Trang

2 tháng 7, 2014

Vì sao chính quyền Bắc Kinh ngông nghênh ngạo ngược đến vậy?


CHIA SẺ BÀI VIẾT NÀY: 
Nguyễn Trần Sâm 
Có lẽ trong lịch sử quan hệ quốc tế từ đầu thế kỷ XX, chưa có một nhà nước nào thể hiện một thái độ ngông nghênh ngạo ngược đến mức trơ tráo như tập đoàn Đại Hán Trung Nam Hải. Ngay cả tập đoàn “quốc xã” của Adolf Hitler, trước khi dìm cả châu Âu trong khói lửa chiến tranh, cũng không có thái độ ngang ngược như chính quyền Bắc Kinh – bọn này vẫn phải tỏ ra khá nhũn nhặn, lừa những nước lớn bằng những hiệp ước “không xâm phạm lẫn nhau”, để rảnh tay đánh những nước nhỏ trước.


Mộng bành trướng của những kẻ cầm quyền Trung Hoa đã có sẵn trong máu từ hàng ngàn năm nay. Đến thời Mao, nó được nâng lên một tầm mức mới, do tư tưởng “làm cách mạng vô sản thế giới”, do Trung Quốc trở thành nước đông dân nhất hành tinh và do sự ngông cuồng của chính con người Mao.

Nhưng chưa bao giờ sự ngông nghênh ngạo ngược của tập đoàn cầm quyền Bắc Kinh đạt đến mức điên rồ như vào triều đại Tập Cận Bình hiện nay. Điều đó, ngoài nguyên nhân sâu xa là lòng tham và máu Đại Hán ra, còn được thúc đẩy và tạo điều kiện bởi những yếu tố sau đây.

Thứ nhất, TQ tiếp tục là quốc gia đông dân nhất thế giới, thậm chí dân số tăng rất nhanh, dù chính quyền đã phải dùng mọi biện pháp để hạn chế sinh đẻ. Trong bối cảnh như vậy, và vốn coi thường con người từ trong máu, chính quyền Trung Hoa sẵn sàng hy sinh vài trăm triệu người để đạt ý đồ bành trướng. Mao từng nói đại ý nếu có chiến tranh với Mỹ và TQ có bị mất mát về nhân mạng đến vài trăm triệu thì cuối cùng TQ vẫn thắng, và chắc chắn tập đoàn Tập Cận Bình cũng quan niệm như vậy. (Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ không sợ chiến tranh, nhất là trên đất của họ.)

Thứ hai, tiềm lực kinh tế và quân sự của TQ cũng đã tăng đáng kể. Mặc dù bình quân thu nhập của người TQ vẫn còn khá thấp, nhưng với GDP cả nước đứng thứ nhì thế giới và với chế độ thực chất là độc quyền, chính quyền TQ có thể huy động nhân tài vật lực ở quy mô lớn nhất nhì thế giới để đương đầu với các nước khác nếu xảy ra chiến tranh. Đặc biệt, với tài ăn cắp công nghệ đạt đến mức “siêu đẳng”, trong những năm gần đây TQ đã phát triển được nhiều loại vũ khí, tuy chưa đến mức tối tân như của Mỹ hoặc Nga, nhưng cũng có thể làm cho các cường quốc khác phải e ngại, nhất là đi kèm với lối xử sự lưu manh.

Thứ ba, người TQ biết rằng các nước khác, đặc biệt là giới doanh nhân, khá cần đến họ trong việc làm ăn. Một nguồn cung cấp nhân lực với mấy trăm triệu lao động giá rẻ luôn có sức thu hút ghê gớm đối với giới kinh doanh. Vì lý do đó, những tập đoàn kinh doanh lớn của các nước phát triển hoặc tập đoàn đa quốc gia luôn tìm cách gây sức ép buộc các chính phủ phải mở rộng hợp tác với những nước như TQ. Hàng giá rẻ của TQ cũng dễ dàng xâm nhập thị trường ở những nơi như Âu, Mỹ. Trong bối cảnh quan hệ làm ăn như vậy, cộng với việc nhận biết được rằng người dân các nước phát triển không muốn có chiến tranh, TQ sẵn sàng hù dọa các nước khác theo kiểu ngông cuồng.

Hợp tác trong làm ăn là việc làm các bên đều có lợi. Nhưng điều đó chỉ đúng trên bình diện kinh tế và có tính chất giai đoạn. Trong trường hợp hợp tác với một nước mà chính quyền gồm những kẻ ngông cuồng thì sau một thời kỳ kinh tế cả hai bên đều tăng trưởng, chính quyền nước đó sẽ bắt đầu có những việc làm gây phương hại cho quốc gia đối tác. Điều đó là quá rõ trong hợp tác với TQ. Đầu tư và trao đổi thương mại với các nước đã làm TQ, từ một nước nghèo, trong vòng vài ba chục năm vươn lên thành quốc gia có tổng thu nhập đứng thứ nhì thế giới. Và bây giờ là lúc TQ bắt đầu quấy rối các nước khác, kể cả Mỹ.

Như vậy, những mối lợi mà các nước khác thu được từ quá trình làm ăn với TQ chưa chắc đã đủ để bù đắp cho những thất thiệt mà TQ sẽ gây ra trong những năm tới. Các nước sẽ phải lo đối phó với một TQ với chính sách điên rồ và những hành động khó lường. Góc nhìn thuần túy kinh doanh và tham vọng lợi nhuận của các tập đoàn kinh tế làm ăn với TQ đã và đang trở thành một nguy cơ đe dọa hòa bình và an ninh toàn thế giới.

Thứ tư, số nước có chính quyền tỏ thái độ kiên quyết với TQ chưa nhiều. Đến giờ, thực ra mới chỉ có Nhật Bản và Philippines là tỏ ra kiên quyết nhất. Hoa Kỳ tuy cũng nhiều lần cảnh cáo TQ, nhưng chưa có hành động cụ thể, ví dụ rút vốn đầu tư khỏi TQ. Nga thì hiện đang trong liên minh mafia quốc tế với nước này. Các nước ASEAN cũng ngại va chạm. Đặc biệt, láng giềng “sơn thủy tương liên” phía Nam thì lại là “đồng chí” “lý tưởng tương thông”* và là “đàn em” của TQ, không muốn làm mếch lòng tập đoàn Tập Cận Bình.

Muốn chặn bàn tay lông lá của chính quyền Đại Hán Bắc Kinh, phải có cả một mặt trận quốc tế rộng rãi chống chủ nghĩa bá quyền Trung Hoa. Nếu không, tương lai của cả nhân loại sẽ bị đe dọa.

Có một điều làm cho việc đối chọi với TQ trở nên không quá khó. Đó là, mặc dù ngông cuồng và hiếu chiến, tập đoàn Đại Hán không phải không sợ máu lửa. Việc rụt vòi, không dám “giải phóng” Đài Loan cho thấy tập đoàn cầm quyền TQ không phải gồm những kẻ dám hy sinh quyền lợi cá nhân. Vua chúa Trung Hoa vốn luôn là những kẻ ham sống sợ chết, thích hưởng lạc, và vì thế vẫn sợ chiến tranh lớn có thể lan đến nơi họ sống. Xưa kia, vào thế kỷ XVII, cả Trung Hoa đã từng phải đầu hàng và chấp nhận sự cai trị của dòng họ Ai Tân Giác La người Mãn Châu. Giữa thế kỷ XIX, nhà Thanh, với tư cách vương triều Trung Hoa, đã phải quy phục trước sự tấn công của vài trăm lính Anh-Pháp. Đến thập niên 1930, thời Trung Hoa Dân Quốc, nhiều vùng rộng lớn của đất nước này đã bị quân đội Nhật chiếm đóng.

Ngày nay, việc một nước khác xâm chiếm và đô hộ cả một đất nước như Trung Hoa có lẽ là điều không thể xảy ra. Tuy nhiên, nếu chính quyền nước này tiếp tục chính sách đối ngoại ngông cuồng thì đến một lúc nào đó họ sẽ phải hứng chịu những thất bại thảm hại.

Tác giả gửi Quê Choa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét