Đó là chủ đề của Hội thảo khoa học do Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM (Hascon) tổ chức ngày 21.3, tại TP.HCM.
Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, Chủ tịch Chi hội Hàng không thuộc Hội Tư vấn Hascon, nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nói: Dự án sân bay Long Thành không có nghiên cứu tiền khả thi, thiếu nghiên cứu thị trường, không tính toán tài chính đầy đủ, tính toán kinh tế rất mơ hồ... nên không thể kiểm chứng và tin cậy được. Bên cạnh đó việc kỳ vọng Long Thành trở thành sân bay trung chuyển lớn của khu vực là viển vông. Việc dời trung tâm hàng không về Long Thành cũng sẽ gây thiệt hại đến sự phát triển về kinh tế, văn hóa của TP.HCM.
TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Hascon, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học EEI cho rằng: Trước mắt có thể nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất lên tối thiểu 56 triệu hành khách/năm mà không cần di dời dân, không cần di dời bất cứ một căn nhà hoặc cơ quan nào nằm trong khuôn viên hiện hữu của Tân Sơn Nhất, chỉ cần sử dụng khu vực 36 ha đất trống và khu vực 159 ha sân golf là đủ.
Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến ủng hộ dự án sân bay Long Thành vì đây là chuyện kéo dài trong tương lai chứ không phải ngày một ngày hai nên phải xúc tiến ngay từ bây giờ. Bởi tiến hành thời điểm này sẽ tiết kiệm chi phí đền bù giải tỏa cho người dân. Trước sau gì cũng phải làm sân bay Long Thành vì sân bay Tân Sơn Nhất thật sự đã quá tải. Đường ra sân bay thường xuyên kẹt xe, mất rất nhiều thời gian để di chuyển từ trung tâm ra đến sân bay...
Ông Phạm Văn Bảy, Chủ tịch đầu tiên của Hội Tin học TP.HCM (HCA), tốt nghiệp Trường Hàng không dân dụng quốc gia Pháp năm 1953, phân tích hai đầu đường băng sân bay Tân Sơn Nhất đều là nhà dân với số lượng lớn và cả khu công nghiệp. Điều này là không an toàn đối với những người dân ở khu vực đó. Chuyện giải tỏa di dời dân là không khả thi vì sẽ đền bù rất lớn. Tốt nhất là phải tìm một chỗ khác cho sân bay.
Bảo vệ quan điểm của mình, TS Tống đề xuất phương án cụm sân bay hỗn hợp quân sự và dân sự Tân Sơn Nhất - Biên Hòa. Trên thế giới có rất nhiều sân bay được sử dụng chung như thế để mang lại hiệu quả kinh tế, có thể kể đến như Miami bang Florida (Mỹ), Soekarno-Hatta ở Jakarta (Indonesia) là những sân bay kết hợp như thế. Cụm sân bay Tân Sơn Nhất - Biên Hòa hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu của hàng không khu vực các tỉnh phía nam trong 50 năm tới mà không cần đầu tư lãng phí vào sân bay Long Thành.
Chí Nhân