Các lệnh trừng phạt kinh tế của Phương Tây đối với Nga có thể có lợi cho Trung Quốc.
Không muốn mất đi mối quan hệ hữu hảo với Nga, đồng thời vẫn muốn duy trì chính sách không can thiệp vào công việc nước khác, chính quyền Bắc Kinh đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan trong cuộc khủng hoảng Ukraina - Crưm.
Không can thiệp vào công việc nước khác - Suốt hàng chục năm qua, đây đã là nguyên tắc trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ đứng ngoài xung đột của các nước khác, và hy vọng các nước khác, bao gồm cả Nga, cũng có hành xử tương tự với mình.
Tuy nhiên, ở trường hợp Ukraina, nguyên tắc này đã trở thành vấn đề, vì nó đi ngược lại mối quan tâm chính trị trung tâm của Trung Quốc: duy trì quan hệ hữu hảo với Nga.
Mối quan hệ với Nga khiên Trung Quốc rơi vào thế "tiến thoái lưỡng nan" trong khủng hoảng Ukraina. Ảnh: Alliance/ DPA |
Nga - Đối tác chiến lược
"Mối quan hệ Trung - Nga hiện đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử chung của hai nước," Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh tại một cuộc họp báo được tổ chức đầu tháng này. Ông Nghị khẳng định, cả hai nước luôn tin tưởng và ủng hộ lẫn nhau, và không quên khẳng định thêm rằng hai vị nguyên thủ có mối thân tình. Trung Quốc cần Nga - như một đồng minh để làm đối trọng với phương Tây.
Liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Crưm đã xuất hiện nhiều chỉ trích từ những người Trung Quốc coi phương Tây là kẻ xâm chiếm.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Đức, Chen Xinming, một chuyên gia về Đông Âu của Đại học Nhân dân Trung Hoa, nói: "Phương Tây do Mỹ dẫn đầu không muốn có một thế giới hòa bình và đang can dự vào các công việc trên thế giới. Chính điều này đã gây ra tình trạng náo động. Về mặt chiến lược, Trung Quốc và Nga cần nhau để đối phó với sự lấn lướt của phương Tây."
Theo Sven Gareis, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Münster, cảm giác bị vây hãm bởi phương Tây, đặc biệt là Mỹ có ảnh hưởng rất lớn đến chính sách đối ngoại của Bắc Kinh. "Trung Quốc thấy ở Nga một đối tác quan trọng, mà nước này trông đến như một nguồn ủng hộ - và tất nhiên, nước này sẽ không muốn đối tác của mình phải bẽ bàng," Gareis chia sẻ với DW.
Trung Quốc đang ngoảnh mặt làm ngơ?
Tuy vậy, chính quyền Bắc Kinh cũng muốn duy trì nguyên tắc không can thiệp. Và sự do dự bày tỏ ý kiến liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý tại Crưm của Trung Quốc phần nào thể hiện rõ điều đó.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao TQ Lý Bảo Đông đã hai lần né tránh câu hỏi liệu Trung Quốc có thừa nhận tính pháp lý và kết quả của cuộc trưng cầu dân ý này không. "Chúng tôi hy vọng tất cả các bên sẽ giữ cái đầu tỉnh táo và tìm kiếm một giải pháp chính trị", vị thứ trưởng phát biểu và không quên nhấn mạnh cần tránh để tình hình leo thang thêm nữa. Các bình luận chi tiết hơn đều bị từ chối.
Sự ủng hộ của chính quyền Bắc Kinh dành cho đối tác chiến lược của mình đã chạm giới hạn trong cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm thứ Bảy ngày 15/3, khi Hội Đồng tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý của Crưm là phạm luật. Nga phủ quyết quyết định này. Trung Quốc bỏ phiếu trắng.
Trong những trao đổi bên lề, các quan chức ngoại giao Tây phương đã gọi động thái này của Trung Quốc là một "cú tát vào mặt" đối với Nga; thường Trung Quốc sẽ bỏ phiếu theo đồng minh thân cận của mình.
Sven Gareis nhận định, tình huống này thể hiện rất rõ thế tiến thoái lưỡng nan của Trung Quốc. Một mặt, Trung Quốc không muốn Nga tự do ra vào Crưm. Mặt khác, Trung Quốc cũng không muốn ủng hộ quyết định của phương Tây.
Trung Quốc và căng thẳng với các nhóm thiểu số trong nước
"Trung Quốc không thể ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý này vì chúng tôi cũng có vấn đề riêng của mình," chuyên gia về Đông Âu Chen Xinming chia sẻ.
Những vấn đề đó là Tây Tạng, Tân Cương, Hồng Kông và Đài Loan. Nếu Trung Quốc ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý ở Crưm, thì một câu hỏi sẽ được đặt ra: Tại sao không áp dụng quy tắc tương tự cho các khu vực trên của Trung Quốc, những vùng đất luôn mong mỏi độc lập.
"Nếu như vậy, đây sẽ là kịch bản ác mộng đối với Trung Quốc: một cường quốc bên ngoài gây áp lực quân sự buộc phải tổ chức trưng cầu dân ý, khiến một phần đất nước tách khỏi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa," Gareis nhận định.
"Ngư ông đắc lợi"
Mặc dù Bắc Kinh tiếp tục phải đấu tranh với những thế "lưỡng nan" về mặt chính trị, song các lệnh trừng phạt kinh tế của Phương Tây đối với Nga có thể có lợi cho Trung Quốc.
"Nga sẽ ngày càng đối đầu với châu Âu, và Trung Quốc sẽ được lợi," Eckhard Cordes, Chủ tịch Ủy ban quan hệ kinh tế châu Âu, thuộc các hiệp hội ngành nghề Đức, chia sẻ cho trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Focus.
Trung Quốc - khách hàng lớn nhất của ngành dầu khí Nga - chắc chắn sẽ vui mừng trước các diễn tiến hiện tại và có thể trở thành "ngư ông đắc lợi" trong cuộc khủng hoảng Ukraina khi các bên đấu đá nhau.
"Song tôi không cho là Trung Quốc sẽ để mình bị dẫn dắt bởi những lợi ích ngắn hạn và kỳ vọng lợi nhuận," Gareis nhận định và bổ sung thêm rằng có thể chính quyền Bắc Kinh quan tâm hơn đến việc đảm bảo sự ổn định lâu dài trong khu vực.
Nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các nước phương Tây. Và bởi lý do này, sợi dây mỏng manh mà Trung Quốc đang bước trên, cùng chính sách của nước này trong vấn đề Ukraina có thể chao đảo mạnh trong những tuần sắp tới.
Cuối tháng Ba, Chủ tịch Trung Quốc - ông Tập Cận Bình - sẽ có chuyến thăm một số nước Tây Âu, và có thể đến lúc đó Trung Quốc sẽ thể hiện rõ hơn ý đồ thật sự của mình.
Hà Trang (theo Deutsche Welle)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét