Trang

14 tháng 10, 2014

'Chống tham nhũng chưa đạt, dân bức xúc là đúng'

Thừa nhận công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu nên người dân bức xúc, thậm chí gay gắt là đúng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hứa sẽ làm hết sức mình đẩy lùi tham nhũng, lãng phí.
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận 1 và 3 trước kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa 13 của Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, bà Phạm Thị Cát (phường Cầu Kho) bày tỏ bức xúc vì đã có Luật phòng chống tham nhũng nhưng quốc nạn này vẫn cứ xảy ra tràn lan, mức độ ngày càng lớn.
Theo bà Cát, để công tác phòng chống tham nhũng thêm hiệu quả, nhà nước cần có thêm những biện pháp để đảm bảo an toàn cho người tố cáo tham nhũng và có phần thưởng xứng đáng cả về vật chất lẫn tinh thần vì họ đã dám hy sinh bản thân để bảo vệ công bằng cho xã hội. 
Cùng quan tâm vấn đề chống tham nhũng, cử tri Nguyễn Đăng Cường (phường Tân Định) cho rằng chống tham nhũng phải lấy dân làm gốc. "Khẩu hiệu chúng ta là 'Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra' nhưng nhiều cái chúng tôi có được biết đâu. Vì vậy cần phải kê khai minh bạch tài sản các cán bộ lãnh đạo để người dân giám sát", ông Cường đề nghị.
Cùng quan điểm, cử tri Lê Công Cẩn (phường 3) đánh giá những biện pháp của Quốc hội, Chính phủ và của Đảng chưa đủ mạnh để có thế trị được "quốc nạn" tham nhũng. Đồng thời, đề nghị tất cả những bảng kê khai tài sản của các cán bộ phải được đăng tải trên các website của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng như Thanh tra Chính phủ để người dân có điều kiện theo dõi, nắm bắt.
"Một vấn đề nữa là cơ chế bảo vệ người chống tham nhũng hiện nay chưa tốt, nếu không muốn nói là rất yếu nên người dân chưa dám tố cáo, cung cấp thông tin", ông Cẩn nêu ý kiến. Theo ông, điều cần quan tâm là nguồn tin tố cáo là đúng hay sai để kiểm chứng chứ không phải ai là người tố cáo nên không cần quy định người tố cáo phải đăng ký thông tin của mình.
Nói với cử tri quận 1 và 3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết tham nhũng là vấn đề rất bức xúc nên lần nào gặp cử tri cũng đều trao đổi. Các giải pháp cử tri đưa ra rất hay, thực tế các văn kiện cũng có đủ hết rồi, giờ phải dựa vào dân mà giải quyết là kiến nghị hoàn toàn đúng.
Theo Chủ tịch nước, thời gian qua, các ngành, các cấp đều đã làm một cách sòng phẳng, có kết quả nhất định nhưng người dân bức xúc vì cho rằng kết quả đó chưa đạt so với yêu cầu và thực tế cuộc sống là đúng. "Yêu cầu đặt ra là phải 'ngăn chặn và từng bước đẩy lùi', câu đó chưa dám trả lời, thật sự tới giờ là chưa dám trả lời. Là vì nó chưa được ngăn chặn và đẩy lùi từng bước cho nên chưa đạt yêu cầu. Sắp tới, phải tiếp tục, các ngành địa phương cần tiếp tục đẩy lùi tham nhũng, lãng phí", Chủ tịch nước thẳng thắn.
ctn-5644-1413287351.jpg
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc với cử tri quận 1 và quận 3, TP HCM. Ảnh:Hữu Công.
Đề cập đến việc phát triển kinh tế của đất nước, người đứng đầu Nhà nước khẳng định để giải quyết căn cơ vấn đề thì phải tái cấu trúc nền kinh tế một cách kiên trì, bài bản, kết hợp đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Nhưng công việc này không thể hy vọng thực hiện 1-2 năm là xong. Nếu làm vội vã sẽ không tốt nhưng ngược lại nếu chần chừ, do dự thì cũng không được.
"Kinh tế đã phục hồi nhưng tốc độ còn chậm, chưa thỏa mãn mong muốn của bà con. Thời gian qua chúng ta đã có tăng trưởng, có thành quả nhưng chưa hiện ra hình hài cụ thể và cần phải có thời gian. Bởi đây là mục tiêu trung và dài hạn nên không thể nhìn thấy trong một sớm, một chiều", Chủ tịch nước chia sẻ.
cu-tri-6614-1413287351.jpg
Cử tri bức xúc về nạn tham nhũng "vụ trước lớn hơn vụ sau". Ảnh: Hữu Công.
Với các ý kiến phàn nàn về về việc khiếu nại, tiếp dân, Chủ tịch nước cho rằng TP HCM là nơi có truyền thống tiếp dân nề nếp, không né tránh. Nếu tổ dân phố tiếp mà không thỏa mãn thì lên phường, phường không được thì có thể lên quận rồi thành phố, thậm chí các cơ quan trung ương trên địa bàn. Tuy nhiên bà con cần phải kiên nhẫn, bình tĩnh; việc khiếu nại, tố cáo phải giải quyết dựa trên dựa trên cơ sở luật pháp.
"Cô bác cứ giám sát, những vụ việc nào, đồng chí nào làm sai thì cứ phản ánh lên chúng tôi", Chủ tịch nước nói.
Tại kỳ họp lần thứ 8 của Quốc hội Khóa 13 sẽ diễn ra từ ngày 20/10-30/11, các đại biểu sẽ tập trung hoàn thiện chương trình xây dựng pháp luật để thực thi Hiến pháp 2013. Cụ thể, dự kiến sẽ thông qua 13 luật (Tổ chức Quốc hội, Đầu tư, Doanh nghiệp, Bảo hiểm xã hội…), cho ý kiến lần đầu 12 luật, thảo luận và ban hành 3 nghị quyết.
Quốc hội sẽ nghe báo cáo nhiều nội dung của ngành tòa án, kiểm sát; nghe báo cáo dự án metro số 1 ở TP HCM (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) do đội vốn khoảng 30.000 tỷ đồng, cao tốc Hà Nội - Lào Cai, tình hình đầu tư dự án đường Hồ Chí Minh, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; giám sát chuyên đề về tái cấu trúc nền kinh tế (tập trung 3 lĩnh vực: đầu tư công, ngân hàng thương mại, tập đoàn và tổng công ty nhà nước); thảo luận nhiều đề án lớn, có tầm ảnh hưởng rộng và đang có nhiều ý kiến trái chiều như đề án sách giáo khoa, xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành…
Kỳ họp lần này cũng có tổ chức lấy phiếu tín nhiệm với 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.
Hữu Công

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét