Thước, Việt Nam cần phải đấu tranh quyết liệt hơn. "Cần phải hoàn thiện hồ sơ sớm để kiện lên tòa án quốc tế ", ông Thước nói.
"Việt Nam phải tính toán kỹ từng bước đi. Nếu chính trị ngoại giao không được thì giải pháp cuối cùng là phải kiện. Nhưng đã kiện là phải thắng. Việt Nam cần huy động các nhà làm luật vào nghiên cứu và hoàn chỉnh hồ sơ kiện, không để việc Trung Quốc chiếm đảo, xây đường băng thành chuyện đã rồi!", Tướng Thước nhấn mạnh.
Ông cũng tin tưởng vào sự thành công nếu Việt Nam kiên quyết làm đến cùng.
Thượng Tướng Nguyễn Văn Rinh cũng cho rằng, các hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng các đảo ở Biển Đông là liều lĩnh, trắng trợn đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển đông (DOC).
"Chúng ta phải nên nhớ rằng, tham vọng của Trung Quốc đã có từ lâu rồi. Trung Quốc cố tình cải tạo các đảo ngầm để từ đó họ thực hiện các yêu sách đường lưỡi bò của mình, dù yêu sách này không nằm trong bất cứ nguyên tắc, luật lệ nào.
Đây là âm mưu, tính toán lâu dài của Trung Quốc, và chắc chắn họ sẽ tìm mọi cách để thực hiện hóa điều này.
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng để chứng minh chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Vì vậy, hiện nay Việt Nam cần kiên trì, liên tục đấu tranh để bảo về quyền lợi của đất nước trong đó không loại trừ việc hoàn thiện hồ sơ để kiện Trung Quốc", Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh nhấn mạnh.
Bích Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét