Trang

29 tháng 6, 2014

Khi pháp luật chưa bảo đảm sự công bằng và hợp lý


Đăng Bởi  - 
Khi pháp luật chưa bảo đảm sự công bằng và hợp lý
Mấy ngày qua dư luận bàn tán nhiều về chuyện UBND TP.HCM ra quyết định xử phạt hành chính tiệm vàng Hoàng Mai. Tuy có nhiều luồng quan điểm khác nhau, nhưng nói chung phần lớn bày tỏ sự nghi ngờ về tính minh bạch, rõ ràng trong quá trình kiểm tra, xử phạt và đặc biệt là không đồng tình với mức phạt quá cao: 400 triệu đồng. Một sự chênh lệch quá lớn so với hành vi mua bán 100 USD. 
Tôi không muốn bàn sâu về khía cạnh pháp lý đúng sai xung quanh việc xử phạt. Việc này sẽ có Tòa án xem xét, đánh giá và ra phán quyết. Tôi muốn nói tới sự hợp lý, công bằng và mục tiêu của pháp luật. Và những hậu quả, ảnh hưởng có thể - do quyết định phạt hết sức nghiêm khắc này có thể gây ra cho xã hội, cho môi trường kinh doanh, vốn đã rất ảm đạm trong tình hình hiện nay.
Trước hết, tôi không đồng tình với mức phạt quá cao như vậy. Hành vi mua bán 100 USD tuy là vi phạm pháp luật, nhưng có thể nói là vẫn còn khá phổ biến ở nhiều nơi và ngay tại TP.HCM chứ không riêng mình Hoàng Mai. Và hành vi đó thực chất đáp ứng nhu cầu có thật của người dân trong giao dịch ngoại tệ, cách đây không lâu vẫn được xem là bình thường, không bị cấm. 
Thậm chí cứ cho rằng việc phạt 400 triệu đồng là có căn cứ, thì điều luật quy định về mức phạt đó cũng chưa không hợp lý. Theo quy định tại Nghị định 95/2011 mà UBND TP.HCM căn cứ để phạt tiệm vàng Hoàng Mai, thật đáng ngạc nhiên và vô lý khi Nghị định chỉ đưa ra mức phạt trong khung rất rộng, chẳng hạn phạt từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng đối với hành vi “hoạt động ngoại hối” không có giấy phép, mà không hề căn cứ vào tính chất, quy mô và mức độ nghiêm trọng của hành vi sai phạm. Tức là giao dịch ngoại hối 1 USD cũng có thể cào bằng với giao dịch ngoại hối 1 tỷ USD!
Đây là điều hết sức vô lý, theo tôi là sai ở mức cơ bản và nghiêm trọng về nguyên tắc làm luật. Ai cũng hiểu là tính chất nghiêm trọng và quy mô của hành vi quyết định trực tiếp đến mức, khung hình phạt. Cùng là hành vi giết người, nhưng tùy theo mức độ mà luật hình sự quy định 3 khung hình phạt, trong mỗi khung khi Tòa tuyên án còn phải căn cứ vào những tình tiết cụ thể. Vậy mà Nghị định 95/2011 lại cào bằng tất cả mọi hành vi vi phạm thì quả là cần phải sớm được sửa đổi và có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn.
Thứ hai, tôi muốn nói tới sự công bằng. Bản chất của pháp luật là để tạo ra và bảo vệ sự công bằng, bình đẳng giữa mọi chủ thể trong xã hội. Nếu việc vận dụng pháp luật mà không bảo đảm được công bằng thì thật là nguy hại. Hãy thử hình dung chúng ta đi qua ngã tư đường, cứ khi đèn đỏ là có người vượt qua, nhưng anh cảnh sát đứng đó lúc thì thổi phạt người này, nhưng lại bỏ qua người khác, thì vừa không đúng luật, yếu kém về nghiệp vụ mà còn thể hiện sự không công bằng, thậm chí vi phạm pháp luật. Nếu chỉ có duy nhất Hoàng Mai mua bán ngoại tệ thì bị phạt là đúng. Nhưng trong khi chắc chắn vẫn có rất nhiều cửa hàng kinh doanh vàng khác cũng có những hành vi như vậy, mà công an lại ập vào, theo một kế hoạch bài bản và tinh vi từ trước, thu kết quả như vậy, rồi phạt như vậy, thì theo tôi là quá nặng tay, là chưa công bằng.
Thứ ba, tôi muốn nói đến mục tiêu, mục đích của pháp luật. Pháp luật là những quy định mang tính chất hướng dẫn, uốn nắn và bảo đảm sao cho mọi người tuân thủ đúng, để bảo đảm trật tự xã hội. Pháp luật cũng có mục đích trừng trị, nhưng như đã nói ở trên, phải trên cơ sở công bằng, hợp lý, chứ không phải là “đánh cho chết” đối với những quan hệ, giao dịch dân sự, không phải là hành vi tội phạm. Mục đích của phạt vi phạm hành chính bản thân nó là sự nhẹ nhàng, mang tính nhắc nhở, cảnh cáo. Thế mà ở đây, qua việc phạt, người ta cảm nhận rất rõ là hình như công an muốn “đánh”, muốn “trừng trị” cho doanh nghiệp phải “sợ”, phải “chừa”. Những người theo dõi diễn biến vụ việc từ đầu đến cuối hẳn hiểu rõ. Điều này cũng thể hiện qua các ý kiến phản hồi của bạn đọc các báo Tuổi Trẻ, Pháp luật TP.HCM …
Cuối cùng, và cũng là quan trọng nhất, như tôi đã phát biểu trên bài viết của mình trước đây (bài Sấm động giữa trời quang – Một thế giới), ấy là hậu quả là sự ảnh hưởng, tác động của hành vi ứng xử của công an, chính quyền đối với xã hội, đến môi trường và tâm lý kinh doanh. Qua sự việc bất ngờ ập vào kiểm tra, rồi niêm phong hàng trăm lượng vàng, rồi nay tới việc phạt 400 triệu đồng, người ta thấy một sự  cứng nhắc, vô cảm và thậm chí là nhẫn tâm trong đó. Điều đó chắc chắn sẽ tác động đến tâm lý của người kinh doanh, của doanh nghiệp nói chung. Họ sẽ cảm thấy bất an, khi chỉ do những vi phạm có thể nói là nhỏ, không nghiêm trọng, không gây ra hậu quả nặng nề, cũng không chiếm lấy gì của ai - mà có thể sẽ phải trả giá rất đắt, có thể bị tịch thu tài sản. Nếu vậy thì có đáng để đưa đồng vốn vào kinh doanh? Hay là cất tiền trong tủ cho an toàn? Vì một khi người có vốn đã mở ra công ty, đầu tư kinh doanh, là đồng nghĩa với việc kéo theo biết bao nhiêu thủ tục, chi phí, hao tốn thời gian, công sức… Thế mà lại không an toàn. 
Là người thực tế hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực pháp luật, đụng chạm đến nhiều vấn đề liên quan đến cán bộ, đến thực thi pháp luật, tôi thấy tâm lý của một số cán bộ công chức nhà nước hiện nay là không bao giờ chịu thua, chịu thừa nhận sai sót trước người dân. Thậm chí không ít người có tâm lý coi người dân, doanh nghiệp không phải là CON NGƯỜI – theo đúng nghĩa của từ này. Chẳng hạn qua trao đổi nội bộ với nhau, cán bộ không ít người gọi người dân là con này, thằng nọ … chỉ đơn giản là sự biểu hiện như vậy thôi, nhưng có lẽ cũng đã nói lên nhiều điều khác.
Luật sư Trần Hồng Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét