(Bình luận quân sự) - “Tiếng nói nước Nga” cho biết, rất có thể Mỹ sẽ chuyển giao công nghệ chế tạo máy bay tuần tiễu chống ngầm giúp Việt Nam đối phó với Trung Quốc.
Hoa Kỳ sẽ dỡ lệnh cấm vận, Việt Nam mua và sản xuất vũ khí Mỹ?
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã từng tuyên bố, nếu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, Hà Nội dự định mua các trang thiết bị quân sự của Washington. Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng lưu ý rằng đây đơn thuần là quan hệ đối tác hai bên cùng có lợi chứ không phải là nói về việc lập một liên minh quân sự - chính trị.
Trước đó, một quan chức cấp cao của Nhà Trắng thông báo rằng Washington có kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, để hỗ trợ Hà Nội bảo vệ chủ quyền Biển Đông. Trước hết, Hoa Kỳ dự kiến cung cấp cho Hà Nội các máy bay do thám P-3 Orion, có thể tiến hành theo dõi sự di chuyển của tàu nổi và tàu ngầm Trung Quốc.
Trước đó, sau khi bùng phát những căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam hồi mùa hè này vì sự việc Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, các nhà quân sự Mỹ cũng tuyên bố rằng tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ sẽ ra vào hải cảng Việt Nam thường xuyên hơn.
Lệnh cấm vận vũ khí đã duy trì 40 năm nay, mặc dù cả hai nước từ lâu đã trở thành những đối tác kinh tế. Điều đáng chờ đợi là những hạn chế này có thể sẽ được tháo bỏ ngay trong năm nay, quyết định có thể được công bố trong thời gian chuyến thăm Việt Nam của người đứng đầu Lầu Năm Góc Chuck Hagel vào dịp cuối năm.
Mỹ đã quyết định dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam, mở ra cánh cửa cung cấp các vũ khí phòng thủ bờ biển cho Hải quân Việt Nam, đồng thời cũng có những dấu hiệu cho thấy, nhiều khả năng Washington sẽ chuyển giao công nghệ chế tạo sản xuất máy bay tuần tiễu chống ngầm cho Hà Nội.
Mỹ định bán cho Việt Nam loại máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C Orion?
|
Cho đến nay, quy mô hợp tác quân sự Mỹ-Việt không lớn, nguyên nhân là do giữa hai nước còn tồn tại khác biệt về chính trị. Sau khi dỡ bỏ lệnh cấm vận, rất có khả năng Hà Nội sẽ mua máy bay tuần tra săn ngầm đã qua sử dụng P-3C Orion của Washington. Đây là loại vũ khí mà Việt Nam không thể mua được từ các đối tác quân sự truyền thống như Nga, Israel và EU.
Hiện nay Nga đã không còn sản xuất các máy bay tuần tra hàng hải kiểu mới nữa, chỉ dùng các phiên bản nâng cấp của IL-38 và TU-142 từ thời Liên Xô. EU cũng không sản xuất các máy bay săn ngầm kiểu mới.
Hiện chỉ có Mỹ đang sản xuất các hệ thống săn ngầm đồng bộ trên máy bay tuần tiễu chống ngầm thế hệ mới P-8A Poseidon, Trung Quốc cũng đang tiến hành thử nghiệm đối với máy bay tuần tra săn ngầm Cao Tân 6 (GX-6).
Trung Quốc rất lo lắng trước năng lực trinh sát chống ngầm không ngừng được nâng cao của các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Căn cứ tàu ngầm mới của Trung Quốc được xây dựng ở vịnh Á Long - Tam Á, thuộc đảo Hải Nam hiện đã trở thành đích ngắm của tất cả các lực lượng săn ngầm trong khu vực và cả của Mỹ.
Theo nhận định của một số chuyên gia, Bắc Kinh muốn xây dựng một khu vực tuần tra tàu ngầm hạt nhân tại đảo Hải Nam, được bảo vệ nghiêm ngặt bậc nhất Đông Nam Á. Hiện Mỹ đang dùng các máy bay trinh sát và tàu khu trục để thu thập các tin tình báo về khu vực này, điều đó không khỏi khiến Hải quân Trung Quốc đưa ra các phản ứng mạnh mẽ.
Căn cứ tàu ngầm Trung Quốc ở vịnh Á Long - Tam Á
|
Đã có những vụ va chạm xảy ra, ví dụ như vụ máy bay trinh sát EP-3 của Mỹ đã có va chạm với máy bay chiến đấu J-8 của Trung Quốc vào năm 2001 hay vụ các tàu Trung Quốc đối đầu với tàu do thám Mỹ USNS Impeccable năm 2009 hoặc vụ máy bay chiến đấu J-11BH của Trung Quốc đã uy hiếp ở cự ly rất gần với P-8A Poseidon của Mỹ ngày 19-08 vừa qua.
Chuyên gia Nga nói gì về quan hệ Việt-Mỹ
Khả năng Việt Nam mua các máy bay của Trung Quốc là điều không bao giờ xảy ra, nhưng Hà Nội hoàn toàn có khả năng mua máy bay săn ngầm P-3C Orion sản xuất loạt cuối của Mỹ với yêu cầu giảm bớt các thiết bị trên máy bay. Thông tin này đã được truyền thông Mỹ đồn thổi từ rất lâu.
Tuy nhiên hiện nay, chưa có gì đảm bảo là Mỹ sẽ cung cấp các trang bị có khả năng gây ảnh hưởng lớn tới cân bằng lực lượng trên Biển Đông cho Việt Nam, hơn nữa Hà Nội cũng không sẵn sàng trở thành một mắt xích trong khối đồng minh bao vây Bắc Kinh của Washington.
Về vấn đề này, một số quan chức quân sự và ngoại giao Mỹ cũng không quá lạc quan. Ông Daniel Russell - Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ, chịu trách nhiệm điều phối hoạt động khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho rằng, không nên đánh giá quá cao vai trò quan hệ của Washington và Hà Nội trong lĩnh vực quân sự.
"Tôi không nghĩ rằng Việt Nam sẵn sàng đổi mới quan hệ lâu dài của mình với Trung Quốc, mặc dù đã có phần ảm đạm bởi xung đột gay gắt, để thay bằng quan hệ cấp thời duy nhất với Hoa Kỳ” - ông Russell nêu ý kiến và nhấn mạnh, Việt Nam không thể thay đổi được láng giềng Trung Quốc nên cần có chiến lược ngoại giao khéo léo.
Trung Quốc - Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trên tất cả các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế. Thậm chí, khi hai bên xảy ra những căng thẳng ở khu vực tranh chấp thì vẫn còn những lĩnh vực hợp tác sâu sắc hơn. Những biến động lớn trong quan hệ giữa hai bên không thể một sớm một chiều mà thay đổi được.
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
|
Các chuyên gia đến từ Moscow nhấn mạnh, Việt Nam vẫn chưa dùng bất cứ vũ khí trang bị nào mua của Nga trong tranh chấp chủ quyền ở khu vực này. Moscow cũng không yêu cầu Hà Nội phải cam kết bất cứ một nghĩa vụ chính trị nào, làm điều kiện tiên quyết trong các hợp đồng mua sắm vũ khí.
Chuyên viên Dmitry Mosyakov từ Viện Nghiên cứu phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga cho rằng, hiện Hà Nội đang thi hành chính sách ngoại giao đa phương, tự do chọn lựa đối tác và đồng minh, xuất phát từ bối cảnh cụ thể. Đồng thời, đây là một bộ phận trong cuộc chơi địa chính trị lớn đang diễn ra trong khu vực.
Vị chuyên gia Nga cho rằng, khả năng dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam không đơn thuần là cử chỉ thiện chí từ phía Washington. Mà đó là phương cách để củng cố chiếc đòn bẩy Việt Nam làm hậu thuẫn chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực quan trọng này của thế giới.
Ông Mosyakov nhấn mạnh: “Hiện hữu cuộc chơi chính trị căng thẳng xung quanh Biển Đông và biển Hoa Đông. Tình hình là khá phức tạp, vì thế bất kỳ tuyên bố nào cũng chứa đựng ý tưởng nội hàm nhất định. Những tuyên bố giống như những lời cảnh báo là một phần tất yếu của cuộc chơi quân sự-chính trị.
Đây là động tác “ra bài” kế tiếp trong trò chơi này. Tôi không nghĩ rằng bây giờ Trung Quốc sẽ ngay lập tức bắt đầu có phản ứng đáp trả cứng rắn nào đó. Nhiều khả năng đó là câu hỏi dành cho tham vấn, thương lượng, với một số nhượng bộ và thỏa thuận nào đó”.
Nga và Trung Quốc hiện đang không ngừng tăng cường mối quan hệ với Việt Nam. Trong bối cảnh Bắc Kinh và Hà Nội đang có những bất đồng trong giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển, đây cùng là một vấn đề bình thường bởi thế giới đang phát triển với xu hướng đan xen vừa hợp tác, vừa đấu tranh.
Điều này sẽ tránh làm cho cục diện phát triển theo hướng tăng cường ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực.
- Thanh Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét