Tình người - thước đo của văn minh
Các nền văn minh của nhân loại dù rực rỡ và mạnh mẽ đến đâu cũng đã lần lượt chết đi qua các thời kỳ. Nhưng “tình người”, chủ nghĩa nhân bản vẫn sống, vẫn được chăm sóc, gìn giữ. Thước đo của văn minh thực chất là cao trình của chủ nghĩa nhân bản. Người ta hay sính dùng chủ nghĩa này, chủ nghĩa nọ. Nhưng suy cho cùng, chữ nghĩa chẳng có ý nghĩa gì nhiều. Người Esquimo, người Vân Kiều kém văn minh ư? Nhưng họ đã không làm ra và thả bom nguyên tử xuống thành phố, họ không dùng hóa chất biến nước cống thành mỡ rán cung cấp cho quán ăn của đồng loại. Và họ cũng không hề có một cuốn sách nào, một định nghĩa nào về cái gọi là “chủ nghĩa nhân bản”.
Con người, bằng bản năng hoặc trình độ hiểu biết, đều nhận thức rằng “tình người” có ý nghĩa sống còn với mọi xã hội loài người. Tuy “tình người” được xướng lên với những tên gọi khác nhau nhưng vẫn là cái lõi của những tôn giáo lớn. Một vị cao tăng nói với tôi: “Nếu nói về đạo Phật trong một câu, thậm chí một chữ thì đó là Karunâ – từ bi”. Một linh mục cũng bảo tôi: “Chúa Giê-su ư? Là một người yêu thương con người và muốn mọi người cũng yêu thương người khác như mình”. Vị hoàng tử rời cung vua chọn gốc bồ đề và chàng thợ mộc của thành Nazareth đều muốn rao giảng tình thương, không phải tình thương xót thụ động và ủy mị mà có ý nghĩa tích cực, đó là một tình người “cứu khổ chúng sinh” của nhà Phật hay “cứu rỗi” của Ki tô giáo.
Kho tàng văn học nghệ thuật đồ sộ của nhân loại là nơi âm thầm nuôi dưỡng “tình người”. Các đấng minh triết, các nhà văn, nhà thơ vẫn đau đáu rao giảng một điều ấy. Họ đều muốn “con người” trở nên “người” hơn. Thật kỳ công và nhiều khi phải dũng cảm để nói lên được hai tiếng “yêu thương”. Đọc Những người khốn khổ, cuốn sách - như tác giả viết - “luôn cần thiết khi xã hội còn áp bức và bất công” hay Văn chiêu hồn của Nguyễn Du, ta thấy nhà văn lớn luôn trải lòng thương yêu vô bờ bến cho mọi kiếp người, từ một cô Fantine bán tóc, bán răng nuôi con đến những kẻ “màn lan trướng huệ” thất thế. Cha ông ta cũng luôn nhắc: “thương người như thể thương thân” hay “lá lành đùm lá rách”. Mẹ Thérésa, người ăn mày vĩ đại cho người nghèo, thì nói: “Không nên để lòng ghét người khác vì như thế thì không còn chỗ cho tình yêu thương”.
Tình thương yêu con người, có sẵn một cách đặc biệt trong tâm hồn Việt. Một đất nước đã 13 lần đánh thắng bọn xâm lược phương Bắc, đã từng mất nước 1000 năm rồi một trăm năm, đất nước của bão biển mưa nguồn, con người phải tay trong tay dựa vào nhau mà sống, mà chiến đấu. Chung nhau cùng vận mệnh dân tộc đã làm người Việt gần nhau hơn. Khi vó ngựa quân thù nện ngoài biên ải, mỗi người đều cảm thấy thương yêu hơn người bên cạnh. Những ai đã kinh qua cuộc chiến tranh, nằm hầm nằm hố, lặn ngụp trong lòng nhân dân để chiến đấu hẳn biết rõ hơn ai hết, cái tình người lai láng ấy. Không có tình thương yêu, đùm bọc, che chở nhau thì không cộng đồng nào qua nổi can qua.
Tình thương yêu con người, có sẵn một cách đặc biệt trong tâm hồn Việt
Nhưng tình thương yêu của người Việt không chỉ bộc lộ trong chiến tranh. Cuộc sống nghiệt ngã đã làm tình người thêm đậm, thêm thắm. Ảnh hưởng sâu sắc đạo Phật vốn đã sớm vào đất Việt từ thuở Luy Lâu, người Việt có truyền thống “từ bi hỷ xả”. Cái tình ấy, nghĩa ấy thấy rõ qua ca dao, tục ngữ và tác phẩm văn chương cha ông để lại, đặc biệt trong Văn chiêu hồncủa thi hào Nguyễn Du. Với gần hai trăm câu thơ, nhà thơ dân tộc đã cất lên bản cầu hồn thống thiết cho thập loại chúng sinh, những linh hồn phiêu bạt đang lang thang đâu đó trên trần thế.
Không chỉ thương xót cho người nghèo hèn bị chết tức tưởi, nhà thơ còn dành tình thương cho mọi số phận, kể cả những bậc đế vương, tướng lĩnh. Đó là những kẻ “chí những lăm cướp gánh non sông” nhưng chết yểu khi sự nghiệp không thành, con cháu họ là những công chúa tiểu thư “màn lan trướng huệ” sa cơ thất thế đành trẫm mình tìm đường siêu thoát. Vànhững kẻ mão cao áo rộng/ Ngòi bút son thác sống ở tay nhưng ngàn vàng không cuộc được mình đành mất mạng trong cuộc tranh giành ngôi thứ. Những ông tướng bại vong và những người lính tử trận nơi chiến trường, trở thành vô danh, những kẻ dành cuộc đời đi tìm cuộc sống giàu sang không may dọc đường bỏ xác, những kẻ đeo đuổi văn chương thơ phú một ngày nọ ốm đau mà lìa đời nơi quán rượu, “vội vàng liệm sấp chôn nghiêng/ Anh em: thiên hạ, láng giềng: người dưng”, những thương nhân lênh đênh chân trời góc biển chết bệnh xa nhà.
Và nhà thơ dành những lời cầu hồn xúc động nhất, những giọt nước mắt đau xót nhất cho ba loại người khốn khổ tột cùng trên trần thế: những cô gái “lỡ làng một tiết” mà phải liều “bán nguyệt buôn hoa”, những kẻ “mắc oan tù rạc”, khi chết thì “gói xương chôn rấp góc thành/ kiếp nào cởi được oan tình ấy đi? Và những kẻ ăn mày “suốt một đời nằm cầu gối đất, sống nhờ hàng xứ thác vùi đường quan”…
Tâm hồn quảng đại của nhà thơ như ngôi nhà mênh mông ôm trọn “thập loại chúng sinh”, không chỉ dành gọi những cô hồn “đang trú ẩn dọc bờ dọc bụi/ hoặc là nương ngọn suối chân mây/ hoặc là bãi cỏ lùm cây/ hoặc là cầu nọ quán nầy bơ vơ” hãy về bên nhau trong tấm lòng nhân ái, xót thương của người đời mà còn là thông điệp của tình thương yêu với người đang sống.
Những khuôn mặt của cái ác
Nhưng xem ra mọi cố gắng của các nhà nhân bản đã không đưa lại mọi sự như ý. “Dã man không bao giờ tạm thời”, lời nhận xét ấy của nhà văn Albert Camus quá chính xác và sắc sảo. Đức Thích Ca Mâu Ni chỉ coi mình là người “giác ngộ” đầu tiên và ngài tâm niệm mỗi người đều có thể thành Phật như Ngài. Nhưng không phải mọi người đã dễ dàng thành Phật.
Ông Thiện có khắp nơi, nhưng ông Ác luôn cặp kè và có khi nổi trội. Thế giới đã hơn một lần tạm thời thúc thủ khi cái Ác lên ngôi. Tàn sát hàng triệu người Do Thái chỉ vì màu mắt của họ, hủy diệt hàng chục triệu người trong Đại nhảy vọt và cái gọi là “cách mạng văn hóa” chỉ để giữ chiếc ghế “vĩ đại”, những chiếc cán cuốc nhãn hiệu Khơme Đỏ làm ra hai triệu xác chết gây kinh hoàng đất Chùa Tháp, xác người vô tội tràn ngập trong những vụ diệt chủng ở Ruwanda…đều xảy ra khi thế giới được coi là đã văn minh. Quả thật “dã man không bao giờ là tạm thời!".
'Ông Thiện' có khắp nơi, nhưng 'ông Ác' luôn cặp kè và có khi nổi trội.
Và chính chúng ta trong những ngày gọi là bình yên, ổn định cũng đang chứng kiến đến mức sửng sốt những điều xưa nay chưa hề có, chẳng những xa lạ với truyền thống “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” mà xa lạ cả với “tình người”.
Chuyện đó cũng bình thường, xã hội nào cũng có người tốt người xấu. Nhưng đáng buồn là người ta gặp ông Ác luôn luôn mà ít gặp ông Thiện. Ông Ác là “một bộ phận không nhỏ” trong số đảng viên hay nhân viên công quyền. Ông Ác mặt sắt đen sì khi xử án, cái mặt đen sì ấy không phải biểu tượng của công minh Bao Công mà vô cảm vô tâm, xử nhẹ người chung chi, xử nặng người vô tội.
Ông Ác đứng đường “hành hạ” người tham gia giao thông phạm lỗi. Ông Ác làm giá đỗ với hóa chất, tưới thật đẫm thuốc trừ sâu lên rau cỏ để bán cho người khác mà không hề nghĩ rằng bệnh ung thư sau khi thăm nhà hàng xóm rồi sẽ gõ cửa nhà mình, đe dọa cả con cái mình. Ông Ác, ông Ác có thể gặp khắp nơi, mọi chỗ. Có lẽ chưa từng thấy tội ác mang nhiều khuôn mặt kinh dị như hiện nay, chỉ cần vào xa lộ thông tin mỗi buổi sáng chúng ta sẽ gặp những tội ác, tội phạm không thể kể lại hết và tốt nhất là không nên kể lại.
Ông ác ở đâu ra?
Gần đây, GS - TS Nguyễn Lân Dũng, nguyên đại biểu Quốc hội có phát biểu về 5 tính xấu của một số người Việt như “ham tiền, hiếu danh, coi thường danh dự, vô cảm và hèn nhát, coi nhẹ ý nghĩa đồng bào”.
Nói “người Việt” có lẽ không chuẩn xác nhưng quả thật những tính xấu ấy đã nhiễm vào não trạng và tâm lý của không ít người.
Vị GS cũng bắt mạch được nhiều nguyên nhân như “chịu ảnh hưởng mặt xấu của kinh tế thị trường, thiếu duy trì truyền thống gia giáo, coi nặng tiền tài hơn giáo dục, chăm sóc con cái, thiếu gương mẫu của các quan phụ mẫu các cấp, thiếu tin tưởng và ít trọng dụng người tài…”. (báo GDVN)
Người Esquimo, người Vân Kiều kém văn minh ư? Nhưng họ đã không làm ra và thả bom nguyên tử xuống thành phố, họ không dùng hóa chất biến nước cống thành mỡ rán cung cấp cho quán ăn của đồng loại. Và họ cũng không hề có một cuốn sách nào, một định nghĩa nào về cái gọi là “chủ nghĩa nhân bản”.
Rất khó phản bác thực trạng và căn do GS Dũng đưa ra. Nhưng có một nguyên nhân sâu xa và chắc chắn hơn cả mà giáo sư không nói tới, đó là “tình người” nói cách khác là tính nhân bản đang hấp hối trong tâm thức mọi người nếu không kịp cứu vớt. Nhại lại một câu nói của nhà văn Dostoievskii, đúng là “Chúa đang hấp hối”, nếu hiểu Chúa ở đây là sự hoàn thiện, hoàn mỹ, giấc mơ của loài người.
Đã đến lúc phải đặt ra câu hỏi: con người còn thương yêu nhau nữa không đây? Câu trả lời là có và không có.
Có và không có vì, đã từng có những thanh niên như em Nguyễn Văn Nam mới đây hy sinh mạng sống để cứu 5 em học sinh đuối nước. Và chuyện không có thì... rất nhiều
Khi tình người cạn kiệt thì cuộc sống sẽ bị khô héo, sa mạc hóa. Con người đang là kẻ thù của chính mình
Dự án Chẩn đoán Hệ Sinh Thái Thiên Niên Kỷ (Millennium Ecosystem Assessment) do 1.000 nhà sinh vật học hàng đầu thế giới điều hành là một cuộc kiểm tra toàn diện nhất từ trước đến nay về "sức khỏe" của Trái đất.
Tập tài liệu với sự đóng góp của 1.300 nhà nghiên cứu ở 95 quốc gia cho biết: những sinh vật hiện đang biến mất ở mức độ từ 100 đến 1.000 lần so với mức độ mà chúng ta thấy trên các di tích trầm thạch.
Một phần ba thủy động vật, một phần năm động vật có vú, và một phần tám loài lông vũ đang bị đe dọa diệt chủng. Giới khoa học ước đoán, khoảng 90% loài cá ăn thịt đã bị tiêu diệt kể từ khi có đánh cá công nghiệp.
"Nếu chúng ta tiếp tục với mức độ tiêu diệt các chủng loại động vật như hiện nay thì cũng sẽ không còn cơ hội để giảm nghèo. Cuộc sống con người cũng nghèo đi..."(theo BBC). Đó là khuyến cáo thẳng thắn làm chúng ta sửng sốt và lo sợ cho tương lai của loài người, sinh vật bá chủ hành tinh xanh từ hàng triệu năm nay.
Nhưng đó chưa phải là điều đáng sợ nhất. “Sức khỏe Trái Đất” có vấn đề về phần xác. Nhưng não trạng và tinh thần của nó được thể hiện trong sinh vật bá chủ - con người cũng đang bệnh hoạn trầm trọng. Con người vì sự tồn tại của mình mà đã trở thành kẻ thù của muôn loài, đang là kẻ diệt chủng siêng năng và đáng sợ.
Trái Đất đang nghèo đi nhanh chóng vì hành vi của loài người. Dân số tăng nhanh, sinh vật vốn có lý lịch gốc gác là con thú hai chân phải giành giật nhau miếng ăn và đua nhau sắm phương tiện tiện nghi. Cái xã hội ngày càng mất cân bằng do tiêu dùng (và đi đôi với lãng phí)(1) vô hạn độ đang lan tràn rộng rãi trên khắp các lục địa vì cuộc hội nhập toàn cầu. Và đó là nguyên nhân lớn nhất, sâu xa nhất dẫn tới một sự diệt chủng khác về tinh thần, từ từ, khó nhìn thấy nhưng nguy hiểm hơn bội phần.
Đó là sự suy thoái của tình người, chất nhựa kết dính để phân biệt người và thú, đã làm nên một cộng đồng loài người mạnh mẽ và đặt nó lên ngôi bá chủ. Khi tình người cạn kiệt thì cuộc sống sẽ bị khô héo, sa mạc hóa. Con người đang là kẻ thù của chính mình. “L’enfer c’est les autres” (Địa ngục là những kẻ khác), câu nói nổi tiếng của J.P Sartre có vẻ đã đúng.
Đó không phải là một tiếng thở dài bi quan mà thực sự là một cảnh báo.
-------------
(1) Có tài liệu cho biết hàng năm người Mỹ đổ bỏ đến 40% thực phẩm. Người châu Âu mỗi người có một cái ô tô. Không nói đâu xa, ở một nước nghèo như nước ta, có tới 20% người thiếu ăn, thiếu đạm, phải săn cả cóc nhái để ăn, nhưng việc đổ bỏ thức ăn thừa ở các nhà hàng, khách sạn, các bữa “liên hoan” cũng khá phổ biến.
Bài: Nguyễn Quang Thân
Ảnh: Nguyên Trương, Tư liệu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét