Nhìn cảnh ông giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh Phạm Văn Phan say rượu hung hăng thách thức, rượt đuổi, cản trở các nhà báo đang tác nghiệp tại bệnh viện mà không “sốc” mới lạ.
Theo Đài truyền hình Việt Nam, có thể việc có mặt của nhóm phóng viên tới đưa tin về tình hình 200 công nhân bị ngộ độc (trưa 15.10) phải đưa vào cấp cứu tại bệnh viện đã vô tình làm cho cuộc nhậu của vị giám đốc này dở dang dẫn tới thái độ trên của ông ta.
Thật không biết dùng ngôn từ nào để bình luận về hành vi của ông giám đốc bệnh viện trên. Nó không chỉ làm xấu đi bộ mặt của ngành y tế vốn đã có nhiều tai tiếng thời gian qua mà còn làm ảnh hưởng tới hình ảnh của giới trí thức mà ông ta cũng là một thành viên góp mặt.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo khẩn Sở Y tế Bắc Ninh đình chỉ công tác đối với ông giám đốc bệnh viện kia và cử một Phó giám đốc Bệnh viện thay thế điều hành, chỉ đạo cấp cứu và điều trị kịp thời bệnh nhân. Phải khen là lần này bộ trưởng Bộ Y tế đã phản ứng khá nhanh và dứt khoát.
Câu chuyện của ông giám đốc Bệnh viện Lương Tài dường như đang nối dài thêm cái sự hỗn loạn, xuống cấp của đạo đức xã hội hiện nay mà giới trí thức không ngoại lệ. Người Việt đã quen với cái tên Chí Phèo mỗi khi nhìn thấy một kẻ say rượu chửi bới, hành hung người khác. Nhưng Chí Phèo những năm đầu thế kỷ 20 của Nam Cao không được học hành, bị xã hội ruồng bỏ, bị lưu manh hóa và không có nhân cách. Vậy mà trong xã hội văn minh hiện đại này, “3 hồn, 7 vía” của Chí Phèo lại được đội trong lốt của những trí thức, quan chức…
Đọc báo Thế giới tiếp thị cách đây mấy ngày, người ta lại được gặp một anh "Chí Phèo” khác. Đó là vị hiệu trưởng của Trường THCS Phong Hiền (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Mỗi thứ hai hằng tuần, dưới cờ, thầy hiệu trưởng lại bêu tên các em học sinh chưa đóng tiền ngoại tuyến do trường tự đặt ra. Danh sách đóng các loại phí của thầy dội xuống đám học sinh nghèo dài có tới hàng chục khoản, nào tiền làm bồn hoa, cây cảnh, ghế chào cờ, quỹ khuyến học, quỹ bồi dưỡng học sinh giỏi, quỹ phụ huynh, quỹ giữ xe đạp…
Nhiều em hoàn cảnh khó khăn không có tiền nộp đã bị thầy dọa cho nghỉ học. Bị nêu tên trước toàn trường nhiều lần, nhiều em không chịu nổi đã đòi gia đình cho nghỉ học, nhiều em sa sút về sức khỏe và tinh thần, sức học từ giỏi tụt xuống trung bình, kém. Có bà mẹ một nách 6 đứa con đang học đến xin thầy cho con nhỏ được mặc lại quần áo thể dục của con lớn vì không có tiền đóng cho nhà trường thì thầy bảo: Chị có con tôi cũng có con, ai bảo đẻ chi cho nhiều…
Vậy mà khi bị lãnh đạo phòng giáo dục huyện triệu tập khiển trách thì thầy lại bao biện: “Chúng tôi không bắt buộc học sinh đóng, đây là vận động. Do UBND xã Quảng Phú đề nghị hỗ trợ. Tất cả họ làm với nhau. Nhưng chừ làm sai thì trả lại tiền thôi”.
Cái cách nghĩ và hành xử của thầy mới đơn giản và vô cảm làm sao. Dường như thầy coi cái trường thầy đang quản như một cái chợ có bán và mua. Thầy đã giẫm đạp lên đạo lý người thầy, chưa nói đến trọng trách thầy đã nhận trước Đảng, trước dân về việc ươm trồng những măng non đất nước. Thầy cũng đã giết chết những gì đẹp đẽ nhất trong con mắt trẻ thơ về thế giới này, xã hội này khi buộc các em phải thấm thía rằng: đồng tiền quản được mọi thứ.
Hai nhân vật ấy cùng là thầy, một thầy thuốc, một thầy giáo, những danh xưng đến từ những nghề cao quý trong xã hội, bởi một bên cứu người, một bên trồng người. Thật đáng tiếc, họ đã làm vẩn đục hình ảnh của chính mình, hơn thế, của nghề nghiệp mình cũng như ảnh hưởng xấu đến bao nhiêu người khác.
Chúng ta vẫn kêu gọi mọi người hãy sống đẹp, sống kỷ cương để xây dựng hình ảnh người Việt Nam luôn đẹp trong con mắt bạn bè quốc tế, không chỉ trong đấu tranh chống ngoại xâm mà cả trong hòa bình xây dựng đất nước. Tuy nhiên, khi vẫn còn những kẻ giống như hai “ông thầy” kia thì cuộc sống này không thể đẹp hơn, tốt hơn được.
Lê Ngọc Khanh (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người dân TP.HCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét