Theo Bloomberg, dòng tiền dồi dào từ các nhà sản xuất như Samsung và Intel đang đem đến cho Việt Nam một cơ hội thứ hai để trở thành “con hổ” tiếp theo của châu Á.
Nội dung nổi bật:
- PricewaterhouseCoopers nhận định Việt Nam có tiềm năng thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong giai đoạn từ nay đến năm 2050
- Việt Nam đang được hưởng lợi lớn nhất từ những yếu tố bất lợi đối với nền kinh tế Trung Quốc
Có đường bờ biển chạy dài theo một trong những con đường vận tải biển quan trọng nhất thế giới cùng với dân số trẻ và đang bùng nổ, Việt Nam một lần nữa lại nhận được những đánh giá lạc quan về nền kinh tế sau nhiều năm gây thất vọng.
Theo Bloomberg, dòng tiền dồi dào từ các nhà sản xuất như Samsung và Intel đang đem đến cho Việt Nam một cơ hội thứ hai để trở thành “con hổ” tiếp theo của châu Á.
Thay chân Trung Quốc trong ngành sản xuất
Hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers LLP cho rằng Việt Nam có tiềm năng để trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong giai đoạn từ nay đến năm 2050. Không chỉ lấy được vị thế là trung tâm sản xuất giá rẻ thay thế cho nước láng giềng Trung Quốc, Việt Nam cũng là một điểm đến ổn định về mặt chính trị đối với các doanh nghiệp Nhật Bản vốn đang muốn đẩy mạnh đầu tư vào khu vực Đông Nam Á.
“Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á”, Vikram Nehru – chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Washington – nhận định. “Việt Nam có đầy đủ các yếu tố để tăng trưởng nhảy vọt nếu như có thể giải quyết được những thách thức nằm ở khu vực nhà nước”.
Năm 2014, Việt Nam vượt qua các đối tác trong khu vực để trở thành nước xuất khẩu vào thị trường Mỹ lớn nhất ở ASEAN, bỏ qua cả những đối thủ khá ổn định trong ngành sản xuất chế tạo như Thái Lan và Malaysia.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được giải ngân trong 14 năm qua đã chạm mốc 12,35 tỷ USD trong năm 2014, tăng 7,4% so với 2013. Hoạt động của Samsung ở Việt Nam lớn đến nỗi doanh nghiệp này được nhà nước chấp thuận cho phép mở riêng một nhà ga ở sân bay quốc tế Nội Bài.
Các nhà sản xuất khác cũng chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Công ty sản xuất máy in đến từ Nhật Bản Kyocera Document Solutions có dự định tăng gấp 4 sản lượng ở Việt Nam, lên 2 triệu chiếc vào năm 2018. Một phần cơ sở sản xuất của hãng ở Trung Quốc sẽ được chuyển về Hải Phòng, biến Việt Nam thành “cứ điểm” sản xuất máy in lớn nhất của hãng.
Frederic Neumann – chuyên gia đến từ ngân hàng HSBC – nhận định Việt Nam là bên hưởng lợi nhiều nhất khi Trung Quốc mất đi lợi thế cạnh tranh do lương tăng và đồng nhân dân tệ tăng giá.
Trước khi yếu đi trong năm ngoái, đồng nhân dân tệ đã tăng 4 năm liên tiếp và là đồng tiền tăng mạnh nhất trong số 24 loại tiền tệ từ các thị trường mới nổi mà Bloomberg đang theo dõi.
Ở Việt Nam, chỉ số VnIndex đã tăng 5,5% kể từ đầu năm đến nay, vượt trội so với mức tăng 4,1% của Indonesia, 2,4% của Malaysia hay 2,2% của Thái Lan.
PwC dự báo Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP thực trung bình 5,3%/năm trong giai đoạn 2014 – 2015, chỉ đứng sau Nigeria. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc có thể giảm xuống dưới 4%.
Dân số là yếu tố có lợi rất lớn cho Việt Nam. Năm 2012, 13% dân số Trung Quốc ở độ tuổi từ 60 trở lên, trong khi tỷ lệ ở Việt Nam là 9% (theo số liệu của Liên hợp quốc). Hơn 40% dân số Việt Nam trong số 90 triệu người (năm 2013) nằm trong độ tuổi lao động.
Năm 2013, mức lương trung bình ở Việt Nam là 197 USD, so với mức 391 USD của Thái Lan và 613 USD của Trung Quốc. EIU dự báo đến năm 2019 chi phí nhân công trong ngành sản xuất của Trung Quốc sẽ cao hơn 177% so với của Việt Nam.
Tuy nhiên, hầu hết các hoạt động được chuyển sang Việt Nam đều nằm ở phần mang lại giá trị gia tăng thấp như dệt may, đồ nội thất và gia công hàng điện tử. Điều này cũng dễ hiểu trong bối cảnh Trung Quốc đang dịch chuyển lên những nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị.
Các tổ chức đồng loạt nâng dự báo
Các ngân hàng ở Việt Nam đang ráo riết xử lý nợ xấu và chính phủ cũng đẩy nhanh tiến độ cải cách doanh nghiệp nhà nước. Cơ sở hạ tầng không đồng bộ, khoảng cách về kỹ năng và tham nhũng là những rủi ro chính đối với nền kinh tế Việt Nam.
Tim Condon – người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về châu Á tại ING – cho rằng Việt Nam sẽ thay thế Thái Lan trở thành “ngôi sao sáng” của vùng Mekong (bao gồm Campuchia, Lào, Myanamar, Thái lan và Việt Nam, cùng với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc).
Xuất khẩu của Thái Lan – một trong những nước từng được các chuyên gia phân tích và giới truyền thông gọi là “con hổ” của châu Á trước khi khủng hoảng 1997 – 98 xảy ra – đã sụt giảm trong 2 năm liên tiếp. Ngược lại, năm 2014, Việt Nam chứng kiến xuất khẩu tăng gần 14%.
Ngân hàng ANZ cũng vừa nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2014 và 2015 lên 6,5%. ANZ cho rằng doanh số bán lẻ được củng cố, sản lượng công nghiệp tăng tốc và thị trường bất động sản ấm dần lên là những tín hiệu rất tích cực đối với kinh tế Việt Nam.
Thu Hương
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét