(Doanh nghiệp) - Xin giảm đầu tư hồ chứa bùn đỏ vì thiết kế có độ an toàn quá cao, Bộ Công thương còn đề nghị chỉ thuê đất mà không đền bù cho dân…
Thông tin này được đề cập trong báo cáo mới nhất của Bộ Công thương về hai dự án bôxit Tân Rai và Nhân Cơ. Với những đề nghị đáng ngạc nhiên này khiến dư luận không khỏi lo ngại khi doanh nghiệp đang tìm mọi cách có lợi nhất cho mình mà quên đi cả sự an toàn cũng như lợi ích của người dân.
Hạ tiêu chuẩn hồ chứa bùn đỏ
Tờ Tuổi trẻ đưa tin, trong báo cáo gửi đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Công thương cho rằng hồ bùn đỏ (chứa chất thải sau quá trình tuyển quặng) các nhà thầu “thiết kế với độ an toàn... quá cao, gây lãng phí không cần thiết”, làm tăng thêm chi phí xây dựng 238,5 tỉ đồng, nguyên nhân là do “chưa có kinh nghiệm và do áp lực của dư luận về việc an toàn”.
Lý giải cho việc xin ‘hạ tiêu chuẩn’ của hồ chứa vì: “Xây dựng hai khoang bùn đỏ đầu tiên an toàn quá mức cần thiết”, Bộ Công thương cho rằng đây là đánh giá của “các chuyên gia chuyên ngành”.
Việc đầu tư cho hồ bùn đỏ, với dự án alumin Tân Rai là trên 347 tỉ đồng, chiếm 2,5% tổng mức đầu tư dự án, với dự án Nhân Cơ chiếm 3,23%. Theo Bộ Công thương, con số này “chiếm tỉ lệ khá lớn” trong tổng mức đầu tư hai dự án bôxit, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hai dự án.
Cũng theo bộ này, hội đồng thẩm định thiết kế kỹ thuật hồ bùn đỏ dự án Nhân Cơ do Bộ Công thương chủ trì đã yêu cầu nhà thầu điều chỉnh lại theo hướng giảm kích thước đập ngăn, nâng cao khả năng chứa của hồ, rút ngắn hệ thống đường ống để tiết kiệm đầu tư, thời gian thi công mà vẫn đảm bảo an toàn.
Giảm thuế, phí, chỉ thuê đất mà không đền bù
Không những thế Bộ Công thương còn xin được giảm thuế, giống như TKV từng đề nghị. Cụ thể, bộ này cho rằng bôxit “không phải là khoáng sản độc hại”, sau 3-4 năm khai thác có thể hoàn thổ, đất trồng thậm chí còn được cải thiện... tốt hơn, nên mức phí bảo vệ môi trường 30.000-50.000 đồng/m3 là không hợp lý.
Theo đó, Bộ Công thương đề xuất sửa quy định, giảm phí môi trường cho bôxit xuống chỉ còn 4.000-10.000 đồng/tấn, trước mắt chỉ áp dụng mức 4.000 đồng/tấn bôxit (tương đương 7.000 đồng/m3).
Về cơ chế đền bù, giải phóng mặt bằng Bộ này cũng đề nghị cần “chính sách đền bù hợp lý”, cho phép chủ đầu tư chỉ thuê đất có thời hạn của các hộ dân. Sau khi khai thác quặng sẽ trả lại cho... chính hộ dân đó.
“Nghĩa là sẽ không bồi thường đất, chỉ bồi thường những tài sản như cây trồng, nhà cửa trên đất, có hỗ trợ đời sống người dân trong thời gian đất của họ đang được khai thác quặng và sau khi khai thác xong...”, báo cáo nêu.
Đặc biệt, dù alumin là sản phẩm nguyên liệu để sản xuất nhôm nhưng Bộ Công thương cho rằng nó được chế biến sâu từ quặng bôxit, nên cần được cho hưởng thuế giá trị gia tăng bằng 0%. Ngoài ra, “do chúng ta có trữ lượng và tài nguyên dự báo quặng bôxit rất lớn”, Bộ Công thương đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế tài nguyên cho quặng bôxit...
Thất hứa?
Trước đó ngay từ khi dự án chưa triển khai không ít ý kiến phản biện về sự lo ngại đối với sự an toàn hồ chứa bùn đỏ.
Nhiều ý kiến cho rằng nguy cơ từ "túi bùn đỏ như quả bom treo lơ lửng trên Tây Nguyên"có thể trở thành thảm họa khi xảy ra sự cố hoặc chất thải bùn đỏ ngấm xuống nước ngầm gây họa lâu dài.
Ngay sau đó phía chủ đầu tư cho rằng sẽ tăn chi phí để nâng cao chất lượng hồ chứa bùn đỏ. Khi đó, vào hồi tháng 5/2013, ông Võ Tuấn Nhân, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội trong một lần lên giám sát đã đánh giá và đưa ra kết luận việc xử lý hồ bùn đỏ thuộc dự án là an toàn thực sự, nhưng đầu tư lớn. Ban đầu dự kiến số tiền bỏ ra chỉ mấy chục tỉ đồng, nhưng sau đó vốn đầu tư vọt lên tới hơn trăm tỉ.
“Ban đầu thiết kế đầu tư hồ bùn đỏ có kinh phí không cao, nhưng khi đang làm thì xảy ra sự cố vỡ hồ bùn đỏ trong khai thác ở bôxit Hungary nên Chính phủ yêu cầu làm thêm đánh giá tác động môi trường, độ an toàn của hồ chứa. Thiết kế cũng được nâng lên ở mức rất chuẩn là nguyên nhân chính khiến cho chi phí vọt lên hơn trăm tỉ đồng”, ông Nhân cho biết.
Cũng từ đây dư luận tạm yên tâm về mặt an toàn hồ chứa, nhưng nay Bộ Chủ quản lại xin giảm tiêu chuẩn thì thực sự khó hiểu.
Là người từng đi khảo sát trực tiếp tại dự án bôxit, ông Phạm Quang Tú, viện phó Viện tư vấn phát triển thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN - cho biết đặc thù vùng Tây nguyên địa hình cao, nên nếu hồ bùn đỏ có sự cố sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân. Cho nên trước khi Bộ Công thương điều chỉnh thiết kế theo hướng giảm mức đầu tư vì “an toàn quá mức” thì nên công bố cho xã hội biết các chỉ số kỹ thuật hiện tại đang được cho là quá mức.
Ông Phạm Quang Tú đề nghị cần đặt chỉ số an toàn ở mức cao nhất có thể, nguyên tắc phòng ngừa rủi ro là hạn chế đến mức thấp nhất chứ không phải lo “quá mức”, nhất là khi dự án bôxit vẫn là nỗi lo lắng của nhiều người dân. “Cần tránh đánh đổi hiệu quả kinh tế lấy rủi ro trong tương lai” - ông Tú nhấn mạnh.
Còn việc tính chuyện không trả tiền đền bù đất mà chỉ thuê có thời hạn, TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện Hội Bảo vệ Thiên nhiên môi trường Việt Nam cho rằng: “Vì bán lỗ mà đòi giảm đền bù cho dân thì tôi không tin Vinacomin sẽ đầu tư phục hồi đất, chống xói mòn”.
Phương Nguyên (đatviet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét