Trang

2 tháng 7, 2014

Biển Đông: Máy bay trinh sát Mỹ lại lượn quanh giàn khoan

(Tình hình Biển Đông - Vấn đề Biển Đông) - Trong ngày, máy bay Mỹ tiếp tục xuất hiện trên khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981.
Máy bay trinh sát Mỹ lại xuất hiện ở khu vực giàn khoan Trung Quốc
Theo thông tin mới nhất vừa được Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cập nhật chiều 2/7, trong ngày, máy bay Mỹ tiếp tục xuất hiện trên khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981.
Đây là lần thứ hai các tàu Việt Nam đang hoạt động trên biển Hoàng Sa ghi nhận sự xuất hiện của máy bay Mỹ.
Cụ thể, trong ngày 2/7, các tàu Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục ghi nhận máy bay EP-3 của Mỹ bay qua khu vực giàn khoan Hải Dương-981 ở độ cao khoảng 3.000m.
Ngoài ra, tính tới 16h ngày 2/7, lực lượng Cảnh sát biển cũng phát hiện 4 lần máy bay Trung Quốc bay qua khu vực giàn khoan.
Máy bay và tàu Trung Quốc ở khu vực Hoàng Sa
Máy bay và tàu Trung Quốc ở khu vực Hoàng Sa
Đáng chú ý, trong số này có cả máy bay chiến đấu J11 bay ở độ cao khoảng 3.000m. Ngoài ra, cảnh sát biển cũng phát hiện 2 lần máy bay Y-8X từ Lĩnh Thủy xuống khu vực giàn khoan và ngược lại; một lần máy bay trực thăng không rõ số hiệu từ Du Lâm xuống khu vực giàn khoan và bay về Du Lâm.
Cùng ngày, phía Trung Quốc đã sử dụng 118 tàu hoạt động quanh khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981.
Cụ thể, theo ghi nhận từ thực địa có tới 6 tàu quân sự (trong đó có 2 tàu hộ vệ tên lửa không rõ số hiệu, 2 tàu tên lửa tấn công nhanh số hiệu 751, 756 và 2 tàu quét mìn số hiệu 840, 843). Trung Quốc cũng huy động 42 tàu hải cảnh; 3 tàu hải giám; 2 tàu hải tuần; 17 tàu kéo; 15 tàu vận tải; 33 tàu cá.
Như vậy so với ngày 1/7, Trung Quốc đã tăng thêm 1 tàu tên lửa tấn công nhanh và 1 tàu hải cảnh.
Khi các tàu CSB 9001, 9002, 8003, 4032, 4033, 4034 tiến gần vào giàn khoan khoảng từ 10- 11,5 hải lý thì tàu của Trung Quốc, với số lượng vượt trội so với phía Việt Nam, tổ chức thành các nhóm tàu (mỗi nhóm từ 4-8 tàu các loại) trên các hướng tiếp cận để ngăn cản quyết liệt, bật còi uy hiếp, phun nước, sẵn sàng đâm va ở khoảng cách gần nhất là 40m đối với tàu CSB 4033, không cho tàu Việt Nam tiếp cận gần giàn khoan.
Buộc Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế
Trong một diễn biến khác, tối 2/7, tại Trụ sở Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Philippines Albert F. del Rosario cho rằng những hành động mang tính chất gây hấn, vi phạm luật pháp quốc tế, vô nhân đạo của Trung Quốc gần đây đang làm cho tình hình Biển Đông xấu đi từng ngày, đặc biệt là hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương- 981 trái phép trong vùng biển của Việt Nam, sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực đối với các lực lượng thực thi pháp luật và ngư dân của Việt Nam.
Đây là những hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các Bên trên Biển Đông (DOC).
Bộ trưởng Albert F. del Rosario cho rằng những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông vừa qua là nhằm phục vụ cho mục tiêu tuyên bố và hiện thực hóa “đường 9 đoạn” bất hợp pháp, mở rộng chủ quyền phi pháp của nước này trên thực tế. Bộ trưởng cho biết Philippines đã và tiếp tục phối hợp cùng cộng đồng quốc tế, có các biện pháp và hành động buộc Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario.
Đồng ý với nhận định về tình hình Biển Đông đang xấu đi từng ngày do việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, có những hành động vi phạm nghiêm trọng, nhất là việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương -981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng không có cách nào khác, các nước có chủ quyền trên Biển Đông, các nước ASEAN phải đấu tranh, ngăn chặn hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền của các quốc gia của Trung Quốc, kể cả đưa vụ việc ra các cơ quan tài phán quốc tế;
Kêu gọi cộng đồng quốc tế phê phán và phản đối Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hành động gây hấn, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm DOC, yêu cầu Trung Quốc thực thi nghiêm túc DOC tiến tới ký kết Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền
Tiếp xúc cử tri ở Hải Phòng, ngày 2/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết Đảng, Nhà nước đang khẩn trương chuẩn bị, củng cố hồ sơ pháp lý để sẵn sàng đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế về những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở vùng biển Việt Nam.
Việc Trung Quốc bất chấp đạo lý, pháp lý, bất chấp thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao, quan hệ hữu nghị giữa hai nước, đã ngang nhiên đưa và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981  trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây tác động nhất định đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Việt Nam-Trung Quốc; đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh ở khu vực.
Việc làm này của Trung Quốc đã làm cả dân tộc ta phẫn nộ, lên án; Đảng, Nhà nước và toàn dân tộc đã đoàn kết, chung sức, nhất trí, đồng lòng, kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Cùng với đó, chúng ta cũng đã làm hết sức mình để gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
Thủ tướng một lần nữa khẳng định lập trường kiên quyết của Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan hạ đặt trái phép ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Các giải pháp đề ra trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo được sự đồng tình ủng hộ của toàn dân tộc, của cộng đồng quốc tế. Các nước trên thế giới đã lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam và phê phán, lên án các hành vi sai trái, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc và đến nay chưa có một quốc gia nào ủng hộ việc làm của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; không chấp nhận, không khuất phục một sự áp đặt, de dọa, lệ thuộc nào đó, chúng ta đã, đang và sẽ làm như vậy.
Thủ tướng cũng cho biết Nhà nước đang khẩn trương chuẩn bị, củng cố hồ sơ pháp lý để sẵn sàng đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế về những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở vùng biển của Việt Nam.
Trung Quốc hung hăng phô diễn cơ bắp
Trước đó, Bộ trưởng Truyền thông Úc Malcolm Turnbull đã nói rằng hành động phô diễn sức mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông gây cảm giác bất an cho khu vực và sẽ khiến Bắc Kinh phải trả giá.
Ông cho rằng chính sách hiện nay của Trung Quốc gây phản tác dụng, cho thấy nước này “phô diễn cơ bắp với một, nhiều hoặc tất cả các nước láng giềng của họ tại những thời điểm khác nhau”.
Ông khẳng định hậu quả của những hành động này là đang khiến “các nước láng giềng của Trung Quốc trở nên gần Mỹ hơn bao giờ hết”, trong khi Trung Quốc không có bất kỳ đồng minh nào trong khu vực ngoài CHDCND Triều Tiên.
Nếu căng thẳng ở Biển Đông dẫn đến một cuộc xung đột có sự tham gia của Mỹ, nền kinh tế Trung Quốc không thể tránh khỏi tình trạng bị suy giảm, khiến giới lãnh đạo Trung Quốc gặp nhiều vấn đề. “Trung Quốc có nhiều thứ để mất”, ông Turnbull cảnh báo.
Theo dõi những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, hai chuyên gia Mỹ về an ninh châu Á Abe Denmark và Dan Blumenthal nhận định với chuyên san The National Interest (Mỹ) rằng Trung Quốc đã thay đổi đáng kể cách nhìn nhận về bản thân và vai trò của họ trong 15 năm qua, gây ra những tác động trực tiếp đến các nước láng giềng.
  Tàu hải cảnh và giàn khoan Hải Dương-981 của TQ hoạt động phi pháp trong vùng biển
Tàu hải cảnh và giàn khoan Hải Dương-981 của TQ hoạt động phi pháp trong vùng biển
Ông Blumenthal ủng hộ quan điểm rằng những gì Trung Quốc đang làm chẳng khác gì những hành vi của Mỹ trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi tìm kiếm bá quyền ở biển Caribe và châu Mỹ.
Còn ông Denmark cho rằng Trung Quốc tự xem mình là một cường quốc đang lên không còn yếu như trước. Điều này có nghĩa giới lãnh đạo Trung Quốc tin rằng họ luôn ở thế mạnh trong một cuộc xung đột leo thang.
Do đó, Trung Quốc không ngần ngại tìm cách củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông, tăng cường khả năng bảo vệ những tuyên bố đó và tìm kiếm nguồn tài nguyên dưới đáy biển.
Lan Phương 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét